Vì sao mãi các ngân hàng chưa được cấp room tín dụng mới?
Tình trạng "cạn room" đã diễn ra ngay từ cuối quý I, một số hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đã khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng trong bối cảnh áp lực lạm phát đang tăng lên trên toàn cầu, việc dễ dãi hơn trong hoạt động tín dụng thực sự rất cần được cân nhắc kỹ càng.
Tại buổi thảo luận về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết khi xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2022, lúc đó là thời điểm nền kinh tế chưa phục hồi nhanh, NHNN đã đưa chỉ tiêu 14%, cao hơn mức 13,6% của năm 2021 và 12,17% của năm 2020, như vậy đã là để tạo dư địa để thúc đẩy phục hồi.
"Điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh lạm phát này thì không thể chủ quan được, nên trước mắt, NHNN vẫn điều hành theo chỉ tiêu 14%", bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước phát biểu tại buổi thảo luận.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên quan điểm thận trọng với lạm phát. Về vấn đề room tín dụng, chỉ tiêu này đã có cân nhắc đến việc tái khởi động sau đại dịch, song nó lại được xây dựng trong thời điểm nền kinh tế chưa phục hồi nhanh và việc nới room tín dụng vẫn được cơ quan điều hành chính sách tiền tệ để ngõ.
Liên quan đến đến vấn đề này chúng tôi có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính và ông Huỳnh Hoàng Phương, Trưởng khối Phân tích, FIDT- công ty chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn và quản lý tài sản.
Mọi năm room tín dụng thường được cấp sớm ngay thời điểm cuối quý II hoặc đầu quý III, năm nay thì vẫn chưa thấy gì. Vì sao nay NHNN lại thận trọng khi đưa ra quyết định cấp room tín dụng cho các ngân hàng đến thế?
TS.Nguyễn Đức Độ: Ngân hàng Nhà nước vẫn đang tập trung vào nhiệm vụ kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, còn một vấn đề nữa đó là tỉ giá. Những năm trước, diễn biến của đồng đô la Mỹ có phần ổn định hơn. Năm nay, USD đã tăng khá mạnh nên áp lực tỷ giá cũng cao hơn mọi năm một chút. Có thể Ngân hàng Nhà nước vẫn muốn chờ đợi thị trường tiền tệ ổn định hơn rồi mới có những nước đi kế tiếp. Thời điểm hiện tại, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ này vẫn chưa phải vội hành động.
Room tăng trưởng tín dụng năm nay là 14%, đến nay các ngân hàng đã dùng hết khoảng 9%, vẫn còn 4-5% room còn lại. Từ giờ đến cuối năm vẫn còn một khoảng thời gian, các cơ quan điều hành có thể đang tiếp tục theo dõi tình hình.
Ông Huỳnh Hoàng Phương: Tín dụng năm nay tăng nhanh hơn các năm trước. Phần lớn do nhu cầu sản xuất, kinh doanh phục hồi sau dịch. Tuy nhiên, có một vấn đề cần phải quan tâm đó tín dụng cho hoạt động nhà đất cũng tăng nhanh. Theo số liệu NHNN thì tổng tín dụng lĩnh vực bất động sản đã tăng 14,07% (cùng kỳ 2021 chỉ tăng 8,2%). Đây là một trong các lý do khiến NHNN khá thận trọng khi nới room và yêu cầu các ngân hàng ưu tiên tín dụng cho sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng NHNN thận trọng vì tình hình vĩ mô có nhiều thay đổi, đặc biệt là các cuộc xung đột địa chính trị và đứt gãy chuỗi cung ứng cũng đã gây áp lực không nhỏ lên lạm phát toàn cầu và Việt Nam cũng khó nằm ngoài bức tranh chung đó. Vì thế, NHNN cũng thận trọng hơn để ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiềm chế lạm phát.
Theo chuyên gia, nếu tình trạng cạn room kéo dài thì sẽ tác động thế nào lên nền kinh tế?
TS Nguyễn Đức Độ: Doanh nghiệp cần vốn để sản xuất kinh doanh, song họ cũng có nghĩa vụ trả nợ. Nếu nới room tín dụng quá mức, các tổ chức kinh tế có thể tăng cường vay nợ và vay vượt mức cần thiết. Điều có thể dẫn đến lạm phát và áp lực trả nợ cũng sẽ lớn hơn, rủi ro về nợ xấu cũng sẽ theo đó mà tăng lên.
Nhà nước có vai trò hỗ trợ tăng trưởng, song song với đó là phải kiềm chế lạm phát. Vì thế, cơ quan quản lý phải cân bằng giữa các mục tiêu, không thể thiên quá về bất kỳ một mục tiêu nào đó được.
Ông Huỳnh Hoàng Phương : Theo tôi, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh đang rất cần vốn để phục hồi và phát triển. Nếu tính trạng cạn room kéo dài, có thể dẫn đến việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp có phần khó khăn hơn. Từ đó, tốc độ phục hồi kinh tế cũng cũng có thể bị chậm lại. Nhiều nhu cầu vốn thiết yếu của người dân cũng bị hạn chế sẽ tác động đến tiêu dùng. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng NHNN sẽ sớm đưa ra quyết định về room trong thời gian tới.
Có ý kiến cho rằng nên bỏ trần tín dụng, chuyên gia nghĩ sao về vấn đề này?
TS. Nguyễn Đức Độ: Tôi nghĩ việc này là khó. Nhà nước muốn hỗ trợ tăng trưởng thì họ phải duy trì lãi suất thấp. Việc duy trì lãi suất thấp có khả năng sẽ khiến cung tiền tăng mạnh và theo sau đó rất có thể là lạm phát. Muốn lãi suất thấp mà lại không có lạm phát thì bắt buộc phải có một biện pháp hành chính nào đấy và room tín dụng là một trong các công cụ đó. Đối với trường hợp Việt Nam, nếu không kiểm soát room tín dụng với mức 14% thì mức lãi suất còn có thể cao hơn nữa.
Ông Huỳnh Hoàng Phương: Việc áp dụng hạn mức tăng trưởng trong nhiều năm nay đã có các tác động tích cực lên việc điều hành tín dụng, ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, việc này cũng gây ra một số ách tắc cục bộ về vốn trong một số thời điểm và gây trở ngại cho việc phát triển. Nhìn chung, tôi đánh giá là mặt tích cực nhiều hơn. Trong ngắn hạn, NHNN có thể tiếp tục duy trì room tín dụng nhưng cần xây dựng 1 cơ chế rõ ràng minh bạch hơn về việc cấp room tín dụng cho từng ngân hàng. Về dài hạn, nên bỏ trần tín dụng và thay thế bằng các biện pháp điều hành mang tính thị trường hơn.
Theo Hòa An
Nhịp sống kinh tế