Vì sao các "ong chúa" công nghệ như Samsung, LG, Cannon, Foxconn đều chọn "làm tổ" ở miền Bắc?
"Miền Bắc Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành ‘cánh tay đắc lực’ của công xưởng thế giới và là trung tâm sản xuất linh kiện điện tử của toàn cầu", bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield nhận định
Theo tổng hợp của Cushman & Wakefield, các khu công nghiệp ở miền Bắc đã đón nhận làn sóng đầu tư đến từ các doanh nghiệp điện tử toàn cầu từ sớm như Panasonic (1971), LG Display (1995), Canon (2001), Foxconn (2007), Samsung (2008), Fuji Xerox (2013) và gần đây là các tập đoàn như Pegatron, Goertek, Jinko Solar. Cushman & Wakefield ví tập đoàn này như những "Queen Bee" (ong chúa), dẫn theo làn sóng công nghiệp phụ trợ. Điển hình, tính đến năm 2022, tổng số nhà cung cấp của doanh nghiệp Việt bao gồm cả cấp 1 và cấp 2 của Samsung là 250 doanh nghiệp , trong đó doanh nghiệp cấp 1 là 52 doanh nghiệp. Đây là sự gia tăng lớn so với chỉ 4 doanh nghiệp cấp 1 vào năm 2014.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài 9 tháng đầu năm 2022 có tổng vốn đăng ký FDI vào Việt Nam đạt gần 18,8 tỷ USD. Trong đó, nhiều địa phương tại miền Bắc đang đóng góp đang kể. Bắc Ninh là tỉnh xếp thứ 3 cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,78 tỷ USD, chiếm 9,5% tổng vốn. Theo sau là Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội và Bắc Giang là các tỉnh thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất trong thời gian qua. Năm 2021, miền Bắc chiếm 48% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Điều gì khiến miền Bắc trở thành nơi làm tổ của các "ong chúa" ngành công nghệ?
Vị thế chung của toàn nền kinh tế
Trong quý 3/2022, GDP của Việt Nam tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước, thời điểm kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do đợt bùng phát mạnh của Covid. Tổng kết 9 tháng đầu năm, GDP cả nước tăng trưởng tới 8,83%, cao nhất trong 11 năm qua. Đây là điểm sáng của khu vực, trong bối cảnh những biến động chính trị - kinh tế - xã hội đang gây thách thức đối với tăng trưởng GDP của các quốc gia.
Bên cạnh đó, lực lượng 56 triệu lao động trẻ, năng động và ngày càng am hiểu công nghệ giúp Việt Nam trở thành một trong những lực lượng lao động lớn nhất thế giới xét cả về số lượng tuyệt đối và tỷ lệ tương quan với dân số.
Ngoài ra, sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, kéo theo tiêu dùng thương mại điện tử, giao thương với Trung Quốc,... cũng là một yếu tố thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Cushman & Wakefield cũng chỉ ra, Việt Nam đang trở thành đối tác thương mại đáng tin cậy trong khu vực. 9 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất - nhập khẩu của Việt Nam đạt gần 560 tỷ USD, đứng thứ hai trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, Việt Nam đang dần dịch chuyển sang xuất khẩu các mặt hàng có giá trị cao hơn: 89% kim ngạch xuất khẩu là nhóm hàng thuộc ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, 93,5% kim ngạch nhập khẩu là tư liệu, nguyên liệu sản xuất, máy móc.
Thị trường đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp nội địa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu với lĩnh vực sản xuất chế biến, chế tạo như: công ty Trường Hải, VinFast, Thành Công….
Khả năng kết nối nhờ vị trí thuận lợi
Miền Bắc Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi. Nối liền miền Bắc nước ta là hành lang kinh tế phía Nam của Trung Quốc gồm một số vùng nổi bật như Thượng Hải, Hồng Kông, Thẩm Quyến, Phúc Kiến và Quảng Đông. Đây là vùng kinh tế được chọn làm nơi đặt trụ sở của các ông lớn công nghiệp sản xuất, hóa sinh, thương mại và công nghệ điện tử. Theo ước tính của Cushman & Wakefield, vùng này chiếm hơn 30% tổng GDP Trung Quốc năm 2021, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư và phát triển kinh tế.
Vị trí của miền Bắc cũng thuận lợi để kết nối với Hàn Quốc (quốc gia đóng góp 18% nguồn cung vật liệu bán dẫn toàn cầu), với Đài Loan (nền kinh tế đóng góp 63% nguồn cung vật liệu bán dẫn toàn cầu)
Năng lực vận tải đường bộ
Theo thống kê của Cushman & Wakefield, nhận được sự ưu tiên phát triển về cơ sở hạ tầng của chính quyền địa phương, miền Bắc hiện đang có 13 tuyến đường cao tốc kết nối các tỉnh phía Bắc với Thủ đô, với tổng chiều dài 895,8km bao gồm: cao tốc Nội Bài - Lào Cai (264km), cao tốc Hà Nội - Bắc Giang (45,8km), cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (64km), cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh (31km), cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (63km), cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (30km), cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (50km), cao tốc Cao bồ - Mai Sơn (15km), cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 (63km), cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (105km), cao tốc Hải Phòng - Hạ Long (25km), cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (60km) và đặc biệt cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (80km) thông xe toàn tuyến nối 3 cửa khẩu và đi đến 3 sân bay quốc tế quan trọng nhất khu vực..
