Vì sao Mỹ lại đưa Việt Nam vào danh sách giám sát tiền tệ?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 13/06 đã phát đi thông tin chính thức về việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia giám sát chính sách tiền tệ.
Báo Thanh Niên dẫn nguồn tin từ NHNN cho biết, ngày 10/06, Bộ Tài chính Mỹ ban hành Báo cáo về ‘Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ’.
Báo cáo tiếp tục xem xét các đối tác thương mại chính trên cơ sở 3 tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.
Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ đưa 12 nền kinh tế vào danh sách giám sát, gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Ý, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Mexico, Việt Nam và Đài Loan.
Thụy Sĩ là nền kinh tế duy nhất đáp ứng cả 3 tiêu chí và Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục thực hiện tiếp xúc nâng cao với Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sĩ.
Trong khi đó, Việt Nam và Đài Loan do không còn đáp ứng cả 3 tiêu chí, nên đã bị đưa trở lại danh sách giám sát. Tại báo cáo này, Bộ Tài chính Mỹ cũng kết luận không có đối tác lớn nào của Mỹ thao túng tiền tệ trong năm 2021.
Theo báo Zing, năm 2020, Bộ Tài chính Mỹ từng đưa Việt Nam cùng 11 nền kinh tế khác vào danh sách có dấu hiệu thao túng tiền tệ dựa trên quy định của Đạo luật thuận lợi hóa và thực thi thương mại năm 2015.
Trong đó, Bộ Tài chính Mỹ xem xét các đối tác thương mại đáp ứng 3 tiêu chí gồm thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD; can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.
Tuy nhiên, đến tháng 04/2021, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định không có đủ bằng chứng để xác định Việt Nam thao túng tiền tệ như đã nêu trong báo cáo trước đó.
Xuân Hạ (t/h)
Từ Khóa :