Vị công thần khai quốc nhà Nguyễn và 2 lần “khi quân phạm thượng”
Trong lịch sử, “khi quân phạm thượng” là tội lớn, nhiều người vì phạm tội này mà bị tru di. Ấy thế mà trong sử Việt, có một người hai lần tự ý cãi lệnh Vua mà không bị tội, thậm chí còn được khen thưởng. Đó chính là Lê Văn Duyệt.
Trong một lần bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Phúc Ánh chạy đến Tiền Giang và được gia đình ông Lê Văn Toại cưu mang. Sau đó ông Toại cho người con trai là Lê Văn Duyệt đi theo chúa Nguyễn. Lê Văn Duyệt dần dần thể hiện tài cầm quân của mình, trở thành Tả tướng quân.
Giả truyền quân lệnh
Tháng 1/1780, Nguyễn Phúc Ánh xưng Vương, làm chủ vùng đất Nam bộ.
Năm 1793, Nguyễn Vương lệnh cho xây dựng thành Diên Khánh ở Khánh Hoà nhằm ngăn quân Tây Sơn nam tiến.
Năm 1794, nhà Tây Sơn cử Trần Quang Diệu đưa quân đến đánh thành Diên Khánh. Là tướng tài, Trần Quang Diệu khiến quân Nguyễn khốn đốn và chuẩn bị tiến vào trong thành. Đúng lúc đó Nguyễn Vương cho quân từ Gia Định đến chi viện giải vây kịp thời.
Tháng 1/1795, nhà Tây Sơn lại cử Trần Quang Diệu thống lĩnh 15.000 quân thủy bộ đánh thành Diên Khánh. Quân Tây Sơn đánh chiếm các nơi rồi tiến đến thành Diên Khánh. Trần Quang Diệu cho quân đắp lũy cao vây chặt thành Diên Khánh, tướng quân Võ Tánh đốc thúc quân trong thành cố thủ, báo tin về Gia Định.
Lúc này trong thành Diên Khánh, quân Nguyễn thiếu thốn cực khổ. Nguyễn Vương cho người mang thư gấp lệnh Võ Tánh cố thủ chờ tiếp viện. Rồi đích thân Nguyễn Vương và các tướng sĩ đến giải vây cho thành Diên Khánh.
Quân Nguyễn Vương đến cửa Cù Huân thì cho bắn đại bác để báo hiệu cho quân trong thành Diên Khánh biết viện binh đã đến.
Nguyễn Vương cử các trướng tấn công đồn Lô Cương ở vùng biển Cù Huân, nhưng 10 ngày vẫn không sao chiếm được đồn này, trong khi thành Diên Khánh ngày càng lâm nguy.
Lê Văn Duyệt cùng Nguyễn Đức Xuyên cầm quân đánh đồn Lô Cương. Lê Văn Duyệt nghĩ ra kế “dương đông kích tây” , cho một cánh quân tấn công thẳng vào trước thành nhằm thu hút quân Tây Sơn, một cánh quân khác vòng ra phía sau thành trèo vào trong.
Nguyễn Đức Xuyên nói phải xin lệnh Nguyễn Vương, nhưng Lê Văn Duyệt thấy tình thế gấp gáp, giả rằng đã có quân lệnh. Hai tướng thực hiện theo kế ấy, nhờ đó mà hạ được thành.
Nguyễn Vương vào thành, Lê Văn Duyệt xin chịu tội vì giả truyền quân lệnh. Xét thấy nhờ việc này quân Nguyễn giành chiến thắng, mở đường giải vây cho thành Diên Khánh, nên Nguyễn Vương không trị tội mà còn ban thưởng.
Chống lại quân lệnh
Năm 1800, Trần Quang Diệu thống lĩnh 5 vạn quân cùng đại bác tiến đánh thành Quy Nhơn. Võ Tánh và Ngô Tùng Châu phải cho quân rút vào thành cố thủ rồi cho người báo tin về Gia Định. Trần Quang Diệu cho quân vây chặt thành.
Nguyễn Vương cho quân tiến đến Quy Nhơn và quyết định đánh thủy quân Tây Sơn ở đầm Thị Nại trước rồi giải vây cho thành Quy Nhơn.
