[Vi phạm trật tự đô thị tại Hà Nội]: Trách nhiệm thuộc về ai?
Sự tồn tại của những vi phạm trong trật tự xây dựng đang tạo ra nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ, mất trật tự an ninh, an toàn giao thông trong khu vực.
Liệu có tiêu cực, làm ngơ cho “cái sai” hoạt động?
Những lý do được nhiều cấp, ngành, địa phương của Hà Nội đưa ra để lý giải cho tình trạng chậm trễ trong xử lý dứt điểm các sai phạm về trật tự xây dựng đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Có thể điểm lại hàng chục đầu lý do như khung pháp lý chưa hoàn thiện; chưa có chế tài hoặc chế tài chưa hoàn thiện; hồ sơ, nguồn gốc đất phức tạp qua nhiều giai đoạn của khung chính sách pháp luật ; việc xử lý đúng luật lại có thể dẫn đến phát sinh vấn đề xã hội phức tạp… thậm chí có cả những nguyên nhân do những hành vi hành chính không phù hợp, vận dụng sai quy định pháp luật hoặc vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức được giao quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, quy hoạch…
Lý giải là vậy nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia ngoài nguyên nhân khách quan, còn nhiều nguyên nhân chủ quan khác.
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS. Nguyễn Hồng Thái, Phó trưởng Khoa Vận tải - Kinh tế (Trường Đại học GTVT) cho rằng tình trạng chậm trễ phát hiện và xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại Hà Nội ngoài nguyên nhân chủ quan và khách quan thì một yếu tố nổi cộm là sự thiếu quyết liệt của một số cấp chính quyền cơ sở.
Không ít nơi, các cấp lãnh đạo cấp ủy và chính quyền chưa nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của cấp ủy, dẫn tới thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thậm chí còn buông lỏng quản lý.
Trong khi đó, hệ thống thanh tra xây dựng, chính quyền các phường chưa đề cao trách nhiệm, thiếu sự giám sát, kiểm tra và chưa kiên quyết, chủ động xử lý triệt để các vi phạm. Tình trạng xử phạt nhiều lần nhưng vẫn để tồn tại, không có biện pháp khắc phục hậu quả vẫn diễn ra, dẫn đến chủ đầu tư coi thường kỷ cương, pháp luật, cố tình vi phạm.
Thậm chí, trước những sai phạm tồn tại công khai, trong một thời gian dài, dù đã được người dân, báo chí phản ánh, dư luận có thể đặt ra câu hỏi liệu có "thế lực ngầm" nào đó chống lưng hay cố tình làm ngơ cho những hành vi này hoạt động? Liệu có tiêu cực gì trong việc tồn tại không?
Như tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng diễn ra chiều ngày 3/11 kỳ họp thứ IV Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đã đặt vấn đề: “Qua tiếp xúc cử tri, cử tri phản ánh có tình trạng người dân sửa nhà trong ngõ sâu nhưng thanh tra xây dựng vẫn nắm được, trong khi nhiều công trình lớn, thậm chí là có công trình cao ốc ngay mặt đường xây dựng sai phép nhưng cơ quan chức năng vẫn không phát hiện ra. Cử tri băn khoăn, liệu có tham nhũng, tiêu cực trong vấn đề này hay không?”.
Cũng đặt vấn đề có tình trạng “bảo kê” cho những hoạt động vi phạm trật tự xây dựng hoành hành, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: “Tôi nhắc lại ý ông Nguyễn Đức Chung (nguyên Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội) trước đây đã nói đến hiện tượng này. Không chỉ bảo kê nhà hàng, khách sạn, hay quán bia mà ông Chung nói thẳng còn bảo kê cả những bến xe, bãi đỗ tự lập ra, rồi câu chuyện đỗ chỗ nọ, đỗ chỗ kia… Có bảo kê thật sự. Chúng ta chưa nói đến việc ai là người bảo kê nhưng có nhiều khả năng thế này”.
Theo ông Nhưỡng, có thể có hai loại bảo kê. Loại bảo kê thứ nhất là bảo kê mang tính quyền lực, tức là bảo kê của các cơ quan công quyền, của những lực lượng chức năng, thậm chí của một số cá nhân cán bộ thoái hóa biến chất.
“Gần đây nhất chúng ta biết báo chí đưa tin một Đại úy công an tại Tp.HCM, cũng bình thường thôi, một cấp rất nhỏ trong lực lượng, mà sẵn sàng lập ra đến 47 công ty nhập khẩu, trốn thuế. Chúng ta thấy chỉ một cán bộ thôi mà có thể đứng ra làm những chuyện đó”, ông Nhưỡng nêu ví dụ.
“Bảo kê thứ hai là bảo kê ngoại biên, dựa vào sức mạnh và câu chuyện xã hội. Đó chính là các băng nhóm xã hội đen. Câu chuyện này không thể không có”, ông Nhưỡng nói đồng thời nhấn mạnh cả hai vấn đề đó đều phải xem xét trên bình diện pháp luật.
Không để nguy cơ thành bài học đắt giá
Theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện chỉ thị của Thành ủy Hà Nội về việc nâng cao trách nhiệm trong công tác PCCC&CNCH, trong giai đoạn 2018 - 2021, trên địa bàn Tp. Hà Nội xảy ra 1.333 vụ cháy, trong đó có 21 vụ cháy lớn, 19 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 7 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, khiến 38 người chết, 82 người bị thương, tổng thiệt hại khoảng 272 tỷ đồng. Trong đó, các vụ cháy liên quan đến nhà kho, xưởng sản xuất chiếm tỷ lệ 10,88% với 145 vụ.
Đơn cử như trong việc phòng cháy chữa cháy, theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện chỉ thị của Thành ủy Hà Nội về việc nâng cao trách nhiệm trong công tác PCCC&CNCH, trong giai đoạn 2018 - 2021, trên địa bàn Tp. Hà Nội xảy ra 1.333 vụ cháy, trong đó có 21 vụ cháy lớn, 19 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 7 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, khiến 38 người chết, 82 người bị thương, tổng thiệt hại khoảng 272 tỷ đồng. Trong đó, các vụ cháy liên quan đến nhà kho, xưởng sản xuất chiếm tỷ lệ 10,88% với 145 vụ.
Những con số biết nói đã cho thấy những nguy cơ cháy nổ tại các nhà xưởng đã không còn chỉ là cảnh báo. Đó chính là bài học đắt giá nhất về việc chủ quan, coi thường công tác phòng cháy chữa cháy, làm ngơ cho cái sai trái. Và đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy đã trở thành một trong những nội dung quan trọng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành, và bản thân Thành phố Hà Nội hết sức quan tâm, chỉ đạo quyết liệt.
Và hơn hết, trên hết, đó là sự thượng tôn pháp luật, hoạt động kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật và không vì bất kỳ lý do nào đó, vì ai đó mà có thể đứng trên pháp luật, đứng ngoài vòng pháp luật.
Mạnh Quốc - Phạm Tùng .