Vì sao khu nhà giàu Gangnam ở Seoul bị chìm trong biển nước?
Do cấu trúc địa hình có phần đặc biệt nên mỗi khi mưa to, khu vực Gangnam ở thủ đô Seoul thường xuyên bị ngập lụt trong biển nước.
Theo nhật báo Seoul , nguyên nhân khiến quận trung tâm Gangnam trở thành nơi bị ngập nặng nề nhất trong trận mưa lịch sử tối 8-8 là do cấu trúc địa hình thấp.
Vùng trũng Gangnam
Địa hình khu vực gần ga Gangnam có phần thấp hơn so với các khu vực lân cận như quận Seocho hay Yeoksam và dễ tích tụ nước hơn. Do địa hình giống như một chiếc phễu nên toàn bộ lưu lượng nước từ những nơi cao hơn đều đổ dồn về khu vực này.
Từ xa xưa, hơn 75% diện tích đất ở quận Gangnam là vùng trũng và có độ dốc 5%. Thậm chí, một số khu vực ở Gangnam thấp hơn khoảng 10m so với khu vực xung quanh. Vì thế, người dân Hàn Quốc hay so sánh "khu nhà giàu" Gangnam với "hangari", một loại chum bằng đất nung truyền thống của Hàn Quốc.
Không những vậy, ngày nay phần lớn khu Gangnam được bêtông hóa, các con đường chằng chịt với lớp nhựa đường khó thoát nước. Khi mưa lớn, nước mưa đều đổ dồn về đường ống thoát nước ở khu Seowun nên không kịp thoát ngay.
Sau hai trận lũ lớn tháng 9-2010 và tháng 7-2011, năm 2015 chính quyền thành phố đã công bố kế hoạch cải tạo hệ thống thoát nước ở Gangnam và các khu vực lân cận trị giá 1.400 tỉ won (1,07 tỉ USD). Tuy nhiên dự án chưa thể thực hiện và phải dời lại đến năm 2024 do vấn đề ngân sách.
Năm 2018, chính quyền Seoul cũng cho xây dựng đường hầm thoát nước Banpo gần khu Gangnam dài 1.162m. Hoàn thành vào tháng 6 vừa qua, đường hầm thiết kế chịu được lượng mưa lên tới 95mm/h, nhưng vẫn "đầu hàng" trước trận mưa lịch sử đêm 8-8 với lượng mưa lên đến hơn 110mm/h.
Người Việt bất ngờ
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online , anh N.V.Mạnh (27 tuổi, đang theo học chương trình thạc sĩ ngành quản lý dự án Trường đại học Sungshin) cho biết trong 7 năm ở Hàn Quốc, đây là lần đầu tiên anh chứng kiến khu Gangnam bị ngập nặng nề như thế.
Tháng 8 là thời điểm Hàn Quốc bước vào mùa mưa. Đặc biệt, những quận thuộc vùng trũng như quận Dongjak, Seocho hay Gangnam là những nơi sẽ bị ngập nước nhiều nhất do nước từ các vùng khác cao hơn đổ về.
Anh Mạnh kể từ chiều 8-8, trời bắt đầu đổ mưa và càng về đêm mưa càng nặng hạt. Đến tối muộn, một số tuyến đường và ga tàu điện bắt đầu chìm trong biển nước, trong đó một số ga tàu bị ảnh hưởng nặng như ga Isu, ga Hapjeong bị ngập nước nặng nề và sập trần nhà.
Tuy nhiên, đến khoảng 9h sáng 9-8, hai ga tàu này đã được dọn dẹp và khắc phục để phục vụ việc đi lại của người dân.
Theo quan sát của anh Mạnh, ngoài những vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sạt lở và sụt lún, hầu như công tác khắc phục sau trận mưa lũ lịch sử đêm 8-8 được triển khai với tốc độ đáng kinh ngạc và cuộc sống của người dân đều đã trở về như bình thường từ sáng 9-8.
Chị N.T.T.D. (26 tuổi, phiên dịch viên tại một bệnh viện thẩm mỹ ở quận Gangnam) cũng chia sẻ nơi chị sinh sống và làm việc không thuộc vùng thấp nhất của quận Gangnam nên mực nước không cao lắm. Nhưng với chị, trận mưa lớn đêm 8-8 vẫn khiến chị "không bao giờ quên".
"Đã sang Hàn Quốc học tập và làm việc được 7 năm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến khu vực trung tâm thủ đô Seoul bị 'thất thủ' như thế", chị bày tỏ.
Theo Uyên Phương
Tuổi trẻ