Vì sao hiểu rõ về thị trường hàng hoá sẽ giúp bạn kiếm tiền tốt hơn trên thị trường chứng khoán?

Chia sẻ Facebook
22/09/2022 14:59:46

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, chuyên gia phân tích công ty đầu tư quốc tế Hữu Nghị, hiểu về thị trường hàng hoá giúp rất nhiều cho các nhà đầu tư thiên về trường phái cơ bản của chứng khoán.

Sau 22 năm thành lập, thị trường chứng khoán đã trở thành kênh đầu tư phổ biến được nhiều người biết đến. Tuy nhiên có một kênh đầu tư khá mới gần giống với thị trường chứng khoán nhưng khá mới mẻ với nhà đầu tư. Đó là thị trường hàng hoá.

Thị trường hàng hóa (Commodity market) bao gồm giao dịch vật chất và giao dịch phái sinh bằng cách sử dụng giá giao ngay, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn và hợp đồng quyền chọn dựa trên giá của những sản phẩm như vàng, xăng dầu, nguyên nhiên liệu, thị trường kim loại và nông sản thực phẩm. Trong suốt nhiều thế kỷ, người nông dân đã sử dụng hình thức giao dịch phái sinh đơn giản để phòng ngừa rủi ro về giá.


Liệu hiểu về hàng hoá có giúp cho giao dịch chứng khoán tốt hơn không là câu hỏi được đặt ra cho các chuyên gia tại talkshow Bí mật đồng tiền số 39 với chủ đề Nói…FED phát sóng trên VTV Digital.

Vị chuyên gia này cho biết hiện giá trị nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu đầu vào của Việt Nam rất lớn. Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam hiện nay đều nhập khẩu đầu vào, sau đó gia công và xuất khẩu sang các thị trường khác. Chính vì vậy biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng khá nhiều của yếu tố biến động giá của thị trường hàng hóa thế giới.

Ví dụ rõ nhất là ngành thức ăn chăn nuôi trong vài năm gần đây. Mặc dù Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng nhập khẩu về nông sản lại rất nhiều bao gồm ngô, đậu tương, khô đậu, dầu đậu. Theo tính toán của ông Tuấn, giá trị nhập khẩu chính ngạch và tiểu ngạch về hàng hoá vào khoảng 20 tỷ USD.

Đặc biệt chúng ta biết trong 2 năm vừa qua chúng ta trải qua siêu chu kỳ của lạm phát thế giới. Nông sản, một số mặt hàng tăng rất mạnh. Nên nếu các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại tuy có thể có thị trường tốt, có tập khách hàng tốt nhưng khi không có phương án phòng bị đối mặt với câu chuyện giá tăng 3 lần trong 2 năm vừa qua thì gần như biên lợi nhuận có thể bị bào mòn.


Chuyên gia này lấy ví dụ về sản phẩm mì tôm trong 2 năm nay tăng giá rất mạnh. Theo ông Tuấn, để sản xuất mì tôm doanh nghiệp cần nhập khẩu nguyên liệu lúa mì, sắn. Trong khi đó với bối cảnh Xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá lúa mình liên tục tập đỉnh, thiết lập mặt bằng giá cao. Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống các doanh nghiệp sản xuất lớn ở Việt Nam. Do đó việc hiểu về thị trường hàng hoá cực kỳ quan trọng trong việc tìm hiểu về các doanh nghiệp sản xuất lớn như Masan hay thức ăn chăn nuôi như Dabaco, Lộc Trời.

Trong một báo cáo phân tích mới đây của công ty chứng khoán VnDirect cũng từng đề cập đến vấn đề này. Xung đột Nga-Ukraine sẽ tiếp tục đẩy giá các mặt hàng thực phẩm toàn cầu trong nửa đầu năm 2022 lên cao do cả Nga và Ukraine đều là những nước xuất khẩu nông sản lớn. Năm 2021, sản lượng xuất khẩu lúa mì và ngô từ Nga và Ukraine đạt 207 triệu tấn, chiếm khoảng 29% tổng sản lượng xuất khẩu toàn cầu. Giá lúa mì và ngô đã tăng lần lượt 21,1% và 8,4% so với trước khi xảy ra xung đột.


Hiện nay chi phí nguyên liệu thô nhập khẩu chiếm khoảng 70% tổng chi phí nguyên liệu của Masan Consumer nên công ty chứng khoán này nhận định việc giá nông sản toàn cầu tăng sẽ gây áp lực lên chi phí đầu vào Masan Consumer trong 2022. Điều này dẫn đến việc Masan Consumer tăng giá bán nhằm bù đắp chi phí vật liệu tăng cao.


Mộc An

Chia sẻ Facebook