Vì sao giám đốc CDC Hà Nội bị bắt?

Chia sẻ Facebook
11/06/2022 12:02:46

Ông Trương Quang Việt, giám đốc CDC Hà Nội, bị bắt với cáo buộc có sai phạm trong quá trình mua sắm trang thiết bị vật tư y tế của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

Vì sao giám đốc CDC Hà Nội bị bắt?

Như đã đưa tin, Công an TP Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.


Ông Trương Quang Việt, giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật ( CDC ) Hà Nội và kế toán trưởng của đơn vị này cùng bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi nêu trên.

Ông Trương Quang Việt, giám đốc CDC Hà Nội

Thông tin ban đầu, năm 2020, do tình hình cấp bách của dịch COVID-19, một số cơ sở, bệnh viện y tế công lập trên địa bàn Hà Nội thực hiện mua sắm kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á.

Quá trình thực hiện, một số cá nhân được giao nhiệm vụ đã móc nối, thông đồng với nhân viên Công ty Việt Á để vay hàng, sử dụng trước rồi hợp thức hóa hồ sơ đấu thầu sau.

Các nghi phạm còn đưa các thông số, kỹ thuật tính năng sản phẩm của kit xét nghiệm của Công ty Việt Á vào hồ sơ mời thầu, mục đích giúp cho công ty này là đơn vị duy nhất dự thầu và được trúng thầu.

Sau khi trúng thầu, Công ty Việt Á trích lại % giá trị hàng hóa để chi “hoa hồng” cho các đơn vị.

Vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và một số đơn vị liên quan gây chấn động dư luận thời gian qua. Tính đến nay, Bộ Công an và Công an các địa phương đã khởi tố tổng cộng hơn 60 bị can.


Trong số này, nhiều người là cán bộ cấp cao của CDC các địa phương, hoặc lãnh đạo cấp vụ thuộc các bộ, ngành. Mới đây nhất, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Theo điều tra, sau khi được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành, Phan Quốc Việt (tổng giám đốc Công ty Việt Á) thông đồng với lãnh đạo các đơn vị y tế để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu, nâng khống giá bán lên mức 470.000 đồng/kit xét nghiệm.


Công ty này đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, TP trên cả nước, với doanh thu khoảng gần 4.000 tỉ đồng. Trong đó, giá kit xét nghiệm được nâng khống khoảng 45%, giúp Công ty Việt Á thu về số tiền hơn 500 tỉ đồng. Đặc biệt, Công ty Việt Á chi “hoa hồng” cho các “đối tác” với số tiền lên tới gần 800 tỉ đồng.

TUYẾN PHAN


Pháp luật TPHCM

Chia sẻ Facebook