Vi phạm nồng độ cồn, còn nài nỉ CSGT nghe điện thoại ‘cầu cứu’

Chia sẻ Facebook
25/06/2022 01:16:53

Vi phạm nồng nộ cồn, khung phạt nhẹ nhất là lập biên bản xử phạt 2,5 triệu đồng, tước bằng lái 11 tháng, tạm giữ xe 10 ngày. Nhiều người vi phạm gọi điện thoại cho người thân cầu cứu khiến quá trình xử phạt bị kéo dài.

Video: Nhiều người vi phạm nồng độ cồn nài nỉ CSGT nghe điện thoại "giải cứu" ở Hà Nội

Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an Hà Nội ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông


Ngày 24-6, Đội c ảnh sát giao thông (CSGT) số 1, Phòng CSGT Công an Hà Nội đã tuần tra, phát hiện và xử lý vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Người vi phạm được đưa về trụ sở Đội CSGT số 1 để lập biên bản và xử phạt, tạm giữ xe.


Cục CSGT, Bộ Công an cho biết từ ngày 20-6 đến hết 20-9, CSGT toàn quốc bắt đầu triển khai kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, như vi phạm nồng độ cồn, vượt quá tốc độ cho phép, "cơi nới" thùng xe và chở hàng quá trọng tải.


Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online lúc 13h, Đội CSGT số 1 đi tuần tra lưu động, chỉ trong khoảng một tiếng đồng hồ đã phát hiện 5 trường hợp vi phạm nồng độ cồn lái xe.

Nhiều người đã gọi điện thoại cho người thân nhờ "giải cứu", nài nỉ cán bộ công an nghe điện thoại.

Người vi phạm liên tục gọi điện cầu cứu người thân khiến quá trình xử phạt bị kéo dài

Ông L.H.Q. (trú Ứng Hòa, Hà Nội) chở người bạn đi ăn tiệc cưới tại quận Hoàn Kiếm, trên đường về ông Q. được yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra nồng độ cồn. Thời điểm kiểm tra, ông T. có nồng độ cồn mức 0,078 mg/l khí thở.


Người phụ nữ đi cùng xe cho biết: "Ông Q. không biết uống rượu bia, chỉ nhấp môi thôi là mặt đỏ như vậy. Suốt buổi tiệc, ông không hề uống, tuy nhiên cuối buổi mọi người kêu gọi nâng ly nhấp môi để chụp ảnh kỷ niệm, ông mới nhấp môi. Nồng độ cồn như vậy là quá thấp cho nên mong muốn được châm chước".

Với vi phạm trên, ông Q. bị CSGT lập biên bản xử phạt 2,5 triệu đồng, tước bằng lái 11 tháng, tạm giữ xe 10 ngày.

Tại trụ sở, ông Q. cũng liên tục gọi điện thoại cho người thân để cầu cứu không bị lập biên bản.

Ông Q. liên tục đặt sát điện thoại vào tay cán bộ công an để nhờ nghe điện thoại

Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải, Đội CSGT số 1, cho biết từ ngày 20-6 đến nay, đội đã xử lý 22 trường hợp vi phạm lỗi nồng độ cồn điều khiển mô tô tham gia giao thông.

Quận Hoàn Kiếm là khu vực có phố cổ, có nhiều đường ngang, ngõ tắt nên việc xử lý vi phạm nồng độ cồn khá khó khăn.

"Trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn, sau khi kiểm tra và phát hiện vi phạm, rất nhiều người vi phạm đã gọi điện thoại cho người thân cầu cứu và yêu cầu cán bộ giao thông nghe. Tuy nhiên đây không phải là nhiệm vụ của chúng tôi", ông Hải nói.


Đặc biệt, trong đợt cao điểm này cũng có nhiều điểm mới, các trường hợp vi phạm là đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… sẽ bị gửi thông báo về cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý theo quy định.


Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Tuổi Trẻ Online , thiếu tá Nguyễn Thanh Hải cho biết: "Thường khi chúng tôi kiểm tra người vi phạm nồng độ cồn, hỏi nghề nghiệp thì đa số đều giấu và khai làm việc tự do, chỉ xuất trình giấy tờ liên quan đến phương tiện, căn cước công dân và giấy phép lái xe, hoặc điện thoại cho người thân giúp đỡ, chứ không nói cơ quan làm việc".

Anh N.N.T. đọc và ký nhận biên bản. Anh T. cho biết nhà có việc mọi người mời không thể không uống, thời điểm kiểm tra nồng độ cồn đạt 0,211 mg/l khí thở

Phương tiện của người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn được niêm phong, tạm giữ 10 ngày

Cục Cảnh sát giao thông cho biết trong ngày đầu thực hiện cao điểm, cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 636 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 662 tài xế vi phạm tốc độ, 122 trường hợp bị xử lý quá tải, cơi nới thùng xe...

Chia sẻ Facebook