Vì sao năng suất lao động của Úc đứng trước nhiều thách thức?
Vì sao năng suất lao động của Úc đứng trước nhiều thách thức?
Năng suất lao động thường được hiểu là số lượng sản phẩm (GDP) được tạo ra trên một đơn vị người lao động làm việc (hoặc trên mỗi giờ lao động).
Về lý thuyết, nó liên quan đến những yếu tố về đầu tư, đổi mới, kỹ năng, doanh nghiệp và cả sự cạnh tranh nguồn lao động. Thực tế thì năng suất không dễ để đo lường chính xác, và mọi người cũng chưa hiểu kỹ càng về khái niệm này.
Các nhà kinh tế học cho rằng các doanh nghiệp Úc đang đối mặt với sự sụt giảm về tài chính và năng suất lao động. Họ cũng chưa áp dụng các chính sách cải tiến tốt bằng các doanh nghiệp trên toàn cầu. Những người điều hành nền kinh tế vẫn đang tìm cách cải thiện năng suất lao động của đất nước, nhưng vấn đề dường như không đơn giản.
Dưới đây là một vài lý do vì sao việc cải thiện năng suất lao động ở Úc đang đứng trước nhiều thách thức.
Máy móc đang thay thế con người
Sản xuất công nghiệp ngày nay đang ứng dụng máy móc, công nghệ để sản xuất hàng hóa hàng loạt - cho ra một khối lượng sản phẩm lớn trong một thời gian ngắn. Máy móc còn có nhiều tùy chọn, chúng thiết kế được toàn bộ sản phẩm hoặc chỉ các bộ phận của sản phẩm, phù hợp với nhu cầu và trình độ của các nhà cung cấp quy mô nhỏ.
Trong một số ngành nhất định, máy móc và máy tính đã thay thế đáng kể người lao động. Các trung tâm chăm sóc khách hàng hay những quy trình có thể thực hiện online đều đang dần chuyển sang hình thức tự động hóa hoặc lập trình sẵn.
Còn lại, các doanh nghiệp Úc cần sử dụng lao động lại thường là ngành dịch vụ và giao dịch thương mại. Tuy nhiên, đây lại là các công việc không định kỳ và ít lặp lại, do đó quy trình cải thiện năng suất cũng rất phức tạp.
Điều này phần nào lý giải tại sao chi phí chăm sóc sức khỏe, giáo dục và chăm sóc trẻ đang tăng cao so với mặt bằng giá chung, trong khi sản phẩm chế tạo lại rẻ hơn.
Giáo dục là một khoản đầu tư đắt đỏ
Úc đã đạt được những thành tựu giáo dục khi nâng cao trình độ đọc, viết và làm toán của người dân, đồng thời mở rộng các chương trình giáo dục đại học trong suốt 50 năm qua. Tuy nhiên, thành tựu này có thể không lặp lại trong những năm tới.
Các tiêu chuẩn giáo dục đang giảm sút. Chi phí giáo dục đại học vượt quá ngân sách của nhiều người, buộc cử nhân vừa tốt nghiệp phải gia nhập thị trường lao động với một khoản nợ sinh viên lớn.
Có nhiều quy định hơn
Các doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều quy tắc hơn để bảo vệ môi trường, nhân viên và người tiêu dùng của họ. Đây thực ra là một điều có lợi, nhưng quá nhiều quy định sẽ kéo theo một quy trình xử lý rối rắm hơn. Ngoài ra, chủ doanh nghiệp vẫn do dự và chưa dám xóa bỏ những điều luật đã cũ hoặc không còn hiệu quả để thay thế bằng những chính sách mới.
Trước những rủi ro mới và cả rủi ro đã tồn đọng, càng lúc càng ít người dám khởi nghiệp. Ít doanh nghiệp hơn đồng nghĩa khả năng cạnh tranh trên thị trường thấp hơn.
Thiếu sự cạnh tranh
Khái niệm "Tập trung thị trường" được hiểu đơn giản là sự phân phối giữa các công ty tham gia trên một thị trường nhất định. Sự tập trung thị trường gia tăng (tức là một công ty dần độc quyền hơn) hạn chế cơ hội hình thành các doanh nghiệp mới.
Tại Úc, các ngành công nghiệp chính - bán lẻ, ngân hàng, năng lượng, viễn thông, công nghệ, truyền thông - bị chi phối bởi một vài công ty trong nước hoặc quốc tế, do vậy hạn chế năng lực cạnh tranh và không thúc đẩy việc tìm ra sáng kiến mới nhằm cải thiện năng suất.
Doanh nghiệp "xác sống"
Kể từ năm 2008, lãi suất thấp và chính sách tiền tệ bất ổn đã khiến nền kinh tế Úc lao đao. Hậu quả của nó là các doanh nghiệp "xác sống" ra đời.
Đây là những công ty có thể trả hết lãi từ các khoản vay nhưng thiếu tiền để trả khoản nợ thực tế hoặc đầu tư để cải thiện hoạt động. Các bên cho vay thì do dự, không muốn yêu cầu các công ty trả toàn bộ số nợ vì sợ rằng các doanh nghiệp này sẽ lỗ nặng.
Nhà kinh tế học chính trị Joseph Schumpeter gọi những đổi mới, đột phá trong quy trình sản xuất nhằm tăng năng suất là sự "Phá hủy mang tính Sáng tạo" (Creative Destruction). Hiểu đơn giản, đây là sự "phá hủy" có lợi cho nền kinh tế.
Trong trường hợp của Úc, sự tồn tại của doanh nghiệp "xác sống" sẽ cản trở sự "phá hủy" này, bởi nhà đầu tư vẫn bị ràng buộc bởi các doanh nghiệp kém hiệu quả. Sự ràng buộc này hạn chế nguồn cung tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ hơn, nhưng có nhiều sáng kiến đổi mới hơn.
Nghịch lý tiêu dùng
Cải thiện năng suất của thị trường lao động Úc có thể không có nhiều lợi ích như chúng ta nghĩ. Điều này được giải thích bởi một số nghịch lý sau.
Tăng lương khi năng suất lao động tăng lên không đồng nghĩa với việc cuộc sống sẽ dư dả hơn, đặc biệt khi tốc độ lạm phát cao hơn tốc độ tăng thu nhập.
Giảm số lượng công nhân xuống 0 và dùng máy móc hoàn toàn có thể mang lại năng suất làm việc cực lớn. Nhưng do sự tiêu dùng chiếm 60% đến 70% hoạt động kinh tế ở Úc, quyết định giảm nhân công và thu nhập vẫn sẽ tác động và ảnh hưởng đến các thị trường sản xuất khác trong nước.
Vậy chính phủ Úc đang hướng tới những chính sách cải thiện nào?
Trên trang Quốc hội Úc (Parliament of Australia), chính phủ có thể nâng cao tăng trưởng năng suất lao động bằng những cách sau:
- Tạo ra một hệ thống giáo dục chất lượng và hệ thống đào tạo dễ thích ứng.
- Cải thiện cơ sở hạ tầng công cộng, cấp vốn, đầu tư cho đường bộ, chính sách quy hoạch và sử dụng đất đai.
- Cải thiện cạnh tranh và giảm bớt quy định không cần thiết.
- Nâng cao mối quan hệ giữa các chính phủ và quản lý tài chính công mạnh mẽ hơn.
Nguồn: The Guardian