Vì sao giá dầu cao, Trung Đông vẫn thắt chặt sản lượng?
Bất chấp những ngóng chờ và sức ép của phương Tây, các van dầu của Trung Đông vẫn thắt chặt.
Giá dầu trên 100 USD/thùng được dự báo sẽ là câu chuyện còn kéo dài. Để giải quyết tình thế hiện tại, nhiều mối quan tâm đang được hướng về Trung Đông. Theo một khảo sát độc lập, 4 nước Trung Đông: Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Kuwait và Iraq vẫn còn khả năng tăng sản lượng thêm khoảng 4 triệu thùng dầu/ngày.
Những giàn khoan dầu vẫn hoạt động cầm chừng trên sa mạc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Mảnh đất này đang cung ra thị trường khoảng 3 triệu thùng dầu/ngày, thấp hơn tới gần 1 triệu thùng so mức sản lượng của chính họ hồi năm 2020.
Năm 2021, nước này thậm chí vẫn đặt mục tiêu sẽ dần tăng sản lượng lên 5 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên khi căng thẳng Nga - Ukraine khiến thế giới khát dầu nhất, những kế hoạch tăng sản lượng lại lặng yên.
"Những gì các nước OPEC muốn chính là để tránh Moscow bán dầu giá rẻ ra thị trường. Nếu vậy thì phải duy trì được một thỏa thuận với Nga. Nếu Nga đi một con đường riêng lúc này, thế giới sẽ bị chia thành 2 thị trường dầu. Một thị trường theo các quy luật cung cầu với vai trò của OPEC, nhưng còn thị trường kia sẽ tràn ngập dầu hạ giá của Nga", ông Narendra Taneja, chuyên gia năng lượng, cho biết.
Giá dầu cao, hủy hoại tăng trưởng sẽ làm ảnh hưởng tới nhu cầu dầu. Tuy nhiên tăng sản lượng, hạ giá dầu, OPEC sẽ lại tự đưa mình vào thế phải đối mặt những biến số khó lường. Các nước OPEC vẫn chưa thể quên cuộc chiến giá dầu giữa họ với Nga hồi đầu năm 2020, đẩy giá dầu có lúc xuống tới mức âm.
"Dầu với những nước như Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất hay Saudi Arabia là mặt hàng mang tính chiến lược. Trong khi đó, Nga hiện chiếm 12% sản lượng dầu của thế giới. Chỉ có thể cùng với Nga, họ mới tạo ra được sức ảnh hưởng của mình", ông Narendra Taneja, chuyên gia năng lượng, đánh giá.
Tại Trung Đông, hiện còn Iran cũng là một trong những nguồn cung dầu tiềm năng. Tehran muốn cung dầu ra thị trường để vực dậy nền kinh tế chịu cấm vận. Tuy nhiên, sau những tuyên bố đã từng rất lạc quan về khả năng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015, mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ.
"Sau cùng, các nước Phương Tây cũng phải nhìn nhận một thực tế là họ không thể loại Nga ra khỏi nhiều vấn đề quan trọng của thế giới. Chẳng hạn như không thể phớt lờ được được tiếng nói của Nga trong cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran đang diễn ra tại Vienna. Bởi thực tế là Iran gần với Nga hơn", Tiến sĩ Spiridon Plakoudas, chuyên gia các vấn đề Trung Đông, nhận định.
Theo ước tính, hiện 3 tỷ người trên thế giới hiện nay được cho đang sống trong cảnh thiếu thốn về năng lượng. Nhưng khi dầu đang trở thành công cụ chủ lực để gây sức ép bởi tất cả các bên, không khó để dự báo, Trung Đông sẽ không muốn, hay thậm chí ngay cả có muốn cũng khó dám đưa ra bước đi đột phá trên thị trường dầu.
Giá dầu tăng cao gây sức ép lên nền kinh tế Mỹ Giá dầu ở ngưỡng cao thời gian qua đã tạo nên sức ép cho giá xăng, từ đó đẩy giá hàng hoá tiêu dùng tại Mỹ tăng cao.