Thời ấy thủy quân tạo nên sức mạnh giúp Tây Sơn hùng bá thiên hạ, rất nhiều tướng của Tây Sơn đều là đô đốc thủy quân. Đầm Thị Nại có cửa hẹp thông ra biển là nơi thủy quân Tây Sơn chọn làm đại bản doanh, nơi tập trung hết sức mạnh thủy quân Tây Sơn: 2.000 tàu chiến, trong đó có 3 chiến hạm Định Quốc Đại Hiệu hiện đại không kém gì các chiến hạm phương tây thời đó.
Tại cửa vào đầm Thị Nại, nhiều khẩu pháo hạng nặng được đặt trên Gành Ráng và Phương Mai, tạo thành thế phòng thủ vững chắc cho quân Tây Sơn. Nơi đây tập trung 24 ngàn quân do Vũ Văn Dũng chỉ huy.
Quân nhà Nguyễn gồm 4 chiến hạm hiện đại kiểu phương tây, mỗi chiến hạm có trên 300 người. Ngoài ra còn có 40 chiến hạm theo kiểu bản xứ. Các thuyền chèo bằng tay có 100 chiếc lớn và 200 chiếc nhỏ, quân lính có trên 8.000 người.
Đầm Thị Nại có cửa hẹp với trận địa pháo ở hai bên phòng thủ, để tiến vào trong đầm quân Nguyễn phải tiêu diệt trận địa pháo này. Đầu tháng Giêng năm 1801, gió nam thổi mạnh lợi thế để tấn công, quân nhà Nguyễn lên kế hoạch tiến đánh.
Để phá trận địa pháo bên phải, quân Nguyễn cho quân đổ bộ lên núi Tam Hòa, nhưng thất bại.
Để phá trận địa pháo bên trái, Lê Văn Duyệt cho 26 tàu Galley đến bắn phá tháp canh cùng các ụ pháo giữ cửa, rồi cho quân đổ bộ tấn công phá được.
Vũ Văn Dũng chỉ huy thủy quân Tây Sơn hay tin liền cho 30 tàu đến chi viện, Nguyễn Vương cũng cho thêm tàu đến. Lợi dụng thuận gió và thủy triều, quân Nguyễn tổng cấn công vào trong đầm Thị Nại. Nhưng do pháo đài phòng thủ của quân Tây Sơn còn 1 bên, phía trong đầm các tàu cũng liên tục nhả đạn, nên quân Nguyễn gặp khó.
Tướng chỉ huy quân tiên phong của nhà Nguyễn là Võ Di Nguy bị trúng đạn tử trận, quân Nguyễn chùng xuống định rút lui. Nguyễn Vương thấy diễn biến bất lợi, binh sĩ tử trận nhiều liền cho người đến gặp Lê Văn Duyệt lệnh lui binh để bảo toàn lực lượng.
Nhưng lúc này gió nam đột nhiên thổi rất to và thủy triều lên mạnh chạy vào trong đầm, Lê Văn Duyệt không muốn bỏ mất thời cơ nên quyết định không nghe lệnh mà tiếp tục lệnh cho toàn quân tiến lên.
Ở phía sau, Nguyễn Vương thấy quân không rút theo lệnh mà vẫn tràn lên tấn công thì bất ngờ.
Gió to cộng với thủy triều lên, nước tràn vào trong đầm cuốn theo các tàu của quân Nguyễn tiến rất nhanh. Lê Văn Duyệt lệnh cho quân dùng dùng hỏa công phóng thẳng vào các chiến hạm Tây Sơn.
Thị Nại bỗng chốc biển thành biển lửa, các chiến thuyền của Tây Sơn neo gần nhau nên cứ cháy hết chiếc này đến chiếc khác. Tây Sơn đại bại.
Vũ Văn Dũng thua trận liền cùng khoảng 4.000 quân còn lại chạy lên bờ hợp cùng quân Trần Quang Diệu vây thành Quy Nhơn.
Thất bại này khiến sức mạnh thủy binh Tây Sơn hầu như bị tiêu diệt, các chiến thuyền của quân Nguyễn đã đi lại tự do khống chế hoàn toàn đường thủy. Thủy chiến Thị Nại được xem là “Võ công đệ nhất” của nhà Nguyễn.
Dù biết Lê Văn Duyệt cãi lệnh, nhưng trước chiến thắng vang dội, Nguyễn Vương cũng không không trách phạt mà còn khen thưởng. Nhờ chiến thắng này mà quân Nguyễn làm chủ đường thủy, nhân đó tấn công thẳng vào Kinh thành Phú Xuân, và đến sang năm thì nhà Tây Sơn sụp đổ.
Trần Hưng
Mời xem video :