Vị luật gia với "cái lý cái tình" khi trợ giúp pháp lý cho người dân
Qua hàng chục năm tham gia tư vấn pháp luật cho người dân, luật gia Phan Văn Tân luôn hướng sự việc tới “cái lý cái tình”, mang đến điều tốt nhất cho người dân.
Tư vấn những điều tốt nhất cho người dân
Từ bỏ công việc cũ sau nhiều năm gắn bó, năm 1995 ông Phan Văn Tân quyết định chuyển tới công tác tại Hội luật gia Việt Nam để gắn liền với đam mê “tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý” cho người dân.
Đến nay, dù gần 80 tuổi, ông Tân vẫn công tác với cương vị Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật, Hội Luật gia Tp. Hà Nội. Thường ngày, ông vẫn nhận trợ giúp pháp lý miễn phí cho những trường hợp hộ nghèo, đối tượng chính sách.
Luật gia Tân cho rằng, tư vấn pháp luật đòi hỏi sự tỉ mỉ, người tư vấn phải tìm hiểu kỹ vấn đề, từ đó đưa ra những lời khuyên tốt nhất cho người dân. Hơn hết, phải luôn giữ vững tinh thần “thượng tôn pháp luật”.
Từ quan điểm trên, ông cho biết, không phải lúc nào cũng tư vấn theo ý muốn của người dân mà phải là những điều tốt nhất cho họ.
Luật gia Trần Văn Tân thường xuyên tham gia vào công tác tuyên truyền pháp luât, trợ giúp pháp lý cho người dân.
Nhớ về vụ việc như vậy, ông cho biết đó là vào năm 2016, Trung tâm tiếp nhận yêu cầu tư vấn của nữ giảng viên đại học. Nội dung là cô không muốn ly hôn vì hiện đang "dở việc" lên cao.
Tập trung đi học khiến kinh tế eo hẹp, cô sợ sợ nếu ly hôn lúc đó sẽ không lo được cho con, trong khi mối quan hệ giữa bố con vốn không được tốt. Việc chồng liên tục gây sức ép ly dị làm cô căng thẳng, ảnh hướng đến tâm lý, học tập.
Luật gia Tân tiếp tục tìm hiểu đời sống vợ chồng của cô giảng viên trong nhiều năm. Sau khi “bắt mạch” được nội tình câu chuyện, ông đã khuyên cô li dị.
Sau khi ông “kê đơn”, người vợ tỏ ra ngạc nhiên và tỏ thái độ thất vọng. Thế nhưng, với tư vấn bao trùm sự đồng cảm, vừa xoa dịu nỗi đau, vừa vực lại lý trí đã khiến thân chủ thấy rõ vấn đề. Từ đó chấp nhận viễn cảnh và đồng ý thuận tình ly hôn.
“Sau khi được “giải thoát” cuộc sống của họ đều tốt hơn, người vợ có thể tập trung cho học tập, người chồng cũng đối xử với con gái tốt hơn”, luật gia Tân chia sẻ.
Cái lý - cái tình trong vụ tranh chấp là người thân
Nhiều người vẫn thường nói “vô phúc đáo tụng đình”, cùng với đó là quan niệm “chín bỏ làm mười” nên việc đưa nhau ra kiện cáo là chuyện không ai mong muốn.
Bởi vậy, các vụ án là người thân, thậm chí anh em ruột thịt mà kiện cáo nhau thường rất phức tạp, họ đã xác định chẳng ai nhường ai.
Theo luật gia Tân, với các trường hợp như vậy, ngoài tính pháp lý thì người tư vấn cần đặt nặng vấn đề đạo lý. Từ đó, giúp hai bên hoà giải được mới là tốt nhất.
Trường hợp ông từng tư vấn cho một Tiến sĩ nông học tại Hoà Bình là một điển hình. Theo đó, năm 2003, ông ấy cùng em gái (đang định cư tại Bỉ) góp tiền mua một quả đồi hoang sơ.
Sau gần 20 năm, người anh bỏ công sức biến khu đất hoang thành “vườn sinh thái”. Lúc này, cô em gái yêu cầu được chia đôi toàn bộ tài sản trên mảnh đất.
Luật gia Trần Văn Tân luôn quan niệm phải học hỏi không ngừng để nâng cao trình độ, năng lực bản thân.
Hai bên nảy sinh mâu thuẫn cao độ vì sau nhiều lần trao đổi không thể tìm được tiếng nói chung. Sau khi hiểu rõ vấn đề, ông Tân quyết định phải dùng “cả lý cả tình” để giải quyết.
Trong đó “phần tình” được phân tích cặn kẽ. Ông chỉ ra rằng, khi đã kiện cáo nhau thì ù ai thắng, ai thua cũng đều đánh mất tình anh em. Tình cảm gia đình là điều thiêng liêng không thể đánh đổi được.
Nắm được tinh thần này, nên sau khi nhận được văn bản phân tích của ông Tân, người anh tiếp tục gửi cho các cụ cao niên trong dòng họ. Trước những lý lẽ “thấu tình đạt lý”, các cụ đã đồng thuận ký tên, khuyên cô em gái chập thuận phương án được tư vấn.
“Nhận được văn bản gửi sang, người em đã chấp thuận không tranh chấp với anh trai, đồng tình với phương án người anh trả lãi tiền gốc và tiền suất theo quy định ngân hàng”, luật gia Tân cho hay.
Phát huy tin thần không ngừng học hỏi
Với gần 30 công tác trong các cơ quan của Hội luật gia, ông Tân luân ý thức rằng, mỗi hội viên Hội luật gia Việt Nam cần “học hỏi không ngừng theo kịp tình hình”. Bởi, xã hội thay đổi từng ngày, các bộ luật, thông tư, nghị định, hướng dẫn cũng liên tục thay đổi và cập nhật, đòi hỏi mỗi Hội viên Hội luật gia phải học tập không ngừng.
Theo ông Tân, hiện vẫn tồn tại những cán bộ tại chính cơ quan Nhà nước còn thiếu tinh thần thượng tôn pháp luật. Điều này mang đến nhiều bất cập, bức xúc cho người dân.
Ông ví dụ, nhiều trường hợp khi Trung tâm tham gia trợ giúp pháp lý cho người dân nhưng cơ quan tố tụng chậm giải quyết, dẫn đến khiếu kiện, tranh chấp kéo dài. Chỉ khi báo chí phản ánh thì vụ việc đơn mới được giải quyết.
Luật gia Tân cho rằng, mỗi Hội viên Hội luật gia cần phát huy hơn nữa vai trò trong bối cảnh mới, đội ngũ Hội viên rộng khắp cả nước cần phát huy và nêu cao hơn nữa tinh thần thượng tôn pháp luật trong mỗi cơ quan, tổ chức.