Vì sao Cần Thơ 'loay hoay' tìm thứ hạng cạnh tranh suốt 10 năm?

Chia sẻ Facebook
05/10/2022 20:26:37

Trong 10 năm qua, thứ hạng Cần Thơ luôn xoay quanh vị trí từ 10-12. Một trong các nguyên nhân của hạn chế là việc thay đổi tư duy từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ còn chậm; quy trình thủ tục xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (DN) chậm được đơn giản hóa; một vài thủ tục hành chính kéo dài; cán bộ chuyên trách thiếu nhiệt tình...


Sáng 5/10, Thành ủy Cần Thơ tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/7/2012 “Về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP Cần Thơ”.

Theo Thành ủy Cần Thơ, trong 10 năm qua, mặc dù điểm số và thứ hạng có lúc tăng, lúc giảm; tuy nhiên, điểm số có biên độ tăng giảm không nhiều, thứ hạng của Cần Thơ luôn xoay quanh vị trí từ 10 đến 12, cho thấy độ ổn định trong việc cải thiện và duy trì điểm số và thứ hạng . Năm 2021, Cần Thơ đứng thứ 12/63 tỉnh, thành trong cả nước và đứng thứ 2/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.

Trong đó, chỉ số về “Thiết chế pháp lý” của TP được duy trì nhằm cải thiện điểm số và thứ bậc trong bảng xếp hạng PCI hàng năm. Cần Thơ hiện có 111 tổ chức hành nghề luật sư gồm 69 văn phòng luật sư, 42 công ty luật. Hệ thống các dịch vụ tư pháp này cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân và DN.

Cụ thể, tỷ lệ các DN tin tưởng vào khả năng bảo vệ pháp luật về vấn đề bản quyền hoặc thực thi hợp đồng, tin rằng cấp trên không bao che và sẽ nghiêm túc xử lý kỷ luật cán bộ sai phạm có sự thay đổi tích cực so với năm 2020. Theo khảo sát, có 99% DN cho rằng tòa án các cấp của TP xét xử các vụ kiện kinh tế đúng pháp luật; 97% cho rằng các phán quyết của tòa là công bằng.

Tăng trưởng kinh tế 10 năm qua của Cần Thơ đạt bình quân 5,6%/năm. Ảnh: CK

Một trong các nguyên nhân là việc thay đổi tư duy từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ người dân, DN còn chậm. Quy trình thủ tục xử lý các khó khăn, vướng mắc của DN chậm được đơn giản hóa.

Theo Thành ủy Cần Thơ, TP vẫn đang đối mặt một số khó khăn, thách thức như: Môi trường đầu tư kinh doanh tuy được cải thiện nhưng còn hạn chế; một vài thủ tục hành chính kéo dài; cán bộ chuyên trách thiếu nhiệt tình… đã ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước.

Ngoài ra, các DN trên địa bàn TP đa phần có quy mô nhỏ và vừa, trình độ công nghệ, khả năng quản trị doanh nghiệp chưa cao, thiếu đội ngũ chuyên viên kỹ thuật cao… dẫn đến quy mô sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh của DN hạn chế.

Theo ông Phạm Văn Hiểu - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, chỉ số PCI được xem là công cụ đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền cấp tỉnh.

Ông Hiểu chỉ đạo các cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP quán triệt cán bộ, công chức, viên chức về đạo đức công vụ, phát huy mô hình “chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”; phòng, chống quan liêu, sách nhiễu , nhất là “tham nhũng vặt”; tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính không phù hợp để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.

UBND TP sớm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ tại Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội, nhất là các chính sách về quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, thu nhập cán bộ, công chức, viên chức… nhằm nhanh chóng chuyển các cơ chế, chính sách đặc thù thành những cơ hội để thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư của TP…

Về kỷ luật, kỷ cương hành chính, qua kiểm tra đột xuất tại 22 đơn vị (9 sở và 13 xã/phường/thị trấn) nhận thấy công chức chấp hành khá tốt thời gian làm việc. Tại thời điểm kiểm tra, có 603/761 công chức có mặt tại công sở (đạt 79,24%), vắng mặt 155/761 (chiếm 20,36%), tất cả công chức vắng mặt đều có lý do chính đáng.

TP cũng triển khai hệ thống camera giám sát theo dõi việc giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa ở tất cả UBND xã/phường/thị trấn, một số sở/ban/ngành, UBND quận/huyện…

Chia sẻ Facebook