Về đường sắt , miền Bắc sở hữu 6 tuyến đường sắt, trong đó có: Hà Nội - Hải Phòng (102km), Hà Nội - Lào Cai (296km), Hà Nội - Đồng Đăng (162km), Hà Nội - Quán Triều (75km), Kép - Lưu Xá (57km) và Kép - Uông Bí - Hạ Long (106km) và trục Bắc - Nam (1.726km). Chỉ tính riêng các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng và Trung du, miền núi phía Bắc có tổng chiều dài đường quốc lộ là 9.389 km với trục cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105,5 km và Hà Nội – Thái Nguyên là 61,3km.
Mạng lưới đường bộ bao phủ khắp lãnh thổ đóng vai trò kết nối chính cho mạng lưới giao thông vận tải giữa các vùng công nghiệp, các cảng hàng không, các biển, cửa khẩu và đầu mối giao thông quan trọng. Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, dự kiến miền Bắc sẽ có 14 tuyến đường bộ cao tốc với tổng chiều dài khoảng 2.300 km, quy mô từ 4 đến 6 làn xe.
Đặc biệt, miền Bắc sở hữu tuyến đường bộ, thủy và sắt nối thẳng đến Thẩm Quyến, được mệnh danh Thung lũng Silicon Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng và phân bổ sản xuất trong khu vực. Ngoài ra thị trường bất động sản công nghiệp miền Bắc cũng đã hình thành từ sớm và khá đa dạng loại tài sản để phục vụ các doanh nghiệp từ Trung Quốc và Đài Loan mở rộng nhà máy.
Trong khi miền Nam có lợi thế về tận tải đường biển thì miền Bắc lại có lợi thế đặc biệt về vận tải đường bộ. Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng lượng hàng hoá thông qua đường bộ của khu kinh tế trọng điểm phía Bắc lớn gấp đôi so với phía Nam .
Vận tải hàng không
Không chỉ đường bộ mà khu vực miền Bắc còn có 7 cảng hàng không chở khách bao gồm Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Điện Biên và Đồng Hới. Trong đó cảng hàng không quốc tế Nội Bài là nơi có nhà ga hàng hóa chuyên biệt với công suất 403.000 tấn hàng hóa/năm, theo bộ Giao thông Vận tải. Các Cảng còn lại hiện đang được triển khai đầu tư nâng công suất tiếp đón hành khách, mở các chuyến bay thẳng nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp đón hành khách và nhà đầu từ đến Việt Nam.
khối lượng vận tải hàng hoá theo đường hàng không thông qua sân bay quốc tế Nội Bài đạt 0,7 triệu tấn, gấp hơn 3 lần so với mức 0,2 triệu tấn so với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Vì đặc thù về sản phẩm nên các tập đoàn sản xuất các thiết bị công nghệ thường chọn vận tải bằng đường bộ hoặc đường hàng không thay vì đường biển
Dư địa phát triển khu công nghiệp
Dư địa phát triển, mở rộng quy mô cũng là một trong những yếu tố mà các nhà đầu tư cân nhắc trước khi ra quyết định. Theo báo Quý 3/2022 của Cushman & Wakefield, tổng nguồn cung đất công nghiệp toàn miền Bắc đạt 13.600 ha; với giá thuê trung bình mỗi mét vuông trên từng chu kỳ thuê lần lượt tại Hà Nội là 139 USD, Bắc Ninh là 130 USD, Hải Phòng là 121 USD, Vĩnh Phúc là 113 USD, Hưng Yên là 112 USD, Hải Dương là 98 USD và Quảng Ninh là 90 USD.
Thị trường nhà xưởng xây sẵn và nhà kho xây sẵn cũng đón nhận số lượng đầu tư đáng kể khi các chủ đầu tư trong nước đã bắt đầu tham gia phát triển loại hình nhà xưởng hiện đại với khả năng cung ứng các sản phẩm có chất lượng tương đương với các chủ đầu tư quốc tế với mức giá cạnh tranh. Tổng nguồn cung nhà xưởng xây sẵn miền Bắc đạt 2,5 triệu m2 với giá thuê từ 3,5 - 5,7 USD/m2/tháng; và nhà kho xây sẵn là 1,8 triệu m2 có mức giá thuê là 3,5 - 5,6 USD/m2/tháng.
Với các đặc điểm địa lý thuận lợi, cũng như cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển mạnh mẽ và hàng loạt chính sách thúc đẩy đầu tư từ Chính Phủ, có thể nói Miền Bắc Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để thu hút loạt “ong chúa” đến làm tổ và đóng góp hơn nữa vào GDP Việt Nam,
Hoàng Thùy