Vì sao Bình Dương ‘vỡ’ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công?
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công là do một số vướng mắc trong công tác thẩm định giá đất để triển khai đền bù giải phóng mặt bằng.
Ngày 4/12, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, ngay từ đầu năm, tỉnh đã tập trung triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, thủ tục đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, tạo lòng tin, phấn khởi cho doanh nghiệp và người dân.
Bình Dương phối hợp nghiên cứu, triển khai các dự án giao thông kết nối, liên kết vùng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công...
Về đầu tư công, người đừng đầu chính quyền tỉnh Bình Dương cho biết, đến ngày 30/11/2022, tổng giá trị giải ngân là 4.719 tỷ đồng, đạt 45,8% kế hoạch của tỉnh (cùng kỳ đạt 41,1% kế hoạch) và đạt 46,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Bình Dương đề ra mục tiêu phấn đấu đến 30/1/2023, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt trên 90% kế hoạch.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, Bình Dương đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác đôn đốc, chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án trọng điểm và định kỳ tổ chức họp để kịp thời giải quyết vấn đề cấp bách, bức xúc.
Để thực hiện có hiệu quả trong công tác giải ngân đầu tư công trong thời gian còn lại của năm 2022, ông Minh cho biết Bình Dương sẽ tập trung thực hiện 4 giải pháp:
Thứ nhất, tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các địa phương trong chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng.
Thứ hai, chỉ đạo các sở, ban ngành, theo chức năng nhiệm vụ ưu tiên, tập trung nguồn lực cho công tác đầu tư công, rút ngắn thời gian thẩm định, thời gian xử lý hồ sơ; tăng cường phối hợp với chủ đầu tư, UBND cấp huyện để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Thứ ba, lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp kéo dài thời gian thực hiện dự án do nhà thầu hoặc đơn vị tư vấn năng lực yếu kém.
UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư thực hiện đầy đủ, đảm bảo thời gian báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nhằm phục vụ công tác tham mưu điều hành kế hoạch đầu tư công;
Thứ tư, tỉnh tổ chức họp giao ban định kỳ giữa các chủ đầu tư để tiếp tục rà soát các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn. Đặc biệt, tỉnh sẽ thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực , trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
Trong năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của Bình Dương đã giao là 8.909 tỷ đồng, phân bổ cho 316 dự án, tăng 130 tỷ đồng so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.