Vị hiền nhân người Việt làm tể tướng Trung Hoa

Chia sẻ Facebook
23/07/2023 08:29:18

Lịch sử có chép về câu chuyện Khương Công Phụ khảo thí tại Trường An, đỗ đầu trên bảng vàng, rồi làm quan cho nhà Đường tới chức tể tướng...


Vào triều đại nhà Đường của Trung Hoa, nước Việt vẫn đang nằm trong thời kỳ Bắc thuộc, nhưng không phải vì thế mà chúng ta thiếu đi nhân tài. Trong lịch sử có ghi chép về câu chuyện hai anh em họ Khương ở xứ An Nam sang tận kinh đô nhà Đường khảo thí cùng các anh tài của Trung Quốc thời bấy giờ. Cả hai đều đỗ tiến sĩ, trong đó có một người đỗ đầu trên bảng vàng, rồi làm quan cho nhà Đường tới chức tể tướng.

Theo gia phả của chi tộc họ Khương ở Yên Định, Thanh Hóa, thì dòng họ Khương nổi lên từ thời của Khương Thần Dực. Bấy giờ, ông được bổ nhiệm làm Thứ Sử vùng đất Ái Châu (tức Thanh Hóa ngày nay). Con của Khương Thần Dực là Khương Văn Đĩnh làm quan đến huyện thừa tiến sĩ. Ông sinh được hai người con trai là Khương Công Phụ và Khương Công Phục, cả hai anh em đều rất kháu khỉnh.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Tài không đợi tuổi

Hai anh em Công Phụ và Công Phục từ nhỏ đã thể hiện thiên tư tuyệt vời, nên ông Khương Văn Đĩnh rất vui mừng tìm thầy giỏi dạy học cho hai con. Trong hai anh em thì người anh Khương Công Phụ có sức học khiến thầy phải kinh ngạc, chẳng mấy chốc đã thông tỏ Tứ thư Ngũ kinh; ý nghĩa thâm sâu trong Kinh Thư, Kinh Lễ cũng được cậu diễn giải thông suốt. Tiếng tăm về sức học của Công Phụ khiến người dân quanh vùng đều biết, thậm chí các quan nhà Đường ở quận Cửu Chân đều nể phục cậu bé.

Sau khi học thành tài, hai anh em Công Phụ và Công Phục tham gia kỳ thi quận. Năm ấy chỉ có 8 sĩ tử đứng đầu An Nam (tên gọi dành cho nước Việt dưới thời nhà Đường) mới được sang Trường An – kinh đô của nhà Đường để thi tiếp.

Qua các kỳ thi khảo hạch, bất kể là câu hỏi thuộc chủ đề nào, anh em Công Phụ và Công Phục đều làm bài trôi chảy, lời văn mạch lạc khúc chiết, diễn giải thâm sâu, khiến chốn quan trường tại An Nam vô cùng kinh ngạc. Kết quả Khương Phụ đứng đầu trong 8 sĩ tử và cùng em mình được chọn đến dự thi khoa thi tiến sĩ ở Trường An vào năm 758.

Chinh phục Trường An

Trường An – kinh đô nhà Đường – là một trong những nơi văn minh bậc nhất thế giới ở thời điểm đó. Giữa phố phường tấp nập ngựa xe, các sĩ tử Trung Hoa mang dáng vẻ cao ngạo khi tiếp xúc với những sĩ tử từ phương xa tới. Thông thường các giám khảo cũng có xu hướng đánh giá các sĩ tử phương Bắc cao hơn.

Thế nhưng trong khoa thi năm 758, Khương Công Phụ với tài năng thông tuệ của minh đã vượt qua các kỳ thi sát hạch khó khăn nhất. Trí tuệ của Công Phụ đã chinh phục ngay cả những giám khảo khó tính nhất, khiến tất cả đều kinh ngạc.


Bài thi “Đối trực ngôn cực gián” của Công Phụ xuất sắc đến nỗi tất cả các giám khảo đều phải thừa nhận và khâm phục thí sinh xứ An Nam. Kết quả, hai anh em Công Phụ, Công Phục cùng đậu tiến sĩ, đặc biệt Khương Công Phụ đã vượt lên hàng ngàn sĩ tử, đứng đầu bảng vàng, đoạt lấy khôi nguyên tiến sĩ cả nước Đại Đường.

