Vì một mùa đông không lạnh, Đức lên kế hoạch duy trì hoạt động hai nhà máy điện hạt nhân
Vì một mùa đông không lạnh, Đức lên kế hoạch duy trì hoạt động hai nhà máy điện hạt nhân
Sự trở lại của điện hạt nhân ở Đức?
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 27/9 cho biết, Đức sẽ duy trì hoạt động của hai trong số ba nhà máy điện hạt nhân còn lại của mình cho đến ít nhất là tháng 4/2023.
Ông Habeck cho biết, hai lò phản ứng hạt nhân đặt tại các bang phía nam của nước này, Isar 2 ở Bavaria và Neckarwestheim ở Baden-Württemberg, sẽ tiếp tục hoạt động cho đến giữa tháng 4 năm sau.
Các quan chức Đức vào đầu tháng này từng cho biết, họ sẽ giữ nguyên kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân vào cuối năm nay, nhưng có thể lựa chọn phương án kích hoạt lại chúng trong trường hợp suy giảm năng lượng nghiêm trọng.
Theo hãng truyền thông DW của Đức, nước này đã đóng cửa ba lò phản ứng hạt nhân vào năm 2021, và việc đóng cửa ba lò còn lại sẽ chính thức đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn sử dụng lò phản ứng hạt nhân để sản xuất điện tại Đức, mà lần đầu tiên được bắt đầu dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel.
"Các nhà điều hành sẽ thực hiện tất cả các bước chuẩn bị cần thiết để các nhà máy điện hạt nhân ở miền nam nước Đức sản xuất điện vào mùa đông cho đến cuối năm, đương nhiên phải tuân thủ các quy định an toàn".
Tiếp tục tìm nguồn cung năng lượng thay thế
Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Liên bang Đức hồi đầu tháng này cho biết, họ lo ngại về tình hình điện của Đức trước mùa đông.
Đức - quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga cho đến khi xảy ra xung đột ở Ukraine - đã và đang tìm kiếm các nguồn cung cấp năng lượng thay thế.
RWE - nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của Đức - hôm 25/9 thông báo rằng, họ đã ký một thỏa thuận với Công ty Dầu mỏ Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC - UAE) để cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) vào cuối tháng 12.
Thông báo được đưa ra khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz thăm Ả Rập Xê Út, UAE và Qatar vào cuối tuần qua.
Theo hãng truyền thông DW, thảm họa năng lượng mà Đức và Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt trong mùa đông này đã thu hút sự chú ý của quốc tế vì Nga từng cung cấp tới 40% khí đốt cho EU trước khi triển khai hoạt động quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Đức sau đó đã đóng băng việc phê duyệt kích hoạt đường ống Nord Stream 2 vào tháng 2 để đáp trả hành động của Nga tại Ukraine. Và đến đầu tháng này, Nga cho biết, họ sẽ không tiếp tục cung cấp khí đốt cho EU thông qua đường ống Nord Stream 1.
Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng hơn gấp đôi so với hồi đầu năm do nguồn cung từ Nga giảm. Nhưng cách đây vài ngày, Bộ trưởng Kinh tế Đức Habeck bày tỏ sự tự tin rằng, nước này sẽ trải qua mùa đông một cách "thoải mái" nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch.