VFS: Chứng khoán Việt Nam đã phản ánh trước những khó khăn của nền kinh tế trong năm 2023

Chia sẻ Facebook
28/11/2022 10:20:44

Trong ngắn hạn, đội ngũ phân tích cho rằng biến động của thị trường sẽ phụ thuộc vào những nỗ lực xử lý khủng hoảng và tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu và các doanh nghiệp.

Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán Nhất Việt cho rằng nền kinh Việt Nam đang có những dấu hiệu suy yếu rõ rệt do bị ảnh hưởng bởi việc tăng lãi suất, hết room tín dụng và các vấn đề liên quan đến thị trường trái phiếu và nhu cầu tiêu dùng trên thế giới cũng sụt giảm. Điều này có thể ảnh hưởng rõ nét hơn đến các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam trong những tháng tới.

Hiện tại, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục là động lực tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Tuy nhiên, VFS cho rằng mặc dù cuối năm là mùa cao điểm của tiêu dùng và bán lẻ thể duy trì song sẽ khó có đột biến và chỉ có mức tăng trưởng chậm do bị ảnh hưởng bởi lạm phát và lãi suất tăng làm nhu cầu tiêu dùng sụt giảm.

Kim ngạch thương mại tiếp tục suy giảm phản ánh rõ nét rủi ro kinh tế thế giới đặc biệt là tại các nước châu Âu. Thặng dư thương mại tiếp tục tăng là điểm tích cực góp phần ổn đỉnh vĩ mô tại Việt Nam.

Xu hướng FDI sẽ tiếp tục khó khăn trong cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 do tăng lãi suất và thanh khoản hệ thống tài chính thế giới sụt giảm. Đội ngũ phân tích cho rằng tuy có sụt giảm nhưng Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến của nguồn vốn FDI và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi Trung Quốc duy trì chính sách Zero Covid.

Nhóm phân tích VFS dự báo xu hướng tăng lãi suất vẫn tiếp diễn đến cuối năm do (1) FED còn ít nhất 2 đợt tăng lãi suất (2) dòng tiền chảy ra khỏi những ngân hàng rủi ro tạo nên cuộc đua lãi suất của các ngân hàng để cân bằng nguồn vốn.

Hiện nay, dự trữ ngoại hồi của Việt Nam khoảng 87 tỷ USD, thấp hơn so với mức 3 tháng nhập khẩu IMF khuyến nghị nên không còn dư địa cho việc sử dụng dự trữ ngoại hối. Điều này sẽ tiếp tục gây áp lực lên lãi suất để bình ổn tỷ giá.

Tổng kết lại, VFS đánh giá nền kinh tế bắt đầu bị ảnh hưởng rõ rệt hơn bởi xu hướng thắt chặt tiền tệ và đang có độ trễ so với các nước trên thế giới. Chính vì vậy, những khó khăn của nền kinh tế sẽ còn tiếp diễn trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

Từ những phân tích về bối cảnh vĩ mô, VFS đưa ra những dự báo tác động đến thị trường chứng khoán. Về định giá thị trường, P/E đã về dưới mức 10 lần, cao hơn so với đáy năm 2012 nhưng thấp hơn so với đáy trong giai đoạn xảy ra đại dịch Covid 19.

VFS cho rằng VN-Index đã phản ánh sớm hơn những khó khăn nền kinh tế sẽ gặp phải trong năm 2023. Mặc dù định giá đã về vùng rẻ trong vòng 10 năm, song VN-Index vẫn còn dư địa giảm tiếp nếu như trong thời gian tới lãi suất tiếp tục tăng và có thêm những sự kiện mới gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Bên cạnh ảnh hưởng bởi áp lực từ những khó khăn của kinh tế thế giới và chính sách thắt chặt của Fed, VN-Index còn có thêm rủi ro đến từ thị trường trái phiếu trong nước.

Do đó, VFS cho rằng biến động của thị trường chứng khoán trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào những nỗ lực xử lý khủng hoảng và tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu và các doanh nghiệp của Chính phủ.

Đặc biệt, dòng tiền trên thị trường vẫn trong trạng thái suy yếu, nhất là giai đoạn cuối năm khi (1) đây là thời điểm thanh toán các hợp đồng cuối năm (2) dòng tiền vẫn đứng ngoài theo dõi trong bối cảnh thị trường còn tiềm ẩn rủi ro (3) dòng tiền nhàn rỗi chuyển sang gửi ngân hàng trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh. Điểm tích cực trong thời điểm này là khối ngoại đã quay trở lại mua ròng.

Với những nhận định trên, đội ngũ phân tích dự báo trong ngắn hạn chứng khoán Việt Nam sẽ có những biến động khó lường. VFS đưa ra 2 kịch bản.

Kịch bản 1, VN-Index hồi phục và tạo đáy ngắn và trung hạn nếu Chính phủ có những biện pháp giải cứu mạnh tay thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản.

Kịch bản 2, VN-Index có thể tạo nhịp "bull trap" và kịch bản xấu tiếp tục rơi về vùng 800 - 850 điểm là vùng hỗ trợ dài hạn nếu những thông tin hô trợ không đúng như kỳ vọng

Chia sẻ Facebook