Vì sao Mỹ không đủ trạm sạc cho xe điện?
Tính đến cuối năm 2021, nước Mỹ chỉ lắp đặt được 112.900 bộ sạc EV công cộng trên khắp cả nước so với 442.000 ở châu Âu và 1,15 triệu ở Trung Quốc. Nguyên nhân do đâu?
Một trong những rào cản lớn nhất đối với công cuộc chuyển đổi xe điện nằm ở việc triển khai mô hình sạc thương mại cung cấp năng lượng, theo WSJ. Giới chức đang đổ hàng tỷ USD phát triển mạng lưới thu phí đường cao tốc quốc gia, song dường như các doanh nghiệp lại khá mông lung. Họ không biết mình sẽ kiếm tiền bằng cách nào, nhất là trong bối cảnh ngành công nghiệp sạc pin còn “non trẻ”.
Nhiều công ty tiện ích và trạm xăng còn đang tranh luận về việc ai sẽ sở hữu và vận hành bộ sạc EV, trong khi các bang khu vực nông thôn không mấy lạc quan về triển vọng các trạm sạc.
Việc xây dựng một mạng lưới sạc chất lượng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bộ phận những người ủng hộ xe điện cho biết nhiều tài xế sẽ chỉ cảm thấy thoải mái nếu việc sạc nhanh dễ dàng như đi đổ xăng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại không dám xuống tiền đầu tư vì sợ thua lỗ. Họ chỉ thực sự yên tâm khi thấy nhiều những xe điện hơn xuất hiện trên đường.
Theo WSJ, khoảng 1% tài xế tại Mỹ sở hữu xe điện. Danh sách chờ vẫn đang tăng lên, khi các nhà sản xuất ô tô như General Motors và Ford Motor kỳ vọng vào số liệu doanh số vượt khủng. Tất nhiên, để trấn an “những lo ngại xoay quanh phạm vi hoạt động” - nỗi sợ rằng chiếc xe điện sẽ hết năng lượng bất cứ lúc nào nếu chạy đường dài, nước Mỹ cần nhiều bộ sạc nhanh hơn. Quá trình này có thể mất từ 20 phút đến một giờ tùy thuộc vào từng loại xe.
Hiện có hơn 145.000 điểm tiếp nhiên liệu cho một phương tiện chạy xăng truyền thống. Trong khi đó, số lượng các trạm sạc trung bình cho xe điện là 11.600, theo nhóm nghiên cứu Atlas Public Policy.
Được biết Tesla đã xây dựng thành công một mạng lưới riêng tại Mỹ với gần 16.000 bộ sạc nhanh bắt đầu từ năm 2012. Các bộ sạc siêu tốc phổ biến sau đó đã trở thành công cụ tiếp thị để hãng tăng doanh số. Trong khi đó, hầu hết các nhà sản xuất ô tô khác đều đang phải dựa vào chính phủ, doanh nghiệp tư nhân hoặc góp vốn đầu tư chung với các công ty thu phí.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden và Quốc hội đang tham vọng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện. Đạo luật giảm lạm phát năm nay đã cung cấp các khoản tín dụng thuế liên bang mở rộng để thuyết phục nhiều doanh nghiệp bổ sung số lượng trạm sạc.
Căng thẳng đã nổ ra giữa các trạm xăng, cửa hàng tiện lợi, bến xe tải và nhiều công ty tiện ích. Ai sẽ là người bán điện và ai sẽ là người thanh toán hóa đơn cơ sở hạ tầng tốn kém - tranh cãi này cho đến nay vẫn chưa thể hoà giải.
Nhiều nhà tiện ích độc quyền muốn sở hữu, vận hành bộ sạc và mở rộng việc bán điện sang thị trường mới. Họ có lợi thế cạnh tranh, bởi với sự chấp thuận của cơ quan quản lý, chi phí cơ sở hạ tầng và năng lượng có thể được chuyển một phần sang khách hàng.
Theo WSJ, Xcel Energy, công ty cổ phần tiện ích của Mỹ có trụ sở tại Minnesota đã xin phép cơ quan quản lý xây dựng, sở hữu và vận hành 730 địa điểm sạc nhanh vào năm 2026. Con số này chiếm khoảng 45% thị trường sạc nhanh dự kiến được triển khai tại khu vực.
Xcel cho biết tình trạng thiếu bộ sạc công cộng đang cản trở việc người dân Minnesota lựa chọn xe điện. Ngoại trừ các trạm sạc của Tesla, nơi đây chỉ có 55 điểm sạc nhanh, theo dữ liệu của chính phủ. “Chúng tôi chưa thấy thị trường lấp đầy được những khoảng trống quan trọng liên quan đến việc tính phí công cộng cần thiết”, đại diện Xcel cho biết, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ các nhà bán lẻ hoặc người dân muốn mua hoặc lưu trữ bộ sạc cho xe điện.
Tuy nhiên, cách các công ty tiện ích tính phí điện đang gây ra nhiều tranh cãi. Các chủ sở hữu xe điện phàn nàn rằng hóa đơn hàng tháng của họ đang tăng vọt một cách khó hiểu, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn USD. Theo Shameek Konar, Giám đốc điều hành Pilot, một công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch, các khoản phí bổ sung trên là cần thiết để hỗ trợ quá trình nâng cấp cơ sở hạ tầng, song chúng cũng nên được điều chỉnh giảm dần.
Với mong muốn thúc đẩy nhu cầu của người Mỹ với xe điện, chính quyền ông Joe Biden hồi tháng 8 cho biết đang lên kế hoạch thiết lập một mạng lưới 500.000 trạm sạc trên toàn quốc để nối các khu vực thành thị và nông thôn với đường bờ biển. Luật cơ sở hạ tầng được thông qua hồi năm ngoái đã dành ra 5 tỷ USD để hiện thực hóa tham vọng này.
Chuyển từ động cơ đốt trong sang điện khí hóa là một trong những mục tiêu cắt giảm carbon lớn nhất, song điều này đồng nghĩa với việc nước Mỹ phải thuyết phục hàng triệu tài xế - những người luôn lo lắng về tình trạng xe hết điện dọc đường. Đây cũng chính là một bài toán hóc búa khiến những vùng nông thôn nước Mỹ không thể hòa nhập với cuộc cách mạng xe điện.
Để đảm bảo những tài xế này không bị mắc kẹt giữa đường, giới chức địa phương cần lắp đặt thêm nhiều trạm sạc xe điện, đặc biệt ở các cung đường xa trung tâm. Tuy nhiên, do hiện nay lượng xe điện chưa phổ biến, chủ sở hữu các trạm sẽ khó có thể thu về nhiều lợi nhuận, chứ không muốn nói là thua lỗ. Họ cũng sẽ mất thêm phí bảo trì các trạm sạc để bảo đảm chúng hoạt động tốt bất kể thời tiết.
“Nó không giống như một chiếc bốt điện thoại trả tiền mà bạn có thể đặt ở đó’’, Michael Farkas, Giám đốc điều hành của Blink Charging Co. cho biết.
“Đến Châu Âu cũng đang cố gắng theo kịp thị trường và đáp ứng nhu cầu đã tồn tại. Trong khi đó, ở Mỹ, chính phủ lại đang cố gắng đáp ứng những nhu cầu chưa tồn tại’’, Ryan Fisher, nhà phân tích hàng đầu về tính phí xe điện của BNEF cho biết.
Theo: WSJ, Bloomberg
Vũ Anh