Vì sao Gen Z hay nhảy việc?
Trào lưu nhảy việc phất khởi từ thế hệ 8x, 9x, nhưng trở thành làn sóng rộng rãi tại thế hệ 10x - thế hệ muốn khám phá và khó thỏa mãn hơn.
Đối với những thế hệ trước, gắn bó với một công việc, một chủ, hoặc một công ty là điều bình thường. Đổi nghề thường xuyên, với nhiều nhà tuyển dụng, có thể là dấu hiệu của sự thiếu ổn định, không đáng tin cậy, hoặc thiếu trung thành.
Nhưng trong thời kỳ của những biến động kinh tế và khi công nghệ mới cùng văn hóa work from home đang thay đổi chúng ta làm việc, nhảy việc ngày càng được bình thường hóa.
Nhật khuyến khích người dân đến làm việc từ xa ở các công viên
Ở độ tuổi 23, Linh, sống tại Sài Gòn, đã không ít lần nhảy việc.
Khoảng 6 tháng trước, Linh thực tập tại một tập đoàn đa quốc gia trong 3 tháng. Sau đó, cô chuyển sang một doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ làm gia công phần mềm. Hiện giờ, Linh đang làm bán thời gian cho một start up trong giai đoạn gọi vốn, và còn tận dụng thời gian làm cho 2 doanh nghiệp khác. Nhưng với cô gái trẻ này, đó mới chỉ là sự bắt đầu.
“Mình có hối hận đã nhảy việc không? Không,” Linh khẳng định. “Mỗi lần nhảy việc, mình lại học thêm một thứ. Tầm nhìn và sứ mệnh của mình trở nên rõ ràng hơn.”
“Và không có gì là lãng phí cả – mọi kỹ năng mình học được ở công việc trước có thể chuyển mượt qua công việc tiếp theo.”
“Những kỹ năng cơ bản như học cách học, học cách hỏi, kiên trì, phối hợp với người khác và làm hài lòng khách hàng giúp mình xử lý 70% bất kỳ công việc nào.”
Linh so sánh quá trình này như hiệu ứng lãi kép (compoud effect) trong tài chính—còn được hiểu như mỗi quyết định đúng đắn, hành động kỷ luật trong 1 thời gian dài sẽ tạo nên thành quả lớn trong tương lai.
“Dần dần, ‘rổ’ kỹ năng của mình ngày càng lớn hơn.” – cô gái tin tưởng.
Nhảy việc: Sự khác biệt thế hệ
Đối với những thế hệ trước, gắn bó với một công việc, một chủ, hoặc một công ty là điều bình thường. Đổi nghề thường xuyên, với nhiều nhà tuyển dụng, có thể là dấu hiệu của sự thiếu ổn định, không đáng tin cậy, hoặc thiếu trung thành.
Nhưng trong thời kỳ của những biến động kinh tế và khi công nghệ mới cùng văn hóa work from home đang thay đổi chúng ta làm việc, nhảy việc ngày càng được bình thường hóa.
Trào lưu nhảy việc phất khởi từ thế hệ 8x, 9x, nhưng thực sự trở thành làn sóng rộng rãi tại thế hệ 10x – một thế hệ ít gánh nặng tài chính hơn, ít cầu ổn định hơn, muốn khám phá hơn, và khó thỏa mãn hơn.
Theo một nghiên cứu của Bộ lao động Mỹ, thời gian trung bình một nhân sự độ tuổi 25-34 làm trong một công ty là 2.8 năm, còn với nhân sự độ tuổi 55-64 là 9,8 năm – 7 năm khoảng cách. Một cuộc khảo sát bởi một trong 4 công ty tài chính lớn nhất thế giới, PwC, thì cho thấy nhân sự Gen Z dễ nghỉ việc nhất (35% số người khảo sát), sau đó là Gen Y (31%).
“Nhảy” vì điều gì?
Làm việc quá sức, căng thẳng, lương thấp, là các lý do thông thường khi nhân viên lựa chọn rời đi. Nhưng đối với nhiều người trẻ như Linh, đó không phải là động lực chính.
“Có lẽ do mình trẻ và hơi quá lạc quan, nhưng mình tin mình đang tạo nên một sự nghiệp của riêng mình, đang đi một con đường người khác không đi,” cô gái 23 tuổi nói thêm. “Và mình không nghĩ mình đang bỏ lỡ điều gì cả.”
Cô không phải người duy nhất, khi nhảy việc đã thành xu hướng đại diện cho thế hệ. Theo Tanveer Ahmed, nhà tâm thần học người Úc thường xuyên xuất hiện trên truyền thông Úc và tác giả cuốn sách về sức khoẻ tinh thần tên “Fragile Nation,” nhân sự Gen Z thường coi trọng khái niệm “công việc ý nghĩa, tức công việc tương đồng với giá trị quan của họ.”
