Vì đâu Vietcombank mất ngôi vương lợi nhuận vào tay VPBank?
Kết thúc quý I, VPBank đã chính thức vượt qua Vietcombank để trở thành đơn vị có lợi nhuận hợp nhất lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Vietcombank mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý I với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 9.950 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Dù vẫn giữ được đà tăng trưởng nhưng Vietcombank đã bị VPBank lấy mất vị trí quán quân lợi nhuận hợp nhất khi nhà băng này ghi nhận khoản lãi kỷ lục 11.146 tỷ đồng, gấp gần 2,8 lần cùng kỳ 2021.
Đây là lần đầu tiên VPBank có lợi nhuận hợp nhất cao hơn Vietcombank. Trước đó, VPBank mới chỉ vượt qua Vietcombank về lợi nhuận riêng lẻ nhờ ghi nhận khoản 24.000 tỷ đồng lợi nhuận từ chuyển nhượng vốn tại FE Credit trong năm 2021.
Nguyên nhân chính giúp lợi nhuận hợp nhất VPBank bứt tốc trong quý I năm nay đến từ khoản thu nhập 7.110 tỷ đồng đến từ hoạt động kinh doanh khác, chủ yếu là khoản phí hỗ trợ từ thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm giữa VPBank và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam. Trong khi tại Vietcombank, thu nhập khác chỉ ở mức 484 tỷ đồng, chưa bằng 7% so với con số mà VPBank đạt được.
Với khoản thu đột biến này, tổng thu nhập hoạt động của VPBank đạt trên 18.270 tỷ đồng, cao hơn 1.536 tỷ so với Vietcombank. Trong khi đó, chi phí hoạt động của ngân hàng chỉ ở mức 2.991 tỷ, thấp hơn nhiều so với 4.509 tỷ đồng của ''ông lớn'' trong nhóm Big4.
Kết quả, lợi nhuận thuần của VPBank đạt 15.279 tỷ đồng, cao hơn 3.054 tỷ so với Vietcombank. Với sự vượt trội về lợi nhuận thuần, dù phải trích lập dự phòng nhiều hơn gần 1.900 tỷ, VPBank vẫn có được con số lợi nhuận trước thuế nhỉnh hơn 1.200 tỷ so với đối thủ.
Điểm mấu chốt giúp VPBank giành được ''ngôi vương'' lợi nhuận quý I đến từ khoản thu bất thường của hợp đồng bancassurance. Tuy nhiên nếu loại trừ ảnh hưởng của yếu tố này, thu nhập hoạt động của VPBank sẽ không thể bằng Vietcombank khi lãi thuần của hầu hết mảng kinh doanh chính đều kém khá xa.
Cụ thể, nguồn thu chính của VPBank là thu nhập lãi thuần ít hơn Vietcombank gần 2.100 tỷ; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ kém gần 1.500 tỷ; hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ 83 tỷ trong khi Vietcombank lãi 1.522 tỷ; lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh lỗ 66 tỷ. Mảng hiếm hoi VPBank nhỉnh hơn Vietcombank là chứng khoán đầu tư với khoản lãi 172 tỷ đồng.
Sự vượt trội của Vietcombank đến từ quy mô tài sản gấp 2,6 lần VPBank. Trong đó, dư nợ cho vay gấp hơn 2,7 lần và quy mô danh mục chứng khoán gấp 1,8 lần. Ngoài ra, Vietcombank cũng có ưu thế hơn khi sở hữu mạng lưới hoạt động trải khắp ở trong và ngoài nước, đi cùng quan hệ sâu rộng với các doanh nghiệp Nhà nước.
Ngân hàng nào sẽ là quán quân lợi nhuận năm 2022?
Tại đại hội cổ đông thường niên 2022, Vietcombank đặt mục tiêu tăng lợi nhuận tối thiểu 12% so với mức thực hiện năm 2021, tương đương mức trên 30.676 tỷ đồng. Kết thúc 3 tháng đầu năm, Vietcombank đã thực hiện được 1/3 kế hoạch lợi nhuận tối thiểu.
Trong khi đó, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 107% lên khoảng 29.700 tỷ đồng và đã hoàn thành được gần 38% sau quý I.
Với kế hoạch đề ra và những gì thực hiện được, khó có thể khẳng định chắc chắn ngân hàng nào sẽ trở thành quán quân lợi nhuận khi kết thúc năm 2022. Tuy nhiên, lợi thế có vẻ đang nghiêng về Vietcombank khi con số 30.700 tỷ chỉ là mức lãi tối thiểu mà ban lãnh đạo ngân hàng hướng tới.
Chia sẻ với cổ đông tại đại hội vừa qua, Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng hoàn toàn tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm, duy trì mục tiêu tổ chức tín dụng có hiệu quả và chất lượng tốt nhất như những năm qua.
Ngoài ra, với kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc 1 tổ chức tín dụng yếu kém, Vietcombank dự kiến nhận được một loạt ưu đãi từ Ngân hàng Nhà nước…. Trong đó, ngân hàng sẽ không bị giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm nếu đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định; đồng thời sẽ được phép mở rộng thêm các chi nhánh, phòng giao dịch.
Trong khi đó, VPBank khó có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như quý I do không còn khoản thu nhập bất thường từ bancassurance trong thời gian tới. Dù vậy, ngân hàng vẫn có thể hoàn thành kế hoạch đề ra khi đang tích cực mở rộng hệ sinh thái sang mảng chứng khoán và bảo hiểm.
"Trong quý I có khoản thu bất thường từ hợp tác nâng tầm với đối tác bảo hiểm, tuy nhiên ngay cả khi trừ các khoản này, kết quả kinh doanh vẫn đạt được dựa trên nền tảng đã xây dựng. Đây là áp lực rất lớn với Ban lãnh đạo ngân hàng nhưng chúng tôi đã có chiến lược cụ thể, định hướng rõ các động lực tăng trưởng và tự tin vào kế hoạch" - Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh khẳng định.