Vì sao hồ sơ đất đai ở TP Thủ Đức chậm trễ với 'mức độ trầm trọng tương đối'?

Chia sẻ Facebook
17/04/2022 14:07:57

Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Thủ Đức Phan Văn Dũng cho biết khối lượng hồ sơ đất đai trên địa bàn TP Thủ Đức quá nhiều, gần 11.000 hồ sơ mua bán nhà đất chỉ trong quý 1-2022.

Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Thủ Đức Phan Văn Dũng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: T.L


Tại Hội nghị Thành ủy TP Thủ Đức lần 7, chiều 16-4 , chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Thủ Đức cho biết khối lượng hồ sơ đất đai trên địa bàn TP Thủ Đức quá nhiều. Việc giải quyết hồ sơ mua bán bất động sản tư nhân tại TP Thủ Đức còn chậm trễ với "mức độ trầm trọng tương đối", có hồ sơ kéo dài hơn 3-4 tháng.

Cụ thể, trong quý 1, Chi cục Thuế TP Thủ Đức phải giải quyết gần 11.000 hồ sơ mua bán nhà đất, gấp 20 lần quận 1 và gần 15.000 hồ sơ khai thuế trước bạ cho xe, gấp 3 lần Chi cục Thuế quận 1.

Ông Dũng cho hay TP Thủ Đức bố trí 31 công chức để thu lệ phí trước bạ. Tuy nhiên các công chức này phải giải quyết thêm cả việc thu thuế thu nhập cá nhân và giải quyết hồ sơ, thủ tục khai thuế trước bạ cho xe nên quá tải.

Việc xử lý khối lượng hồ sơ lớn với quy trình một cửa cũng là nguyên nhân khiến quá trình giải quyết kéo dài.

"Hiện TP Thủ Đức đã liên thông điện tử, nhưng hồ sơ chuyển từ Văn phòng đăng ký đất đai sang Cục Thuế vẫn phải điều chỉnh liên tục do thiếu thông tin thì Cục Thuế phải gửi trả lại, rồi văn phòng đăng ký lại chuyển lại cho dân. Cứ từng bước vậy thì trễ", ông Dũng giải thích.

Mặt khác, thời gian giải quyết thủ tục kéo dài do Cục Thuế trả lại nhiều hồ sơ do giá khai thuế thấp hơn so với giá giao dịch thông thường. Người dân phải giải trình lại trong 10 ngày theo yêu cầu của Chi cục Thuế hoặc điều chỉnh giá.


Theo Chi cục Thuế TP Thủ Đức, người dân đã tự điều chỉnh 1.949 hồ sơ với số thuế tăng lên 92,5 tỉ đồng. "Như vậy, việc Chi cục Thuế đấu tranh nộp thuế có hiệu quả. Một quý thu được 92,5 tỉ đồng là lớn", ông Dũng nói.


"Quy trình một cửa là để dân không phải đi tới đi lui nhiều, bù vào đó, công chức của bộ máy chúng ta phải chạy. Như trước đây, chưa có liên thông điện tử thì cuối ngày, Văn phòng đăng ký đất đai ôm hồ sơ lên Cục Thuế, rồi xong thì ôm lại văn phòng. Với khối lượng công việc nhiều thì chạy không nổi", ông Dũng nêu vấn đề.


Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu nhận định khó khăn của ngành thuế và Văn phòng đăng ký đất đai sẽ dẫn đến vướng mắc cho cả khối đô thị.

Do đó, các đơn vị phải nâng cao ý thức phục vụ việc chung để cùng tháo gỡ khó khăn, nỗ lực vượt qua chính mình. Việc chưa có tiền lệ thì thí điểm để triển khai, miễn là đảm bảo mục đích trong sáng, vì lợi ích chung.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhắc nhở TP Thủ Đức cần cải thiện các hạn chế trong việc thụ lý thủ tục hành chính còn chậm trễ, nhất là liên quan đến đất đai, và nâng cao tỉ lệ hài lòng của người dân.

Phó giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức Lê Xuân Tùng - Ảnh: T.L

Theo phó giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức Lê Xuân Tùng, có hồ sơ phải chuyển đi chuyển lại giữa các bên tới 8-9 lần mới thực hiện được và thừa nhận hồ sơ chậm do quá trình thụ lý, ký hồ sơ còn có khuyết điểm.

Sau khi sáp nhập, ông được giao phụ trách khu vực 3 (quận Thủ Đức cũ) và một mình ông ký toàn bộ hồ sơ, tức làm công việc (thay vì 3 người như trước) rất áp lực.

Doanh nghiệp sẽ được gia hạn tối đa 6 tháng với số thuế giá trị gia tăng (VAT) từ tháng 3 đến tháng 5 và quý 1; được chậm nộp 5 tháng với số thuế VAT của tháng 6 và quý 2... với tổng số thuế VAT được gia hạn khoảng 53.300 - 54.300 tỉ đồng.

Chia sẻ Facebook