Tể tướng Trung Hoa


Ngay sau kỳ thi, Khương Công Phụ được hoàng đế Đường Túc Tông (756 – 762) phong quan chức “hiệu thư lang” ; còn người em là Khương Công Phục làm “lang trung bộ Lễ” rồi “bắc bộ thị lang”.


Với phẩm cách hơn người, Công Phụ đã có nhiều chính sách và công lao lớn, khiến Hoàng đế tin tưởng phong chức làm “tả thập di” , chuyên việc giám sát công việc các quan trong triều.

Tể tướng Khương Công Phụ. (Tranh qua Baike)


Mỗi khi yết triều, Khương Công Phụ đối đáp trôi chảy mạch lạc, ứng xử thông minh, diễn giải mọi việc thâm sâu, khiến các quan trong triều đều khâm phục. Vì thế ông được mời vào viện Hàn lâm làm “hàn lâm học sĩ” kiêm chức “kinh triệu hộ tào tham quân”.

Năm 783, nhà Đường có biến, quân Kinh Nguyên tấn công thành Trường An khiến Đường Đức Tông phải rời khỏi kinh thành, sau lại có thêm Chu Thử làm phản tự xưng đế.


Khương Công Phụ năm ấy đã 50 tuổi, theo Hoàng đế nhiều lần can gián, lập công lớn. Đức Tông khi nhìn lại sự việc thấy các lời can gián và tiên đoán của Khương Công Phụ đều chính xác cả, cảm thấy nuối tiếc vì bản thân mình nhiều lần không nghe lời Công Phụ. Từ đó, Hoàng đế tin tưởng phong cho Công Phụ làm “gián nghị đại phu”, “đồng trung thư môn hạ bình chương sự” , chính là hàm tể tướng.

Về công lao can gián Hoàng đế trong cuộc phiến loạn này, Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép như sau:


…(Khương Công Phụ) từng xin giết Chu Thử, vua Đường không nghe. Không bao lâu Kinh sư có loạn, vua Đường từ cửa Thượng Uyển đi ra, Công Phụ giữ ngựa lại can rằng: “Chu Thử từng làm tướng ở đất Kinh đất Nguyên, được lòng quân lính, vì Chu Thao làm phản nên bị vua cất mất binh quyền, ngày thường vẫn uất ức, xin cho bắt đem đi theo, chớ để cho bọn hung ác đón được” . Vua Đường đương lúc vội vàng không kịp nghe, trên đường đi lại muốn dừng lại ở Phượng Tường để nương nhờ Trương Dật. Công Phụ can rằng: “Dật tuy là bề tôi đáng tin cậy, nhưng là quan văn, quân đột kỵ ở Ngư Dương do ông ta quản lĩnh đều là bộ khúc của Chu Thử. Nếu Thử thẳng đến Kinh Nguyên làm loạn, thì ở nơi ấy không phải kế vạn toàn” . Vua Đường bèn đi sang Phụng Thiên. Có người báo tin Thử làm phản, xin vua Đường phòng bị. Vua Đường nghe lời Lư Kỷ xuống chiếu cho quân các đạo đóng cách xa thành một xá, muốn đợi Thử đến đón. Công Phụ nói: “Bậc vương giả không nghiêm việc vũ bị thì lấy gì để oai linh được trọng. Nay cấm binh đã ít người mà quân lính người ngựa đều ở bên ngoài, thần lấy làm nguy cho bệ hạ lắm” . Vua Đường khen là phải, cho gọi hết vào trong thành. Quân của Thử quả nhiên kéo đến, đúng như lời của Công Phụ. Vua Đường bèn thăng cho Phụ làm gián nghị đại phu, đồng trung thư môn hạ bình chương sự….


Một người con của xứ An Nam lại làm tể tướng đứng đầu cả một triều đình phương Bắc, chỉ dưới Hoàng đế – đây quả là sự kiện có một không hai trong lịch sử. Người Việt có thể tự hào khi có một vị hậu duệ nhà Trần trở thành Hoàng đế Trung Hoa, và cũng có thể tự hào về một hiền nhân làm quan tể tướng đầu triều thời nhà Đường. (Xem bài: Hậu duệ nhà Trần của Đại Việt trở thành Hoàng đế Trung Hoa? )

Trực ngôn can gián

Năm 784, công chúa Đường An chẳng may chết yểu. Quá thương con, Hoàng đế ra lệnh xuất tiền công khố để xây tháp vô cùng nguy nga lộng lẫy. Thế nhưng tể tướng Khương Công Phụ lại thẳng thắn can ngăn.


Đang lúc thương tiếc con, lại nghe phải lời trái tai của Công Phụ, Hoàng đế đã tức giận giáng chức ông xuống làm “tả thứ tử” (chức quan dưới quyền thái tử, công việc là coi giữ sổ sách cho thái tử trong cung) nhưng vì mẹ mất nên ông được giải chức về chịu tang.


Sách “An Nam chí lược” có ghi chép chuyện can gián của Khương Công Phụ như sau:


Công Phụ can rằng: “Sơn Nam không phải là nơi ở lâu dài, vả lại nên tiết kiệm để giúp vào khoản cần cấp của việc quân” . Vua bảo Lục Chí rằng: “Công Phụ muốn chỉ trích lỗi lầm của Trẫm để cầu danh mà thôi” . Lục Chí tâu rằng: “Công Phụ làm quan gián nghị, giữ chức tể tướng, bày điều phải, sửa điều trái, chính là bổn phận. Đặt gia phụ thần ở tả hữu để sớm tối nghe lời can ngăn. Thấy cơ nguy thì giúp đỡ ngay, ấy việc của Phụ Thần là như thế” . Vua nói: “ Không phải” . Vua bèn đổi Công Phụ làm thái tử tả thứ tử.

Năm Quý Dậu (793), Khương Công Phụ bị sai đi biệt giá ở Tuyền Châu (tỉnh Phúc Kiến). Ông sống ở đây 14 năm, tự làm nhà dưới chân núi Cửu Nhật Sơn (thuộc huyện Nam Yên), kết bạn với một vị quan ở ẩn khác là Tần Hệ. Hai người có cảnh ngộ giống nhau, ngày ngày đi dạo chơi ngắm cảnh sông núi, ngâm thơ, xướng hoạ.

Năm 805, vua Đường Thuận Tông lên ngôi, bãi bỏ các chính sách hủ bại thời Đường Đức Tông, phế truất tham quan, hạn chế quyền lực hoạn quan.

Vua Đường Thuận Tông trọng dụng nhân tài, vì thế mà Khương Công Phụ lại được vời ra làm quan. Thế nhưng do tuổi cao nên chưa kịp nhận chức thì ông đã mất năm 805, thọ 73 tuổi. Vì xa vợ con, xa gia đình nên Công Phụ đã được người bạn thân là Tần Hệ chôn cất ở núi Cửu Nhật Sơn.

Tưởng nhớ


Khi Khương Công Phụ ở Tuyền Châu, người dân địa phương đã tự nguyện xây 2 ngôi đình ở bên ngoài về phía Đông của châu thành để kỷ niệm nơi ông cùng quan thứ sử Tuyền Châu từng đến dạo chơi. Về sau người dân còn xây một ngôi đền thờ Khương Công Phụ và Tần Hệ tại sườn phía Tây núi Cửu Nhật Sơn, và đặt tên một chóp núi cao là “Khương tướng phong” để kỷ niệm nơi Công Phụ đến ở ẩn. Bên chóp núi “Khương tướng phong”“Khương tướng mộ” (hiện nay mộ phần vẫn còn, còn cả bia ghi lại kỳ tích của Khương Công Phụ bằng chữ Hán).

Tấm bia kỷ niệm về Khương Công Phụ. (Ảnh qua Website gia tộc họ Khương)

Ngày nay ở Thanh Hóa dòng họ Khương có lập đền thờ Khương Công Phụ tại vị trí ngay trên nền nhà cũ của ông ở làng Tường Vân, xã Định Thành, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Vào ngày 10/3 hàng năm, lễ giỗ Khương Công Phụ được tổ chức ở xã Định Thành với sự tham gia của đông đủ con cháu họ Khương, người dân trong làng, cùng người dân ở nhiều nơi khác. Tại đây, lớp lớp con cháu lại được nghe kể về kỳ tích của ông.

Sắc phong tại đền thờ Khương Công Phụ. (Ảnh qua viensuhoc.vass.gov.vn)

Đền thờ của Khương Công Phụ còn lưu lại câu đối của đốc học Lê Văn Thạc:


Phong vũ dĩ tồi công chúa tháp
Hải vân trường chiếu trạng nguyên từ.

Dịch là:


Gió mưa đã nát tháp công chúa
Mây biển soi mãi đền trạng nguyên


Trần Hưng


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook