Vì sao cơ thể người “nổi da gà” khi lạnh?
Tất nhiên, chúng ta không chỉ "nổi da gà" khi bị lạnh hoặc sợ hãi, mà cả lúc chúng ta trải qua những cảm xúc dâng trào khác, ví dụ như sự xúc động của các ông bố bà mẹ nhìn thấy con mình bước qua sân khấu khi tốt nghiệp chẳng hạn.
Bạn đang đi bộ về nhà vào lúc hoàng hôn thì bỗng rùng mình vì một cơn gió lạnh thổi qua. Các sợi lông trên tay bạn dựng đứng lên và nhiều nốt gai nhỏ li ti xuất hiện. Phản ứng sinh lý này thường xảy ra khi chúng ta thấy lạnh, sợ hãi hoặc thậm chí khi phấn khích.
Điều gì khiến cơ thể "nổi da gà"?
Mặc dù có một số nghiên cứu có thể lý giải tại sao cơ thể chúng ta "nổi da gà" nhưng nhìn chung, các nhà khoa học vẫn chưa thực sự chắc chắn về cơ chế dẫn tới hiện tượng này.
Theo nhà báo chuyên về môi trường và sức khỏe Isobel Whitcomb tại bang Oregon (Mỹ), bên dưới lớp da trên cơ thể người là hàng nghìn cơ nhỏ có tên arrector pili – mỗi cơ gắn liền với một sợi nang lông.
Những dây thần kinh xung quanh arrector pili sẽ truyền tín hiệu để báo lúc nào các cơ này cần co lại, và khi điều đó xảy ra, cơ arrector pili sẽ kéo những sợi lông đi kèm với chúng lên, tạo thành một đợt "nổi da gà" với tên khoa học là Piloerection.
Một bài phân tích đăng trên tạp chí Folia Primatologica năm 2014 cho biết, khả năng xù hoặc dựng đứng lông mao trên cơ thể rất có ích đối với hầu hết các loài động vật có vú với lông dài (các loài chim và bò sát cũng trải qua phản ứng Piloerection nhưng ở những động vật này, phản ứng đó sẽ xảy ra với lớp lông vũ hoặc vảy của chúng). Piloerection có tác dụng làm lớp lông mao hoặc lông vũ dựng lên, từ đó tạo thành một lớp "lá chắn" dày dặn để bảo vệ chúng khỏi các tác nhân mang tính đe dọa.
Chuyên gia tâm lý học Thomas Schubert tại Đại học Oslo ở Na Uy, đồng tác giả của nghiên cứu về mối quan hệ giữa cảm xúc với hiện tượng "nổi da gà", cho biết khi động vật có lông cảm thấy bị đe dọa, lớp lông xù lên khiến chúng trông to lớn hơn so với thứ mà chúng xem là mối đe dọa tiềm tàng.
Hãy tưởng tượng khi chú cún cưng của bạn nghe thấy một người lạ đang tiến đến gần cửa. Tất nhiên, nó sẽ sủa, nhưng đồng thời những sợi lông đằng sau cổ của nó sẽ dựng lên.
Cũng theo bài phân tích trên Folia Primatologica, nhiều loài động vật có vú khác, bao gồm cả tinh tinh – một trong những họ linh trưởng gần gũi nhất với con người – cũng có phản ứng tương tự khi đối diện với sự sợ hãi hoặc hung hăng. Tuy nhiên, do mật độ lông trên cơ thể người tương đối thưa thớt nên việc "xù lông" không mang lại nhiều lợi thế như ở động vật.
gif .
Khi co lại, cơ arrector pili sẽ kéo những sợi lông đi kèm với chúng thẳng lên, tạo thành một đợt "nổi da gà" (Nguồn: Behance)
Bà Amy Paller, chủ nhiệm khoa da liễu tại Trường Y Feinberg trực thuộc Đại học Northwestern (Mỹ) cho biết:
"Đối với con người, Piloerection không có tác dụng bảo vệ. Thế nhưng, xét tới thực tế rằng phản ứng này tồn tại gần như trên tất cả các loài động vật có vú, cũng như nhiều loài bò sát và chim muông, giới khoa học tin rằng đặc điểm đó đã tồn tại ngay ở những loài động vật có vú đời đầu.
Nó tiếp tục biểu hiện ở các loài linh trưởng – những loài xuất hiện ngay trước hoặc sau khi khủng long tuyệt chủng khoảng 66 triệu năm về trước, và sau đó sang con người mặc dù không mang lại tác dụng gì nhiều
Chuyên gia Schubert cho biết phản ứng đó có thể xảy ra khi hệ thần kinh của chúng ta được kích hoạt mạnh mẽ. Hãy tưởng tượng xem trái tim bạn đập mạnh như thế nào khi sợ hãi hoặc phấn khích. Trong cả hai trường hợp, hệ thống thần kinh đều được kích hoạt rất mạnh. Các dây thần kinh xung quanh arrector pili không quan tâm đến việc bạn đang sợ hãi, phấn khích hay di chuyển, chúng chỉ nhận được một loạt các tín hiệu từ não.
Có thể kích thích mọc lông ở động vật
Theo nhà báo Whitcomb, một nghiên cứu khác còn cho rằng hiện tượng "nổi da gà" có thể kích thích mọc lông ở động vật. Năm 2020, một nhóm các nhà khoa học đã lấy mẫu da của chuột và loại bỏ các dây thần kinh quanh cơ arrector pili. Kết quả được công bố trên tạp chí Cell cho thấy các tế bào gốc nang lông trên mẫu da này được kích hoạt chậm hơn, lông mất nhiều thời gian để mọc hơn.
Quan sát qua kính hiển vi điện tử, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những dây thần kinh bị loại bỏ không chỉ gắn liền với cơ arrector pili, mà còn với cả các tế bài gốc nang lông. Dựa trên những kết quả đó, nhóm nghiên cứu đi tới nhận định rằng phản ứng Piloerection sẽ cho phép động vật mọc nhiều lông hơn để đáp ứng với giá lạnh. Đây cũng là một lý do tiềm năng khác để đặc điểm này được truyền lại cho hầu hết các loài động vật có vú.