Vì sao COP27 quan trọng với thế giới?
COP27 được đánh giá là kỳ hội nghị lớn nhất từ trước đến nay về vấn đề biến đổi khí hậu và cũng diễn ra trong bối cảnh nhiều thách thức với kinh tế toàn cầu.
Khai mạc Hội nghị COP27
Một trong những sự kiện đáng chú ý của tuần này là Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu (COP27) vừa khai mạc hôm qua (6/11) tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập.
Chủ đề của COP27 năm nay là "Cùng nhau thực thi các cam kết", trong bối cảnh thế giới đứng trước các thách thức lớn như khủng hoảng năng lượng, lạm phát hay làn sóng giảm tốc kinh tế.
Đáng chú ý, các đại biểu đã ủng hộ việc đưa vào chương trình nghị sự vấn đề "bồi thường thiệt hại về khí hậu" - một chủ đề gây tranh cãi, trong đó kêu gọi các nước giàu tài trợ nhằm khắc phục tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra với các quốc gia nghèo hơn.
"Đây là lần đầu tiên vấn đề này được đưa vào chương trình nghị sự, cho phép thảo luận về nguồn kinh phí cần thiết ứng phó với những tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu hiện nay. Vấn đề này cũng phản ánh tinh thần đoàn kết và cảm thông với những mất mát của các nạn nhân do thảm họa thiên nhiên từ biến đổi khí hậu gây ra", ông Sameh Shoukry, Ngoại trưởng Ai Cập, Chủ tịch Hội nghị COP27, nhấn mạnh.
Tại sao COP27 lại quan trọng với thế giới?
COP27 sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính: giảm lượng khí thải, giúp các quốc gia chuẩn bị và đối phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các nước đang phát triển.
Ai Cập - quốc gia đăng cai hội nghị, đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải cam kết thực hiện mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 o C theo Thỏa thuận Paris được ký kết tại COP21 vào năm 2015.
"Tôi đã tham dự COP từ năm 2003 và tôi luôn đặt nhiều kỳ vọng vào sự kiện này. Mặc dù đây không là nơi dễ dàng đạt được những thỏa thuận vì cần sự đồng ý của 190 quốc gia. Tuy nhiên năm nay, với những tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra trên khắp thế giới, nhiều khu vực trải qua nạn đói. Hội nghị COP27 đang đứng trước nhiều vấn đề cấp bách và tôi kỳ vọng các nhà lãnh đạo sẽ nhận ra thực tế này", Tiến sĩ Tara Shine, chuyên gia tư vấn về kinh tế và khí hậu, cho biết.
Theo BBC , tài chính luôn là vấn đề tại các hội nghị khí hậu. Năm 2009, các nước phát triển cam kết chi 100 triệu USD mỗi năm cho đến năm 2020 để giúp các nước đang phát triển giảm phát thải và đối phó với biến đổi khí hậu. Mục tiêu này đã không thể thực hiện được và phải dời tới năm 2023. COP27 năm nay thực sự quan trọng bởi các quốc gia dường như đang ưu tiên sử dụng nhiên liệu hóa thạch do khủng hoảng năng lượng. Điều này một lần nữa dấy lên lo ngại mục tiêu cắt giảm khí thải khó có thể đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
"Vấn đề tài chính là rất quan trọng, nhưng cần có các cuộc trò chuyện và giải pháp làm hài lòng các nhà tài trợ. Khoản hỗ trợ đó phải đủ nhiều để giúp các quốc gia phục hồi và khắc phục các hậu quả của biến đổi khí hậu", ông Simon Stiell, Phụ trách các vấn đề khí hậu của Liên Hợp Quốc, nhận định.
COP27 dự kiến có sự tham dự của các phái đoàn đến từ gần 200 nước, hơn 120 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ cùng với hơn 40.000 đại biểu khác. Đây là hội nghị thượng đỉnh về khí hậu có số lượng người tham gia đông đảo nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, hơn 3.000 nhà báo và các chuyên gia truyền thông từ khắp nơi trên thế giới đã có mặt để đưa tin về hội nghị.
Châu Âu thiếu khí đốt trầm trọng, nhiều nước tăng cường sử dụng điện than. “Sự phục hưng của nhiên liệu hóa thạch” làm bài toán ứng phó biến đổi khí hậu càng thêm khó khăn