Vì sao hợp tác Việt - Nhật không giới hạn?
Trong hai ngày 30-4 và 1-5, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Chuyến thăm thể hiện những kỳ vọng lớn của Tokyo vào hợp tác của hai nước ở khu vực và quốc tế.
Phát biểu trong chuyến thăm, Thủ tướng Kishida cho biết khả năng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản không có giới hạn. Nhiều chuyên gia cũng nhận định với Tuổi Trẻ rằng hai nước có rất nhiều lĩnh vực hợp tác cùng nhau, cả về song phương lẫn đa phương.
Tin cậy lẫn nhau
Ông Michael Thomas Cucek, giáo sư nghiên cứu châu Á ở ĐH Temple (Nhật Bản), cho rằng chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Kishida thể hiện sự củng cố của Chính phủ Nhật về ưu tiên ngoại giao, hướng tới làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác ở Đông Nam Á.
Ông Cucek cho biết trước đây các thủ tướng Nhật Bản thường đi thăm Mỹ trong chuyến công du đầu tiên, với mục tiêu đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường Mỹ và hợp tác an ninh. Tuy nhiên, từ nhiệm kỳ thứ hai của thủ tướng Abe Shinzo, Nhật Bản đã chuyển đổi ưu tiên sang Đông Nam Á nhằm đối phó với các thách thức chung ở khu vực Đông Á. Do đó, hai cựu thủ tướng Nhật, Abe và Suga, đã đến thăm Việt Nam trong chuyến công du đầu tiên của mình.
"Trong dịp này, Việt Nam tiếp tục là điểm đến trong chuyến công du lớn đầu tiên của ông Kishida", ông Cucek nói. Ngoài Việt Nam, Thủ tướng Kishida còn đến thăm Indonesia và Thái Lan trong chuyến công du lần này.
Chia sẻ đánh giá của mình, bà Lê Thu Hường, nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ, cho biết việc Việt Nam là một trong những "điểm đến ban đầu" của Thủ tướng Kishida cho thấy Hà Nội nằm trong danh sách đối tác ưu tiên của Tokyo.
Bà Hường cho biết quan hệ song phương Việt - Nhật đang ngày càng đi vào chiều sâu, bao gồm hợp tác công nghệ gần đây. Bà cho rằng việc Thủ tướng Kishida gặp các lãnh đạo Việt Nam thể hiện mức độ tin cậy trong quan hệ hai bên.
Trên phương diện khu vực và quốc tế, bà Hường lưu ý rằng Việt Nam và Nhật Bản đang gia tăng hợp tác về chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, sông Mekong.
"Hợp tác Việt - Nhật là một trong những mối hợp tác quan trọng, đặc biệt là khi chúng ta xét đến các vấn đề đa phương", bà nói.
Tiến sĩ Satoru Nagao (Viện nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định chuyến thăm Việt Nam của ông Kishida rất thành công. Lãnh đạo hai nước đã nhất trí về nhiều hợp tác mang tính chiến lược, trong đó có hợp tác về ứng phó với COVID-19 (gồm chia sẻ vắc xin), đầu tư cơ sở hạ tầng, gia tăng số lượng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Những triển vọng
Giáo sư Cucek cho biết thời gian tới Nhật Bản sẽ tăng cường khuyến khích các công ty của nước này đầu tư vào Việt Nam, cả về bổ sung và thay thế đầu tư của Tokyo ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, Nhật sẽ gia tăng các chương trình đào tạo để lao động Việt Nam có thể bù đắp thiếu hụt nhân lực của Nhật Bản.
Ngoài ra, ông Cucek cho rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực của lực lượng trên biển, có thể ứng phó với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trên phương diện khu vực, Nhật Bản sẽ cùng các nước ASEAN đưa ra các chính sách để xử lý thách thức chung về kinh tế và an ninh, ông Cucek nói.
Theo chuyên gia Lê Thu Hường, Nhật Bản và Việt Nam có thể hợp tác sâu hơn về các nỗ lực phục hồi sau COVID-19 và nguồn nhân lực. Nâng cao năng lực, nhận thức hàng hải, thực thi luật pháp trên biển cũng là các lĩnh vực hợp tác then chốt.
Ông Nagao cũng dự báo Nhật Bản sẽ tăng cường hỗ trợ Việt Nam các thiết bị để nâng cao năng lực trên biển.
Trong khi đó, ông Yoshikazu, chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế chứng khoán Rakuten (Nhật Bản), cho rằng một vấn đề cốt yếu trong hợp tác Việt - Nhật sắp tới là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hai bên sẽ đứng trước thách thức xem xét việc gia nhập của các thành viên mới như Anh, Hàn Quốc, Đài Loan và đặc biệt là Trung Quốc.
"Đây là thời điểm quan trọng để hai nước xem xét việc hợp tác có ý nghĩa và trách nhiệm thế nào trong khu vực", ông nói.
Theo ông Yoshikazu, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra, Trung Quốc gia tăng hoạt động ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Thủ tướng Kishida muốn nhấn mạnh rằng Nhật Bản và Việt Nam có thể chia sẻ tầm nhìn và có những hoạt động dựa trên luật lệ, ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và luật pháp. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi các khủng hoảng địa chính trị vượt ra ngoài một lục địa và có ảnh hưởng lẫn nhau.
Ông Kondo Masanori (đại diện Công ty VAND Creative, Nhật Bản):
Chuyến thăm vào thời điểm rất ý nghĩa
Quan hệ Việt Nam và Nhật Bản không chỉ được mở rộng trong lĩnh vực kinh tế mà còn về du lịch, trao đổi văn hóa.
Thế giới đang bước vào giai đoạn kết thúc một thời kỳ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và một kỷ nguyên mới tốt đẹp hơn sắp bắt đầu. Vì thế, chuyến thăm của Thủ tướng Kishida đến Việt Nam vào thời điểm này còn ý nghĩa hơn rất nhiều.
Là đại diện một doanh nghiệp Nhật đang đầu tư ở Việt Nam, tôi mong rằng chuyến thăm của Thủ tướng Kishida sẽ cải thiện mối quan hệ và thắt chặt hai quốc gia hơn bao giờ hết.
Chúng tôi cũng kỳ vọng hai bên sẽ giải quyết các vấn đề cùng đang đối mặt như năng lượng, môi trường, dân số già hóa, lao động và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
N.BÌNH ghi
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển rất tốt đẹp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định như vậy tại buổi tiếp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio vào chiều 1-5.