Vì đâu “Cánh đồng lớn” không lớn?

Chia sẻ Facebook
20/09/2022 15:50:41

“Cánh đồng lớn” (CĐL), trước đây là “Cánh đồng mẫu lớn”, là cánh đồng lúa được nông dân trồng một loại giống lúa xác nhận; nông dân được doanh nghiệp (DN) cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, bao tiêu sản phẩm… Mô hình này từng được xem là “hình mẫu tối ưu” cho mối liên kết “bốn nhà” trong sản xuất - tiêu thụ lúa gạo, tuy nhiên hiện cũng bộc lộ những bất cập nhất định trong quá trình triển khai.


Mô hình CĐL được thí điểm lần đầu tiên tại vụ Hè Thu 2011 ở vùng ĐBSCL và tỉnh Tây Ninh với diện tích liên kết trên 7.800ha. Những năm sau đó, diện tích sản xuất áp dụng mô hình này đã tăng mạnh, đến năm 2014, ở ĐBSCL có 146 nghìn ha, năm 2015 lên gần 200 nghìn ha.

Theo tính toán, mỗi ha lúa tham gia trong CĐL có thể giảm chi phí sản xuất từ 10- 15%, sản lượng tăng từ 20- 25%, thu lãi thêm 2,2- 7,5 triệu đồng. Tham gia CĐL, người sản xuất được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, được hỗ trợ kỹ thuật, hạn chế rủi ro. Còn DN chủ động được nguyên liệu, tạo điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh…


Vì đâu?

Khi tham gia liên kết, các nhà (cụ thể ở đây là nhà nông với nhà DN) khó “chốt” thỏa thuận giá cả, trong khi nhà nước chỉ đóng vai trò trung gian, vận động là chính chứ không can thiệp được. Theo ông Phạm Văn Hậu (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), nông dân muốn liên kết với DN và phải sòng phẳng về tiền bạc, trong khi DN bao tiêu nhưng chậm trả tiền, hay có trường hợp DN này đứng ra bao tiêu nhưng giao lại cho DN khác mua lúa với giá thấp hơn giá thị trường. Vậy là “kèo” bị hủy, đường ai nấy đi…

Ông Dương Văn Chín (Tập đoàn Lộc Trời) cho rằng, quan điểm mô hình CĐL ban đầu rất tốt và được kỳ vọng sẽ tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, có chất lượng để thắng lợi trên thị trường. “Tuy nhiên, mô hình này khi phát động thì hô hào rất to nhưng lại thiếu kế hoạch rõ ràng. Nội dung thực hiện là gì, ai làm, tiền ở đâu và làm trong mấy năm... đều không được quy định cụ thể…”, ông Chín nói.

Trong khi đó, DN muốn liên kết để làm ăn lớn nhưng lại gặp khó về vốn. Theo ông Phạm Thái Bình (Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An), mô hình cánh đồng liên kết cần thiết và hiệu quả như vậy nhưng lại không mở rộng diện tích được, lý do nằm ở DN xuất khẩu gạo thiếu vốn để thực hiện mô hình. Khi không liên kết được thì việc DN tranh mua tranh bán để xoay vòng vốn là lẽ đương nhiên xảy ra.

Ông Huỳnh Tất Đạt - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết, mặc dù tỉnh đã có nhiều giải pháp mời gọi, giới thiệu những DN uy tín đến làm ăn với nông dân, nhưng tình hình liên kết tiêu thụ lúa giữa nông dân với DN vẫn còn khó khăn. Lý do là giữa công ty, DN và hợp tác xã, nông dân chưa thống nhất được phương án mua bán (giống, phương thức hợp tác, giá cả…).

Nông dân còn tập quán bán qua thương lái (trả tiền tại ruộng), chưa quen với hình thức liên kết cùng DN. Mặt khác, diện tích đất nông nghiệp ở một số nơi manh mún, sản xuất nhiều loại giống trong một xã, cho ra sản lượng không đồng nhất, khó khăn trong việc liên kết tiêu thụ.


Thiếu tiếng nói chung

Đại diện một DN chuyên kinh doanh lúa gạo cho rằng, giữa DN và người nông dân vẫn chưa có tiếng nói chung. Vẫn còn tình trạng khi giá lúa xuống thấp thì DN cố tình kéo dài thời gian thu mua để ép giá nông dân, ngược lại, khi giá lúa tăng cao thì nông dân lại “bẻ kèo” bán ra bên ngoài. Các bên mất lòng tin lẫn nhau khiến mô hình này không phát triển mạnh được.

“Chính tư duy ‘thương vụ và mùa vụ’ của những người trong cuộc đã khiến mối liên kết này không bền vững, dẫn đến khả năng phát huy mô hình CĐL kém. Cụ thể như, khi vào vụ Đông Xuân là vụ lúa có chất lượng gạo tốt nhất trong năm, DN tranh thủ ký hợp đồng với nông dân, nhưng khi bước sang vụ Hè Thu (gạo có chất lượng kém hơn) thì DN “trốn”...” - nguyên một lãnh đạo tỉnh ở ĐBSCL nói.

Việc xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa tại các tỉnh ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, chưa ổn định, thậm chí có chiều hướng giảm sút. Nông dân và DN chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro trong sản xuất kinh doanh. Tình trạng bẻ kèo, tranh chấp trong mua bán giữa người sản xuất và các đầu mối tiêu thụ chưa chấm dứt. Nhiều nơi, nông dân chủ yếu tự sản xuất và bán cho thương lái, chịu nhiều thua thiệt và rủi ro.

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, lý do quan trọng nhất khiến mô hình CĐL không phát triển là những người tổ chức (tức là DN) thiếu đầu ra. DN không chỉ khó tiếp cận được vốn, mà cho dù có vốn nhưng không tìm được đầu ra thì cuối cùng cũng thất bại. “Anh phải bán được thì ngân hàng mới cho anh vay tiếp, nếu không thì ai dám cho vay nữa. Mô hình CĐL muốn thành công phải xuất phát từ thị trường, nghĩa là DN phải biết khách hàng cần loại gạo gì, tiêu chuẩn ra sao..., khi đã có đầu ra thì DN mới quay sang hợp đồng sản xuất cùng nông dân với diện tích và tiêu chuẩn phù hợp” - ông Xuân phân tích.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, diện tích CĐL giảm do quá trình liên kết sản xuất lúa vẫn còn những khó khăn, tồn tại. Cụ thể: Do sản lượng lúa thu hoạch tập trung, nông dân bán lúa tươi nên các DN gặp nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị phương tiện vận chuyển, không đủ các thiết bị phơi sấy và kho chứa, lúa thu hoạch thường phải tập kết khoảng 4-5 ngày mới thu gom hết; một số diện tích lúa quá ngày thu hoạch 7-10 ngày mới cho cắt nên ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.

Về hợp đồng, mặc dù hai bên có hợp đồng thu mua, nhưng vẫn xảy ra trường hợp DN thu mua không kịp thì nông dân bán ra thương lái bên ngoài, sự biến động giá cả ngoài thị trường ảnh hưởng đến việc thu mua. Trong khi đó, còn thiếu một hành lang pháp lý phù hợp cho việc giải quyết tranh chấp trong liên kết giữa các nhà, đặc biệt là hợp đồng giữa nhà DN và nhà nông.

Chia sẻ Facebook