Vi khuẩn đường ruột có thể là 'khởi nguồn' của các cảm giác thèm ăn khác nhau ở người
Nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Mỹ cho biết, vi khuẩn đường ruột của con người có thể là lý do khiến con người thèm ăn.
Khi chúng ta lên kế hoạch cho những loại thực phẩm chúng ta muốn ăn hàng ngày, các quyết định mà chúng ta đưa ra có thể không đến từ "lệnh của não". Giờ đây, một thí nghiệm trên chuột tại Đại học Pittsburgh, Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng vi khuẩn đường ruột của động vật có thể ảnh hưởng đến sự lựa chọn chế độ ăn uống của chúng, với vi khuẩn sản xuất ra các chất khiến động vật thèm ăn một số loại thức ăn.
Kevin Kohl, phó giáo sư tại Khoa Sinh học tại Đại học Pittsburgh, cho biết: "Tất cả chúng ta đều có một số sự thôi thúc thèm ăn - thèm ăn salad hoặc thèm thịt, và nghiên cứu mới cho thấy rằng các loại vi khuẩn đường ruột khác nhau ở động vật có thể quyết định sự lựa chọn thức ăn của chúng".
Mặc dù các nhà khoa học đã suy đoán trong nhiều thập kỷ về việc liệu vi khuẩn đường ruột có ảnh hưởng đến sở thích ăn uống của chúng ta hay không, nhưng mãi cho tới gần đây, ý tưởng này mới được thử nghiệm trên động vật có vú. Kevin Kohl và đồng nghiệp của mình - Brian Trevelline đã tiến hành một thí nghiệm đặc biệt, trong đó 30 con chuột thiếu vi khuẩn đường ruột được tiêm hỗn hợp vi khuẩn đường ruột từ ba nhóm chuột hoang dã với các chế độ ăn khác nhau.
Kevin phát hiện ra rằng mỗi nhóm chuột tham gia thí nghiệm sẽ có sự chọn lựa thực phẩm giàu chất dinh dưỡng khác nhau, điều này cho thấy rằng vi khuẩn đường ruột được tiêm đã thay đổi sở thích ăn uống trước đây của chúng. Các phát hiện gần đây đã được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ.
Mặc dù ý tưởng rằng hệ vi sinh vật ảnh hưởng đến hành vi của con người nghe có vẻ xa vời, nhưng các nhà khoa học đã thực hiện một cách tiếp cận khoa học nghiêm túc. Trên thực tế, ruột và não của con người liên tục giao tiếp với nhau, với một số phân tử nhất định đóng vai trò là "trung gian". Các sản phẩm phụ tiêu hóa trong ruột có thể chỉ ra rằng người đó đã ăn đủ thức ăn hoặc cần một chất dinh dưỡng nhất định. Đồng thời, vi khuẩn đường ruột có thể tạo ra một số "phân tử trung gian" có thể chiếm đoạt các đường liên lạc ban đầu của ruột và não từ đó thay đổi ý nghĩa của thông điệp.
Thông thường, đối với những người đã từng ăn thịt gà tây, trong cơ thể của họ sẽ có một phân tử truyền tin rất quen thuộc - tryptophan. Tryptophan là một phân tử axit amin thiết yếu có mặt ở khắp nơi trong thức ăn của gà tây và cũng được sản xuất bởi các vi khuẩn đường ruột. Brian Trevelline cho biết: "Khi tryptophan đi vào não, nó sẽ được chuyển đổi thành serotonin, một tín hiệu quan trọng rất quan trọng đối với sự hài lòng sau bữa ăn, và cuối cùng nó được chuyển hóa thành melatonin, khiến mọi người cảm thấy buồn ngủ".
Trong nghiên cứu mới nhất này, Brian và Kevin đã chỉ ra rằng những con chuột có hệ vi sinh vật đường ruột khác nhau sẽ có nồng độ tryptophan trong máu khác nhau, và chúng thậm chí sẽ lựa chọn các loại thức ăn khác nhau. Đồng thời, họ phát hiện ra rằng máu có nồng độ tryptophan càng cao thì càng có nhiều vi khuẩn đường ruột.
Brian Trevelline nói rằng đây là bằng chứng thuyết phục và kết luận rằng tryptophan chỉ là một đầu mối trong mạng lưới liên lạc hóa học phức tạp. Có thể có hàng chục tín hiệu ảnh hưởng đến hành vi ăn hàng ngày. Tryptophan do vi sinh vật tạo ra có thể chỉ là một yếu tố, nhưng là một lời giải thích hợp lý, là vi khuẩn đường ruột có thể thay đổi lựa chọn chế độ ăn uống của chúng ta. Mặc dù các nhà khoa học đã cố gắng thiết lập và hoàn thiện lý thuyết trong nhiều năm, nhưng đây chỉ là một trong số ít các thí nghiệm nghiêm ngặt để chứng minh mối liên hệ giữa ruột và não.
Kevin cho biết: "Có nhiều yếu tố quyết định sự lựa chọn chế độ ăn uống của mọi người, và thực phẩm ăn ngày hôm trước có thể quan trọng hơn hệ vi sinh vật đường ruột".
Ông cũng chỉ ra rằng đây có thể chỉ là một hành vi mà vi sinh vật thay đổi mà chúng ta không biết. Đây là một lĩnh vực khám phá mới và vẫn còn rất nhiều kiến thức cần tìm hiểu để khám phá.