Vì sao không thống nhất các thủ tục cho điện mặt trời?
TP Bà Rịa và huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những văn bản gỡ vướng cho các hộ đầu tư làm điện mặt trời mái nhà trên địa bàn. Tuy vậy còn một số địa phương khác chưa có giải pháp và lại hỏi cấp sở.
UBND huyện Xuyên Mộc vừa có văn bản trả lời cho Công ty cổ phần Icem miền Nam - một doanh nghiệp có đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái nhà tại xã Hòa Bình - rằng dự án của doanh nghiệp này không phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường.
Theo tìm hiểu, trong thời gian qua, chính quyền huyện này đã có rất nhiều văn bản trả lời cho từng doanh nghiệp, cá nhân có đầu tư điện mặt trời áp mái nhà với nội dung tương tự như trên. Việc này đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp để được điện lực trả tiền.
Một trường hợp khác là hộ bà Đỗ Thị D.T. có đầu tư 121 tấm quang điện với công suất phát lên lưới 50 KWp ở phường Long Tâm, TP Bà Rịa cũng được Phòng tài nguyên và môi trường trả lời căn cứ vào Luật bảo vệ môi trường năm 2020, hộ này "thuộc đối tượng miễn đăng ký môi trường". Lý do là quá trình hoạt động của điện năng lượng mặt trời áp mái nhà của bà không phát sinh chất thải, hoặc phát sinh với số lượng nhỏ, được xử lý tại chỗ.
Tuy vậy cũng có địa phương thấy vướng nên làm văn bản hỏi cấp trên. Cụ thể mới đây Phòng Tài nguyên và môi trường TP Vũng Tàu đã có công văn hỏi Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rằng các dự án điện mặt trời mái nhà có phải làm các thủ tục về bảo vệ môi trường hay không, nếu có thì quy mô dự án nào phải thực hiện và thực hiện như thế nào, và đề nghị sở hướng dẫn cụ thể đối với những dự án đã đi vào hoạt động.
Hiện TP Vũng Tàu có hơn 1.200 dự án điện mặt trời áp mái, trong đó có 17 dự án trên 100 KWp và hơn 1.189 dự án dưới 100 KWp.
Tại thị xã Phú Mỹ có 425 nhà đầu tư điện mặt trời áp mái nhà. Ngày 29-6, một lãnh đạo điện lực thị xã Phú Mỹ cho hay đến nay đã có hơn 100 nhà đầu tư được điện lực trả tiền điện vì có đủ thủ tục.
Những trường hợp được trả tiền chủ yếu có công suất phát trên 100 KWp và họ tự đi làm các thủ tục về báo cáo môi trường, được chính quyền xác nhận. Còn lại các trường hợp dưới 100 KWp, chủ yếu là các nhà dân chưa được hướng dẫn làm thủ tục về môi trường nên điện lực chưa thể trả tiền cho họ.
Như vậy có thể thấy đến nay, thủ tục về môi trường đối với các dự án điện mặt trời áp mái nhà chưa có quy định chung và chuẩn để áp dụng cho cả nước. Ngay trong địa bàn một tỉnh thì một huyện áp dụng một kiểu. Và như đã nêu ở trên thì chính quyền, ngành chức năng cũng trả lời riêng lẻ cho từng trường hợp cụ thể mà không trả lời chung cho tất cả.
"Tại sao các ngành không có văn bản trả lời chung cho toàn bộ, hướng dẫn chung cho toàn bộ mà phải đi trả lời cho từng trường hợp thêm rắc rối?", một chủ đầu tư điện năng lượng mặt trời đặt câu hỏi.
Một lãnh đạo chính quyền cũng cho rằng nên có quy định cụ thể, thống nhất chung là bao nhiêu ký thì phải làm các thủ tục, chứ có mấy tấm pin lắp trên mái nhà cũng bắt làm đầy đủ các thủ tục về môi trường, kinh doanh, phòng cháy chữa cháy thì không ổn lắm.
Ngoài vướng mắc về thủ tục môi trường, gần như tất cả các trường hợp đầu tư năng lượng mặt trời cũng vướng về thủ tục phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt là các hộ dân đầu tư điện mặt trời ngay trên mái nhà của mình thì không tìm thấy quy định về phòng cháy chữa cháy phải làm như thế nào.
Dù điện mặt trời là loại năng lượng tái tạo được khuyến khích đầu tư, nhưng rất nhiều doanh nghiệp đang 'khóc đứng khóc ngồi' vì bị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đột ngột ngừng thanh toán.