Vì sao khó xử lý hình sự tội lừa dối khách hàng?

Chia sẻ Facebook
12/05/2024 05:03:52

Dù vi phạm khá phổ biến, song thực tế việc xử lý hình sự về tội lừa dối khách hàng hiện rất ít mà một phần nguyên nhân đến từ những hạn chế của quy định pháp luật.


Thực trạng hiện nay

Nguyên tắc cơ bản trong giao dịch dân sự, kinh doanh là phải trung thực. Tuy nhiên, vì muốn bán được hàng hóa sản phẩm, thu lợi nhuận cao mà các cá nhân, doanh nghiệp đã có những hành vi gian dối khi thực hiện giao dịch như: che dấu thông tin, cung cấp thông tin không chính xác, tư vấn sai lệch về sản phẩm, dịch vụ, gây hiểu lầm, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của khách hàng…

Thời gia qua, trong các lĩnh vực bảo hiểm, bất động sản cũng xảy ra nhiều vụ khác hàng tố bị lừa dối gây xôn xao dư luận, hành vi gian dối trong những lĩnh vực trên gây ảnh hưởng rất lớn đến khách hàng.

Từng tư vấn pháp luật cho nhiều khách hàng liên quan đến vấn đề trên, luật sư Phạm Hồng Kiên (Giám đốc Công ty luật Cán Cân Việt) cho hay, hành vi lừa dối khách hàng khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Để ngăn chặn tình trạng này, pháp luật cũng đã quy định rất rõ về chế tài, hình thức xử lý đối với hành vi này. Tuy nhiên, số vụ bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự còn rất ít.

Luật sư Phạm Hồng Kiên.

Theo đó, về chế tài hành chính, hành vi lừa dối khách hàng có thể bị xử phạt được quy định tại Điều 61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng với mức phạt cao nhất 20 triệu đồng.

Đặc biệt, từ lâu Bộ luật hình sự cũng đã quy định lừa dối khách hàng là tội phạm, cụ thể tội lừa dối khách hàng được quy định tại điều 170 Bộ luật Hình sự năm 1985 và điều 162 Bộ luật Hình sự 1999 và hiện nay là điều 198 Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, số vụ việc lừa dối khách hàng bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự trong thực tế rất ít.

Vì sao ít bị xử lý hình sự?

Về vấn đề trên, luật sư Lê Cao (Giám đốc Công ty Luật FDVN) cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Đơn cử, trong các giao dịch hàng ngày, hàng hoá thường có giá trị nhỏ hoặc hậu quả chưa đến mức bị khởi tố hoặc do khách hàng không tố cáo…

Tuy nhiên, một nguyên quan trọng cũng đến từ các quy định của điều luật. Bởi, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội phải xác định hành vi đó có thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự.

Theo quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự 2015, lừa dối khách hàng được hiểu là hành vi mua bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác đối với khách hàng để thu lợi bất chính.

Vụ án ông Lê Thanh Thản bị tố lừa dối khách hàng mua hơn 500 căn hộ chung cư là điển hình về hành vi lừa dối khách, đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Theo đó, cân, đong, đo, đếm, tính gian, được hiểu là cân đong đo đếm tính toán không chính xác, không đúng với số lượng, trọng lượng, khối lượng, kích thước thực tế của từng loại hàng trong việc mua bán, gây thiệt hại cho khách hàng. Tuy nhiên, thực tế hàng hoá thường có giá trị không lớn hoặc hậu quả chưa đến mức bị khởi tố…

Đáng chú ý, hiện nay, nhiều trường hợp các khách hàng của những lĩnh vực kinh doanh như bất động sản, bảo hiểm, tín dụng… thường bị đặt vào bên yếu thế trong giao dịch, khách hàng không được tư vấn rõ về nội dung hợp đồng trong khi hợp đồng lắt léo nhiều điều khoản khó hiểu.

Thậm chí có trường hợp tư vấn sai, che dấu thông tin, cung cấp thông tin không chính xác,… Đến khi có tranh chấp thì khách hàng luôn là bên yếu thế.

Thế nhưng, vướng chỗ là gian lận, gian dối, bẫy khách hàng ký hợp đồng có phải là “thủ đoạn gian dối” để có thể cấu thành tội danh theo quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự 2015 hay không thì chưa có văn bản nào hướng dẫn và quy định chi tiết.

Trong khi đó, khả năng chứng minh hành vi gian lận, gian dối, bẫy khách hàng ký hợp đồng cũng vô cùng khó. Các biểu hiện của gian lận, lừa dối khách hàng không phải khi nào cũng biểu hiện ra bên ngoài, không phải khi nào cũng có thể xác định được hay có thể thu thập được thành các chứng cứ vật chất.

Ngay cả khi chứng minh được thì việc quy trách nhiệm cũng chỉ dừng lại ở mức trách nhiệm dân sự, hành vi lừa dối khách hàng chủ yếu bị xử phạt hành chính hoặc được phân xử trong các vụ tranh chấp dân sự mà khó có trường hợp xử lý trách nhiệm hình sự.

Về nguyên tắc, các loại hợp đồng được ký kết giữa các bên phải đảm bảo tính tự nguyện, tự thỏa thuận và tự định đoạt giữa các bên, nếu các bên đều thấu hiểu hợp đồng trước khi ký, nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ thì rõ ràng quan hệ dân sự, kinh tế đó không thể bị hình sự hóa được.

Ngoài ra, luật sư Lê Cao cho hay, các giao dịch về bảo hiểm, bất động sản hiện nay, hợp đồng thường được ký giữa bên bán là pháp nhân. Nhưng theo quy định tại Điều 76 BLHS thì pháp nhân thương mại chưa phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa dối khách hàng.

Việc chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân lừa dối khách hàng trong kinh doanh mà không truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân là một hạn chế bất cập.

Nếu có luật hoặc quy định hướng dẫn các hành vi, dấu hiệu cụ thể để xử lý các trường hợp lừa dối khách hàng được chứng minh, cũng là giải pháp để chấn chỉnh các hành vi kinh doanh bất chính lừa dối khách hàng đang diễn ra hiện nay.


Cần có sự điều chỉnh về Luật

Luật sư Phạm Hồng Kiên cho rằng, lừa dối khách hàng là hành vi diễn ra phổ biến hiện nay, mặc dù pháp luật cũng đã có quy định chế tài hình sự, nhưng thực tế xử lý hình sự được rất ít và nếu chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính thì chưa đủ sức răn đe.

Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, cơ quan chức năng cần có những biện pháp xử lý kiên quyết đối với những đối tượng có hành vi lừa dối khách hàng.

Bên cạnh đó, các nhà làm luật có thể nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điều 198 BLHS theo hướng quy định rõ hành vi “lừa dối” không chỉ dừng lại ở việc cân, đo, đếm, đánh tráo hàng hoá mà còn có cả các hành vi như che dấu thông tin, cung cấp thông tin không chính xác, tư vấn sai lệch sản phẩm, dịch vụ,…

Đồng thời, nghiên cứu mở rộng đối tượng điều chỉnh về chủ thể thực hiện hành vi tội phạm (tội Lừa dối khách hàng) đối với cả pháp nhân thương mại.


Ngoài ra, cần phải có sự quyết tâm cao của các cơ quan chức năng, đặc biệt cơ quan tiến hành tố tụng. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện những sai phạm để xử lý .

Chia sẻ Facebook