Vì sao cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam bị bắt?
Theo Công an Tp.HCM, hàng tháng các trung tâm đăng kiểm phải chung chi tiền cho các cán bộ, lãnh đạo Cục đăng kiểm và cả cho Cục trưởng Hà.
Ngày 11/1, Công an Tp.HCM tổ chức họp báo thông báo về quá trình điều tra tiêu cực xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm.
Theo Công an Tp.HCM, thời gian gần đây, Bộ Công an, Công an TP.HCM và công an nhiều tỉnh thành, quận huyện trên cả nước liên tiếp khám xét, khởi tố vụ án về các tội môi giới hối lộ; đưa, nhận hối lộ; giả mạo trong công tác xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm.
Dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an, Thường trực Thành ủy Tp.HCM và Ban Giám đốc Công an Tp.HCM, các lực lượng thuộc Công an Tp.HCM đã tập trung phát hiện, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến các hoạt động của các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới.
Kết quả đấu tranh đã xác định có nhiều hành vi vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm nên đã tập trung điều tra để xử lý.
Công an Tp.HCM xác định, tại nhiều trung tâm đăng kiểm, các đối tượng “cò” móc nối với nhân viên để nhận tiền của các chủ xe, cố ý bỏ qua các lỗi vi phạm bằng cách: Làm lơ trước các lỗi vi phạm khi kiểm tra thủ công, cho thuê phụ tùng đảm bảo tiêu chuẩn để thay tạm khi kiểm định xe, dùng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải…
Đặc biệt, tại một số trung tâm có hiện tượng các nhân viên mặc đồ, giả dạng kiểm định viên để vận hành dây chuyền đăng kiểm. Những người này còn giả chữ ký đăng kiểm viên trong hồ sơ kiểm định xe.
Bước đầu cơ quan điều tra làm rõ có khoảng 70.000 xe được các trung tâm đăng kiểm bỏ qua các vi phạm bằng thủ đoạn như trên. Các Trung tâm đăng kiểm đã cấp 52.300 giấy kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, thu lợi bất chính khoảng 10 tỷ đồng.
Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM gồm ba đơn vị là: Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP; Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội ; Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ cùng sự tham gia của một số Cơ quan CSĐT Công an cấp huyện là Tp.Thủ Đức, quận 12, Bình Tân, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn đã khám xét 13 Trung tâm đăng kiểm.
Cụ thể, 5 Trung tâm Đăng kiểm tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng; 8 Trung tâm Đăng kiểm trên địa bàn Tp.HCM và thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử có liên quan.
Tới thời điểm hiện tại, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh khám xét nơi làm việc, chỗ ở của 84 bị can về các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ và giả mạo trong công tác.
Trong đó có 80 bị can là giám đốc, phó giám đốc, nhân viên các Trung tâm Đăng kiểm và người môi giới. Ba bị can là cán bộ thuộc Phòng Kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Đăng Kiểm bị khởi tố về tội nhận hối lộ là Trần Anh Quân (Quyền Trưởng phòng), Đặng Trần Khanh (Phó Trưởng phòng) và Phạm Đức Ngọc (chuyên viên).
Đáng chú ý, với kết quả điều tra và tài liệu thu thập được, ngày 11/1, cơ quan CSĐT Công an Tp.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam để điều tra về tội Nhận hối lộ. Các quyết định và lệnh trên đã được VKSND Tp.HCM phê chuẩn.
Theo thiếu tá Nguyễn Thành Hưng, Phó Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02) - Công an Tp.HCM, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định các bị can đã có sự chỉ đạo, hướng dẫn xuyên suốt từ giám đốc đến các đăng kiểm viên, nhân viên tại các trung tâm đăng kiểm.
Trong đó, vai trò của ông Đặng Việt Hà được thể hiện rõ trong các sai phạm. Các đơn vị tư nhân muốn lập các trung tâm đăng kiểm thì phải chung chi hàng trăm triệu đồng cho lãnh đạo các phòng ban và Cục trưởng Cục Đăng kiểm để được cấp giấy phép, tạo điều kiện hoạt động, từ đó xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật.
“Hàng tháng, hàng quý các trạm, các trung tâm đều phải chung chi tiền cho các cán bộ Cục Đăng kiểm và lãnh đạo các phòng ban thuộc Cục Đăng kiểm và cho cả Cục trưởng Hà” thiếu tá Hưng thông tin.