Vì sao các kí tự bàn phím xếp theo kiểu QWERTY, thay vì ABCDEF như trong bảng chữ cái?
Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao bàn phím của máy tính, điện thoại hay các thiết bị công nghệ khác lại sử dụng kiểu bố cục QWERTY, thay vì sắp xếp theo thứ tự trong bảng chữ cái hay chưa?
Để trả lời câu hỏi này, hãy quay ngược lại đồng hồ vào khoảng 150 năm trước, khi máy đánh chữ lần đầu tiên được phát minh.
Máy đánh chữ là một dụng cụ viết chữ bằng tay chạy trên thiết bị cơ khí, điện cơ hoặc điện tử-cơ, được trang bị một bộ phím sử dụng những chiếc búa nhỏ, đập qua dải vải tẩm mực và in mực lên tờ giấy đặt phía sau dải mực.
Nguyên tắc hoạt động của hầu hết các máy đánh chữ là dập các ký tự lên trang giấy bằng các đòn bẩy đặc biệt với các bệ bằng kim loại hoặc chữ nhựa. Khi nhấn phím tương ứng, cần gạt sẽ chạm vào băng thấm mực, để lại dấu ấn của chữ cái trên tờ giấy được xuất hiện. Trước khi ký tự tiếp theo được in, tờ giấy được tự động dịch chuyển sang trái một chút, để phím tiếp theo sẽ dập vào ngay bên phải của ký tự vừa được gõ.
Vào thời điểm máy đánh chữ mới được trình làng, bố cục bàn phím của thiết bị này được sắp xếp theo thứ tự ABC như trong bảng chữ cái. Tuy nhiên, một vấn đề đã nảy sinh với người dùng máy đánh chữ trong quá trình sử dụng: Các đòn bẩy bị mắc kẹt khi người dùng nhấn hai phím liên tục quá nhanh.
Theo phản ánh của một số người dùng, tình trạng kẹt đòn bẩy đặc biệt thường hay xảy ra nếu hai phím được gõ nằm ở gần nhau trên bàn phím, khiến người dùng phải dùng tay gỡ các đòn bẩy ra. Chính vấn đề này đã buộc các hãng chế tạo máy đánh chữ tìm giải pháp khắc phục.
Trong số các phương án khắc phục được đưa ra, giải pháp của Christopher Sholes – người đã phát minh ra chiếc máy đánh chữ đầu tiên - được đánh giá là có hiệu quả tốt nhất.
Cụ thể, biên tập viên sống ở Kenosha, Wisconsin (Mỹ) này đã phát hiện việc sắp xếp lại các ký tự trên bàn phím sẽ giúp giảm thiểu tối đa tình trạng kẹt đòn bẩy. Trong suốt 5 năm trời, ông đã thử nghiệm rất nhiều kiểu bố cục bàn phím, với mục tiêu lớn nhất là giúp người dùng tránh khỏi việc phải gõ hai phím nằm gần nhau.
Kết quả, vào đầu năm 1870, Christopher Sholes đã phát hiện kiểu bố cục bàn phím QWERTY mang lại hiệu quả cao nhất. Tên gọi của quy chuẩn bàn phím này bắt nguồn từ thứ tự của sáu phím đầu tiên (Q W E R T Y) của hàng chữ cái trên cùng, bên trái bàn phím.
Ngay sau đó, Sholes & Glidden Type-Writer - chiếc máy đánh chữ đầu tiên trên thế giới dùng kiểu bố cục bàn phím QWERTY đã được Christopher Sholes cùng các đồng sự của mình trình làng.
Vì sao QWERTY trở nên phổ biến?
Sang đến năm 1873, James Densmore, cộng sự kinh doanh của Sholes, đã bán thành công quyền sản xuất Sholes & Glidden Type-Writer cho E. Remington and Sons (nhà sản xuất súng và máy đánh chữ sau này).
Sau khi mua được bản quyền sản xuất, Remington thực hiện một vài thay đổi nhỏ, đơn cử như đưa chữ R lên hàng chữ trên cùng thay cho dấu chấm (.), để người dùng có thể đánh được cụm từ TYPE WRITER trên cùng một hàng. Ngay sau đó, những mẫu máy đánh chữ thương mại do Remington chế tạo đã nhanh chóng ‘cháy hàng’ trên thị trường, vô hình trung giúp kiểu bố cục bàn phím QWERTY dần trở nên phổ biến.
Trên thực tế, trong hơn 100 năm kể khi máy đánh chữ Remington xuất hiện, rất nhiều người dùng trên khắp thế giới đã luyện tập để có thể đánh máy nhanh mà không cần nhìn vào bàn phím. Do đã có quá nhiều người thành thạo việc sử dụng bàn phím QWERTY, việc chuyển sang sử dụng những bố cục bàn phím khác là điều khó có thể thực hiện được.
Tất nhiên, có nhiều bố cục bàn phím khác ngoài QWERTY đã được thử nghiệm. Một kiểu bố cục bàn phím được cho là dễ học và cho tốc độ gõ nhanh hơn so với QWERTY. Tuy nhiên, vẫn không có kiểu bố cục bàn phím nào đủ tốt để thay thế QWERTY. Điều này dẫn đến việc bố cục bàn phím này vẫn tiếp tục được sử dụng liên tục trong suốt 150 năm.
Khi các mẫu bàn phím máy tính hiện đại ra đời và dần phổ biến vào những năm 1970, chúng vẫn sử dụng bố cục QWERTY, nhưng có bổ sung thêm các phím như Escape (ESC), phím chức năng, phím mũi tên, Insert, Delete, Home, End, Page Up, và Page Down.
Cũng phải nói thêm, kiểu bố cục QWERTY được phát triển cho kiểu gõ bằng ngôn ngữ tiếng Anh. Trong khi đó, một số ngôn ngữ khác lại sử dụng các biến thể của QWERTY. Ví dụ: AZERTY thường được sử dụng cho tiếng Pháp, QWERTZ cho tiếng Đức và QZERTY cho tiếng Ý.
Tham khảo TheConversation