Mặt khác, nếu giá trị quan của một người bị ảnh hưởng bởi những trào lưu tiêu cực, hoặc quan niệm phản truyền thống, đó cũng có thể dẫn họ đi sai đường trong quyết định chọn việc.
Ahmed nói thêm: “Gen Z quan tâm hơn đến sự linh hoạt, như work from home. Họ muốn phát triển, muốn được dạy nhiều thứ, và thường muốn được thăng cấp nhanh chóng.”
Gen Z cũng là thế hệ “khó quản” hơn. “Họ không thích chế độ quan liêu từ trên xuống. Họ vừa muốn được hướng dẫn và giám sát, vừa có tự do và quyền làm điều họ muốn,” ông nói.
“Gen Z cũng có tinh thần khởi nghiệp hơn, nên họ muốn thực hiện ý tưởng của họ, phát minh ra những cách mới hoặc theo đuổi những cơ hội khác biệt.”
“Tất cả những điều này khiến Gen Z dễ nhảy việc, đặc biệt là trong thị trường lao động với đa dạng lựa chọn hiện nay. Nếu một người trẻ có bằng cấp tốt, họ biết họ có thể ra đi tìm nơi khác.”
Vậy ai cũng “nhảy” được?
Tuy nhiên, nhảy việc không phải liều thuốc chữa bách bệnh. Minh, một cô gái 23 tuổi sống tại Hà Nội, tốt nghiệp ngành sư phạm, hiện vẫn gắn bó với nghề giáo trong 2 năm qua.
“Mình không thực sự có thể nhảy từ giáo viên chủ nhiệm sang giáo viên tiếng Anh sang giáo viên âm nhạc,” Minh nói, “Mình có thể có rất nhiều năm kinh nghiệm làm giáo việc nhưng sẽ không có chuyên sâu vào lịch vực nào cả. Mà càng những công ty lớn họ càng muốn có sự chuyên sâu.”
Nhảy việc cũng có thể khiến bạn trở nên cằng thẳng hơn, bởi tốn thời gian và công sức.
“Nếu một người hay nhảy việc, bạn luôn phải nghĩ ‘tiếp theo mình đi đâu?’ Bạn luôn ở trong trạng thái so sánh, công ty này hay công ty kia, và cũng chưa chắc bạn sẽ được vào vị trí lương cao.”
“Với một ứng viên hay nhảy viêc, nhà tuyển dụng có thể sẽ nghĩ ‘Người này có vấn đề gì mà hay nghỉ việc vậy?'”
Như câu nói “một nghề cho chín còn hơn chín nghề,” thực sự làm tốt ở một lĩnh vực đòi hỏi tới chục năm làm và hàng trăm va vấp.
“Có lúc, bạn lớn lên với một nơi, bạn đi theo giá trị của họ, bạn tích luỹ dần dần. Nhiều nhà lãnh đạo trở thành CEO của các tập đoàn sau khi đã làm ở đó 20-25 năm. Mức độ gắn bó như vậy đôi khi là điều còn thiếu ở Gen Z,” ô ng Ahmed nói.
Để giữ chân nhân sự Gen Z, các nhà tuyển dụng có thể giúp họ phát triển, hiểu và tương tác với giá trị của họ, vào giúp họ có cảm giác được kết nối, có tự do.
“Những cách này có thể áp dụng với bất kỳ thế hệ nào. Nhưng với người trẻ như Gen Z và Gen Y, họ coi trọng điều đó hơn, và họ kỳ vọng người quản lý sẽ cho họ điều đó.”
Đối với Linh, làn sóng “đại nghỉ việc” không phải không có khiếm khuyết, đặc biệt trong bối cảnh nhân sự trẻ nghỉ việc vì ngại khó hay đề cao cái tôi quá nhiều.
“Mình vẫn trân trọng những đức tính như cần cù, chăm chỉ, và làm có mục đích. Mình coi trọng việc cống hiến cho điều gì đó lớn hơn bản thân mình.” – cô nói.
“Mình nghĩ những đức tính này đang suy giảm trong thời đại mọi người nghỉ việc trên diện rộng. Đây cũng không phải là dấu hiệu tốt trong thời kỳ sức khoẻ tinh thần đang đi vào khủng hoảng.”
Nina Nguyen
Xem thêm Vì sao công nhân ở Đức không thích nhảy việc? Rốt cuộc các doanh nghiệp của Đức có bí quyết gì để giữ chân được nhân viên của họ?