Vì sao Nga vẫn để căn cứ trực thăng trong tầm bắn đạn chùm của tên lửa ATACMS Ukraine?

Chia sẻ Facebook
21/11/2023 04:21:05

Quân đội Nga hiện vẫn đang duy trì các phi đội trực thăng tấn công ở loạt căn cứ cách biên giới Ukraine khoảng 6km và cách tiền tuyến khoảng 75km mà không lo ngại nguy cơ Kiev tập kích bằng tên lửa đạn đạo do Mỹ cung cấp.

Các trực thăng Ka-52 được Nga đặt tại căn cứ trên bán đảo Crimea.

Theo báo Ukraine Defense Express, một trong những mối đe dọa lớn nhất của Nga với quân đội Ukraine là các phi đội trực thăng tấn công Ka-52 và Mi-28.

Mẫu tên lửa đạn đạo ATACMS mà Mỹ cung cấp cho Ukraine  vào tháng trước được trang bị đầu đạn chùm chứa gần 1.000 quả đạn con.

Tên lửa này phù hợp để tấn công sân bay, nơi đối phương tập kết vũ khí và các hệ thống phòng không. Một cuộc tập kích như vậy diễn ra vào tháng trước ở thành phố Berdyansk được cho là đã gây hư hại cho ít nhất 9 trực thăng Nga.

Tuy nhiên, Nga không có dấu hiệu thay đổi chiến thuật sử dụng trực thăng, khi vẫn đặt các căn cứ trực thăng gần tiền tuyến, tờ Defense Express ngày 19/11 cho biết.

Đánh giá này dựa trên một loạt các bức ảnh vệ tinh mới được công bố. Các căn cứ trực thăng được Nga đặt ở Taganrog, Zernograd (vùng Rostov), Buturlinovka (vùng Voronezh), Rovenki (vùng Belgorod), Kirovske (bán đảo Crimea) và một số căn cứ khác.

Ảnh vệ tinh cho thấy ít nhất 25 trực thăng tấn công Ka-52 hiện diện ở các căn cứ này và số lượng hoàn toàn có thể còn lớn hơn.

Có lý do khách quan và chủ quan ngăn Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS để tập kích các căn cứ trên của Nga. Lý do thứ nhất là Ukraine sử dụng vũ khí phải tuân theo các điều kiện mà Mỹ đặt ra. Washington đã nhiều lần cảnh báo Kiev không sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tập kích các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga nhằm tránh căng thẳng leo thang.

Trong trường hợp này, Ukraine không được phép sử dụng tên lửa ATACMS để tấn công căn cứ trực thăng trên lãnh thổ Nga dù có căn cứ chỉ cách biên giới 6km.

Mỹ cung cấp tên lửa đạn đạo ATACMS cho Ukraine vào tháng trước.

Lý do thứ hai là hạn chế về mặt kỹ thuật. Căn cứ Kirovske ở bán đảo Crimea nằm cách tiền tuyến khoảng 230km. Tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp cho Ukraine hiện không thể bắn tới căn cứ này vì tầm bắn chỉ 165km.

Theo Defense Express, Ukraine sẽ cần Mỹ trang bị tên lửa ATACMS tầm bắn 300km hoặc quân đội phải tiến sâu hơn về phía nam để đưa các mục tiêu ở bán đảo Crimea vào tầm bắn của tên lửa.

Báo Ukraine kết luận, chừng nào Kiev chưa tìm ra cách loại các trực thăng Nga khỏi phạm vi chiến đấu ở tiền tuyến thì cuộc phản công của Kiev vẫn sẽ còn đối mặt với các thách thức. Trực thăng tấn công Ka-52 của Nga có phạm vi chiến đấu khoảng 460km.


Đăng Nguyễn - Defense Express

Chia sẻ Facebook