Vi phạm bản quyền đe dọa tương lai doanh nghiệp nội dung số

Chia sẻ Facebook
20/06/2022 13:06:18

Theo Hội Truyền thông số Việt Nam, hiện người dùng vẫn có xu hướng thích dùng nội dung không có bản quyền. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến các đơn vị cung cấp nội dung.

Một báo cáo mới đây của Công ty dịch vụ phân phối Akamai và Thủ Đô Multimedia cho thấy, thị trường OTT sẽ tăng trưởng gấp 3 lần vào năm 2028. Việt Nam sẽ có 36 triệu người dùng tương ứng với khoảng 20% người dùng toàn Đông Nam Á.


Đây là một dự báo cho thấy tiềm năng và cơ hội lớn của thị trường nội dung số Việt Nam. Tuy nhiên, hãng này cũng cảnh báo lo ngại khi cho biết có tới 60% người dùng Việt truy cập vào các website có luồng nội dung lậu, vi phạm bản quyền .


Theo Hội Truyền thông số Việt Nam, báo cáo đã nêu ra thực trạng ở nước ta nhiều năm qua với con số thực sự đáng lo ngại.

Thị trường OTT Việt Nam đã tăng gấp 4 lần so với năm 2020 lên gần 4 triệu người. (Ảnh minh họa)


"Thực tế, ở Việt Nam, người dùng vẫn có xu hướng thích dùng nội dung không có bản quyền hay nói đúng hơn là nội dung lậu. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến các đơn vị cung cấp nội dung", ông Hoàng Đình Trung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số, Hội Truyền thông số Việt Nam, cho biết.

Độ tuổi vi phạm nhiều nhất là 18 - 24 khi tỷ lệ sử dụng nội dung lậu lên tới 65%. Lý do cơ bản là các website lậu sẵn sàng cung cấp nội dung với giá rất rẻ hoặc thậm chí miễn phí chỉ để lấy người dùng.


"Ví dụ, như những bộ phim gần đây, nhà sản xuất tốn hàng chục tỷ đồng để sản xuất. Tuy nhiên khi đối tượng đánh cắp, ngay lập tức họ upload lên mạng xã hội và với một nội dung đó họ chỉ thu vài triệu đồng tiền quảng cáo. Như vậy, họ sẵn sàng vì cái lợi vài triệu đồng, hủy hoại cả tương lai của một đơn vị", ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Công ty CP truyền thông đa phương tiện Thủ đô, cho hay.


Theo các chuyên gia, vi phạm bản quyền là một bài toán chưa có một giải pháp triệt để nào. Ngay cả những đơn vị có đầy đủ công cụ công nghệ cũng đang gặp khó.

"Vì chúng tôi là công ty công nghệ, tuy nhiên không ăn thua. Chúng tôi có thể chặn được phần lớn, phần lớn thôi, vì những nơi họ làm lậu hiện nay họ có nhiều biện pháp ngày càng tinh vi hơn thậm chí họ tổ chức phát từ nước ngoài để khách hàng trong nước xem việc này chúng tôi rất khó chặn", ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom, nhận định.

Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, thị trường OTT Việt Nam đã tăng gấp 4 lần so với năm 2020 lên gần 4 triệu người, nhưng doanh thu của doanh nghiệp nội chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Nếu vấn đề bản quyền và quản lý không được xử lý triệt để thì cơ hội lớn nhưng khả năng thành công của OTT nội lại không đáng là bao.

Với tỷ lệ người dùng Internet đến 70%, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn các nền tảng OTT TV, nhưng thị trường này đang bị đe dọa bởi các OTT ngoại chưa được cấp phép.

Chia sẻ Facebook