Vì sao định giá thị trường tăng mạnh hơn chỉ số VN-Index?

Chia sẻ Facebook
10/02/2023 23:49:42

Trong talkshow “Gõ cửa tháng mới” – 2023 Bò hay Gấu thắng thế?, bà Phạm Huyền Trang - Giám đốc Phân tích Cổ phiếu của SSI Research và ông Nguyễn Trọng Đình Tâm - Phó Giám đốc Chiến lược Đầu tư của SSI Research đã có những trao đổi xoay quanh câu chuyện về triển vọng thị trường năm 2023.

Vì sao định giá thị trường tăng mạnh hơn chỉ số VN-Index?


Một trong những vấn đề được đặt ra là mức tăng mạnh của định giá thị trường, P/E từ mức quanh 11 lần của vài tháng trước lên mức quanh 14 lần hiện tại dù VN-Index tăng không quá nhiều.

Lý giải P/E tăng nhanh trong khi thị trường vẫn chưa tăng quá nhiều, ông Tâm chỉ ra P/E toàn thị trường bằng tổng vốn hóa chia cho lợi nhuận. Vì lợi nhuận quý 4 có sự điều chỉnh và chủ đạo là gam màu giảm (trừ nhóm ngân hàng) dẫn tới mẫu số giảm nên P/E tăng mạnh.

Về vấn đề định giá, bà Trang chia sẻ trong đầu tư cần nhìn vào tương lai, do đó P/E forward (dự phóng) sẽ quan trọng hơn trong việc đánh giá thị trường vào năm 2023. “Sau khi cập nhật kết quả kinh doanh quý 4, ước tính lợi nhuận năm 2023 sẽ tăng trưởng hơn 10%” - bà Trang cho biết.

Ngoài ra, bà Trang cũng lưu ý rằng vì tổng lợi nhuận của nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng góp hơn 50% tổng lợi nhuận doanh nghiệp mà đặc tính của các cổ phiếu ngân hàng là có P/E thấp nên kéo P/E trung bình của thị trường xuống.

Như vậy nếu bóc tách lợi nhuận nhóm ngân hàng thì P/E forward sẽ ở khoảng 13-14 lần, còn tính cả nhóm ngân hàng thì P/E forward sẽ ở mức hơn 10 lần.

Talkshow “Gõ cửa tháng mới” – 2023 Bò hay Gấu thắng thế?


Trong tháng 1, VN-Index có mức tăng 10%. Theo bà Trang, kết quả này đến từ các yếu tố hỗ trợ như Hiệu ứng tháng Giêng, lực mua mạnh từ các nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhóm ngân hàng đã quay lại vai trò dẫn dắt của mình.


Hướng về triển vọng của năm 2023, thị trường sẽ có những yếu tố tích cực và tiêu cực đang xen. Trong đó, mặt tích cực là VN-Index đã phản ánh nhiều rủi ro bao gồm rủi ro định giá lại trong môi trường lãi suất cao, cũng như rủi ro về lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ kém khả quan hơn trong năm 2023. Theo các phương pháp phân tích và định giá thị trường thì kỳ vọng VN-Index có thể chạm mốc 1,160 điểm vào cuối năm 2023, tương ứng với mức tăng là 15% trong năm 2023.


Trả lời câu hỏi của một nhà đầu tư về tình hình vĩ mô, bà Trang đánh giá rằng năm 2023, tình hình vĩ mô xấu mới được thể hiện ra trên các con số. Tốc độ tăng trưởng GDP sẽ chậm lại với mức ở mức 6.3% thấp hơn năm 2023, trong khi đó CPI sẽ cao hơn năm trước và thậm chí có thể đạt đỉnh trong quý 1 năm nay.

“Những tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như các vấn đề vĩ mô nội tại của Việt Nam cũng sẽ thể hiện ra nhiều hơn trong năm 2023”, bà Trang cho biết. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý như những gì đã đề cập đối với điểm tích cực được xét đến là thị trường đã phản ánh khá nhiều rủi ro về vĩ mô trong năm 2023.

Năm 2023 sẽ có ba chủ điểm đầu tư chính:

Thứ nhất, chủ đề đầu tư công tiếp tục được chuyên gia cho cho rằng sẽ là chủ điểm đáng theo dõi trong năm bởi tốc độ giải ngân còn khá chậm chỉ mới bằng 80% so với kế hoạch, kỳ vọng tốc độ sẽ được đẩy lên trong năm 2023.

Thứ hai, Trung Quốc tiếp tục là chủ đề khác cần quan tâm trong năm, bởi lượng khách du lịch bằng đường hàng không của nước này chiếm khoảng 32% trong tổng lượng khách đến Việt Nam vào năm trước dịch COVID-19 là năm 2019. Mở rộng hơn, kỳ vọng lượng khách quốc tế sẽ hồi phục hoàn toàn vào năm 2024, cao hơn so với trước dịch và cũng như đánh dấu sự hồi phục trở lại và hoàn toàn của ngành hàng không.

Cuối cùng, dòng tiền khối ngoại cũng được kỳ vọng sẽ là yếu tố tích cực cho thị trường trong ngắn hạn.

Kha Nguyễn

Chia sẻ Facebook