Vì sao Apple muốn tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam?
Apple thông báo đến các đối tác rằng hãng sẽ tăng cường sản xuất sản phẩm bên ngoài Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam và Ấn Độ là 2 quốc gia được hãng công nghệ này đang nhắm đến để xây dựng các cơ sở sản xuất mới.
Mới đây, tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm ở Mỹ, CEO Tim Cook đã chia sẻ rằng, Apple mong muốn mở rộng chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam, phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi giá trị của Apple.
Ông Tim Cook cũng khẳng định sẽ tích cực xem xét đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng số lượng nhà cung ứng nội địa và nâng tỉ lệ sử dụng dịch vụ và hàng hóa nội địa cao hơn trong các sản phẩm của Apple trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, Apple mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục có những chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ cao của Mỹ phát triển kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.
Nhìn chung, hơn 90% sản phẩm của Apple như Iphone, Ipad và Macbook được sản xuất bởi Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, sự phụ thuộc quá lớn của Apple vào Trung Quốc có thể là một rủi ro cho hãng.
Tờ WSJ cho rằng, do chính sách hạn chế nhập cảnh của Trung Quốc, các lãnh đạo và kỹ sư của tập đoàn công nghệ này không thể thường xuyên đến thăm xưởng sản xuất, từ đó khó theo dõi tiến độ làm việc. Tình trạng thiếu hụt năng lượng, mất điện diện rộng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Thời gian qua, Pegatron - một trong những đối tác cung ứng lớn nhất của Apple, đã thông báo việc cắt giảm sản xuất thiết bị liên lạc và điện tử tiêu dùng trong quý này, vì hoạt động tại nhà máy lắp ráp Thượng Hải chịu ảnh hưởng từ các biện pháp phong tỏa của thành phố.
Theo Ivan Lam, nhà phân tích cấp cao tại hãng nghiên cứu Counterpoint, các mẫu iPhone mới, bao gồm iPhone SE, có thể ghi nhận sản lượng sụt giảm trong quý II do gián đoạn chuỗi cung ứng ở đại lục.
Tháng trước, Pegatron tạm dừng sản xuất tại các nhà máy lớn ở Thượng Hải và Côn Sơn. Nhà máy Côn Sơn đã hoạt động trở lại sau khi thành phố dỡ một số biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, hoạt động ở Thượng Hải vẫn căng thẳng.
SCMP nhận định, quyết định cắt giảm sản lượng của nhà thầu Đài Loan sẽ khiến Apple phải tiếp tục điều chỉnh chiến lược chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Hơn một nửa trong số 192 nhà cung ứng của Apple đang đặt nhà máy ở đại lục, bao gồm Foxconn, Pegatron, Quanta Computer, Wistron và Compal Electronics. Tất cả đều nằm trong khu vực phong tỏa.
Trong thời điểm đại dịch, Foxconn, đối tác lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple, cũng đã mở thêm nhiều xưởng sản xuất ở Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu mua iPhone cho thị trường nội địa quốc gia này. Theo công ty nghiên cứu Counterpoint, năm 2021, các nhà máy tại Ấn Độ sản xuất khoảng 3,1% lượng iPhone cung ứng cho Apple. Con số đó có thể tăng lên 6-7% trong năm nay.
"Tuy nhiên, vì lý do xung đột về chính trị với Trung Quốc, Apple phải cân nhắc lại vì các đối tác không muốn đầu tư mạnh vào Ấn Độ. Do đó, hãng đã chuyển hướng sang các quốc gia Đông Nam Á khác, trong đó có Việt Nam, vốn là một trong những trung tâm chế tạo, sản xuất chính của Samsung. Ví dụ, Luxshare Precision Industry Co. - đối tác sản xuất của Apple có trụ sở tại Trung Quốc đã sản xuất tai nghe AirPods cho Apple tại Việt Nam", tờ WSJ cho biết.