Vì sao Indonesia cấm bán hàng trên mạng xã hội?

Chia sẻ Facebook
30/09/2023 05:58:08

Giới chức Indonesia ra thông báo cấm giao dịch hàng hóa trên các nền tảng mạng xã hội. Quyết định này được cho là sẽ ảnh hưởng đáng kể đến TikTok.


Trong những tuần gần đây, giới chức Indonesia đã kêu gọi phân tách rạch ròi mạng xã hội và thương mại điện tử.

Trong cuộc họp báo ở thủ đô Jakarta ngày 27/9, Bộ trưởng Thương mại Zulkifli Hasan cho hay: “Quy định thương mại này đã có hiệu lực kể từ hôm qua (ngày 26/9)”.

Ông cho biết, các nền tảng thương mại trên mạng xã hội sẽ có 1 tuần để tuân thủ quy định mới.

Theo quy định này, doanh nghiệp trên mạng xã hội như TikTok, Facebook hay Instagram sẽ không thể giao dịch trực tiếp mà chỉ có thể quảng bá sản phẩm.


Ông Zulkifli Hasan nói rằng quy định này nhằm bảo đảm cạnh tranh trong kinh doanh, đồng thời bảo vệ dữ liệu người dùng. Ngoài ra, Bộ trưởng thương mại Indonesia cũng cảnh báo về việc để mạng xã hội trở thành nền tảng thương mại điện tử, cửa hàng và ngân hàng cùng một lúc.

Quy định mới cũng yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử ở Indonesia đặt mức giá tối thiểu là 100 USD cho một số mặt hàng mua trực tiếp từ nước ngoài.


AFP nhận định, quy định mới này sẽ thêm một trở ngại nữa cho TikTok, vốn đã phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ ở Mỹ các quốc gia khác trong những tháng gần đây về vấn đề bảo mật dữ liệu của người dùng.

TikTok, thuộc sở hữu của Công ty ByteDance của Trung Quốc. TikTok chọn Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, là nơi đầu tiên để triển khai TikTok Shop từ năm 2021.

Với 125 triệu người dùng mỗi tháng, số người dùng TikTok của Indonesia gần bằng với số người sử dụng ứng dụng này ở châu Âu và chỉ xếp sau Mỹ với 150 triệu người dùng. Hồi đầu tháng này TikTok đã ra mắt dịch vụ mua sắm trực tuyến tại Mỹ.

Phản ứng trước lệnh cấm, đại diện TikTok ở Indonesia lên tiếng bày tỏ quan ngại về quyết định của chính phủ, đồng thời cho rằng quyết định này sẽ ảnh hưởng tới sinh kế của 6 triệu người bán hàng địa phương đang sử dụng TikTok Shop.

Ông Fahmi Ridho, một người bán quần áo trên TikTok, cho biết nền tảng này là cách để các cửa hàng vực dậy sau đại dịch Covid-19. "Việc bán hàng không nhất thiết phải thông qua các cửa hàng truyền thống, bạn có thể thực hiện trực tuyến hoặc ở bất cứ nơi nào…", ông Fahmi nói.

Trong khi đó, Edri, người bán quần áo tại một chợ bán buôn lớn ở Jakarta, đã đồng ý với quy định này và nhấn mạnh rằng cần đặt ra giới hạn đối với các mặt hàng bán trực tuyến.


Minh Hoa (t/h theo Lao Động, Tuổi Trẻ, Nông Nghiệp Việt Nam )

Chia sẻ Facebook