Vì sao cần phải tu dưỡng cảm xúc?

Chia sẻ Facebook
21/08/2022 08:33:14

Cổ nhân khuyên rằng một người cần phải tu dưỡng cảm xúc, phải tránh xa cơn thịnh nộ. Vào thời khắc nổi trận lôi đình, người ta không thể khống chế cảm xúc, chẳng thể kiểm soát bản thân. Lúc này dù quyết định điều gì thì cũng chỉ khiến bản thân và người khác bị tổn thương mà thôi.


“Xung động là ma quỷ” , cảm xúc không ổn định giống như một mồi lửa đốt cháy đồng, chỉ khiến bản thân và người khác khổ sở không lời nào tả xiết. Nhà hiền triết Vương Dương Minh cho rằng, cảm xúc ổn định không phải là do trời phú, mà là năng lực được tôi luyện nhờ vào trí huệ và sự tu dưỡng.

(Tranh minh họa: Trương Đại Thiên, Public Domain)

Người có cảm xúc ổn định thường sống với hiện tại

Tăng Quốc Phiên từng nói: Không chào đón quá khứ, không rời xa hiện tại, không chào đón tương lai. Người có cảm xúc ổn định sẽ không phiền não vì những chuyện đã qua, cũng không theo đuổi những mục tiêu viển vông trong tương lai. Họ chỉ chú tâm tới hiện tại, làm tốt những việc trước mắt.


Vương Dương Minh cũng nói rằng: “Chỉ cần giữ tâm này thường tại, đã là đang học. Việc quá khứ và tương lai, suy nghĩ liệu có ích gì? Cứ để tâm nhĩ trống rỗng.”

Chỉ cần thường tồn dưỡng tâm thì đã có thể quan sát được sự tồn tại của tâm, đây chính là học vấn. Những chuyện đã qua và những việc chưa tới, nghĩ tới chúng phỏng có ích chi? Cứ suy nghĩ miên man như vậy chỉ khiến con người mất đi chân tâm trong sáng.

Người có cảm xúc không tốt, có thể bi thương, phẫn nộ về chuyện đã qua, cũng có thể lo lắng vì những điều chưa tới. Trong dòng chảy thời gian như dòng trường giang đằng đẵng này, chúng ta chỉ có thể nắm giữ được hiện tại. Tổn thương vì những chuyện quá khứ đã qua, chi bằng tìm kiếm những phương án giải quyết khả thi. Những chuyện tương lai cũng chưa đến, chi bằng làm tốt những việc hiện tại, mới có thể thay đổi quỹ đạo của vị lai.

Chuyên tâm vào những việc trong tay và những điều trước mắt, con người sẽ vô cùng an định và hài hoà, họ không vội vàng, gấp gáp, vừa thoát tục lại vừa thực tại.

Tu dưỡng cảm xúc là biết “buông bỏ”

Khi còn ở Long Trường, Quý Châu, Vương Dương Minh từng làm một chiếc quan tài bằng đá. Nguyên nhân là vì trong quá trình ngộ đạo của mình, ông luôn không thể buông bỏ tự ngã, buông bỏ sinh tử. Ông đã phát đại nguyện rằng, nếu coi như mình đã chết, thì còn điều gì đáng nợ nữa đây?


Ông ngồi trong quan tài đá tĩnh toạ tu thân, tĩnh tâm ngộ đạo. Cuối cùng cũng có một ngày ông ngộ ra đạo lý “Cách vật chí tri” (nghiên cứu nguyên lý của sự vật mà tổng kết thành tri thức). Chướng ngại lớn nhất của con người không phải là người khác, mà là chính mình. Nếu chẳng thể phá trừ chấp mê của bản thân, thì người đó rất khó có thể thoát khỏi sự bó buộc của cảm xúc.


Sở dĩ chúng ta cảm thấy khổ, là vì sự thất bại của chính mình. Thất bại chính là sự việc không vận hành, tiến triển theo suy nghĩ của “ta” , tới bước cuối cùng hoàn toàn không đạt được kết quả mà “ta” mong đợi, nên “ta” sẽ cảm thấy thống khổ.

Trang Tử cũng nói rằng: Con người có thể buông bỏ bản thân mà du ngoạn thế gian, thì ai có thể hại được họ đây? Một người không coi mình là gì cả, thì ai có thể khiến họ phẫn nộ, khiến họ tức giận được?


Lòng tự tôn của một người quá mạnh, ý thức tự ngã thái quá, nên chỉ cần người khác hễ có đôi chút mạo phạm, họ sẽ lập tức phản ứng lại. Mỗi người đều có một phương thức sống của riêng mình, hãy thử buông bỏ cái “tôi” , mà suy xét từ góc độ của người khác, mà thấu hiểu, mà bao dung.

Buông bỏ bản thân, quên lãng bản thân, quên đi những dục vọng, thành kiến của cá nhân, mới có thể không làm tổn hại đến con người và vạn vật. Buông bỏ những chấp mê của bản thân, cảm xúc tự nhiên sẽ trở nên ổn định và lành mạnh.

Người có cảm xúc ổn định thường sống rất đơn giản


Vương Dương Minh từng nói: “Cả đời dụng công của ta, chỉ cầu ngày càng giảm, chứ không cầu ngày càng tăng. Giảm một phần dục vọng, lại đắc được một phần thiên lý, thật nhẹ nhàng, khoan thai làm sao, thật đơn giản làm sao!”

Công phu ngày càng giảm chứ không tăng, nghĩa là giảm bớt sự ham mê vật chất, giảm bớt dục vọng của con người, mới có thể phục hồi nguyên thể của lương tri.

Quá nhiều dục vọng là cội nguồn của mọi sự thống khổ. Một người nghĩ quá nhiều, kết nối với thế giới quá nhiều, thì tranh chấp và sự chia rẽ cũng nhiều. Dục vọng của con người là vô cùng vô tận, vừa muốn thứ này, lại muốn thứ khác. Người bị dục vọng khống chế tâm trí, cuối cùng sẽ mệt mỏi vì bôn ba, khó có thể giải thoát.

Khi thê tử của Trang Tử qua đời, ông gõ chậu mà hát nghêu ngao. Khi bản thân sắp chết, đệ tử muốn mai táng thật long trọng, ông nói: Trên thì diều hâu ăn mất, dưới thì kiến tha, tranh với chúng, nào có ích chi.

Khi tất cả mọi người đều chen nhau hướng lên trên, danh lợi tiền tài thứ gì cũng muốn, thì Trang Tử lại coi nhẹ sinh tử.

Một người có tu dưỡng thi cảm xúc của họ thường ổn định. Họ sống rất đơn giản, không có quá nhiều dục vọng, không có nhiều tạp niệm, có thể thực sự chuyên tâm vào sinh mệnh của mình, cảm nhận được trạng thái thực tại. Người như vậy cũng thường trầm tĩnh, có khí chất, thong dong không vội vã.


Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook