Vén bức màn về Binance - Sàn giao dịch tiền số bí ẩn được định giá 300 tỷ USD nhưng không hề có trụ sở hay địa chỉ chính thức

Chia sẻ Facebook
05/06/2022 14:59:31

Được thành lập cách đây 5 năm, Binance hiện là sàn giao dịch tiền số lớn bậc nhất, với quy mô sánh ngang với sàn giao dịch chứng khoán London, New York và Hong Kong (Trung Quốc).

Ít ai biết rằng, Binance - sàn giao dịch tiền số phát triển nhanh nhất thế giới lại không hề có trụ sở chính, địa chỉ chính thức hay giấy phép hoạt động. Đến Giám đốc điều hành công ty, cho đến gần đây, vẫn giữ kín nơi ở hiện tại của mình.


SÀN GIAO DỊCH KHÔNG TRỤ SỞ

Ở thời điểm hiện tại, vận may đó dường như sắp kết thúc khi giới chức bắt đầu lo lắng về sự bành trướng của các loại tài sản số. Trong một bài phát biểu vào tháng 10 năm ngoái, Jon Cunliffe, quan chức thuộc Ngân hàng Trung ương Anh, đã làm rõ quan điểm này: "Khi một thứ gì đó trong hệ thống tài chính đang phát triển nhanh và không được kiểm soát, các cơ quan quản lý cần phải cần đặc biệt chú ý".

Thực tế, vấn đề pháp lý của sàn Binance được rất nhiều chuyên gia để tâm. Họ liên tục cảnh báo người dùng, rằng sàn giao dịch này vốn không được đăng ký hoặc không được phép cung cấp các dịch vụ khác nhau. Tuyên bố muốn IPO tại Mỹ của Binance hồi cuối năm ngoái theo đó khiến Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) buộc phải hành động. Họ yêu cầu một danh sách thông tin từ chi nhánh tại Mỹ của Binance, đồng thời kiểm tra xem Binance có thực sự tiếp tay cho nạn rửa tiền.

Binance hiện là sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới

Thị trường Mỹ vốn là một thử nghiệm lớn đối với Binance, tuy nhiên một số cựu giám đốc điều hành lại lo ngại rằng, việc kiểm soát dữ liệu trên sàn giao dịch Mỹ thuộc về các nhà lập trình Trung Quốc, nơi công ty được thành lập. Trước đó, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump từng cấm nền tảng truyền thông xã hội TikTok của Trung Quốc vì lo ngại dữ liệu khách hàng có khả năng bị truy cập bởi đại lục.

Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Binance, ông Changpeng Zhao cho biết trong một cuộc phỏng vấn, rằng sàn giao dịch của họ sẽ tuân thủ các yêu cầu của cơ quan quản lý.

"Điều đó bao gồm cả việc nhận được giấy phép phù hợp", ông nói. "Chúng tôi điều hành một công việc kinh doanh hợp pháp và phát triển nhanh chóng, cũng bởi người dùng tin tưởng chúng tôi. Nhưng bạn thấy đấy, tính đến thời điểm cuối năm 2021, mới chỉ khoảng 2% dân số toàn thế giới chấp nhận tiền số thôi”.

Ông Zhao cũng cho biết Binance đang trong quá trình thành lập các văn phòng địa phương và trụ sở chính nhằm đáp ứng các yêu cầu của giới chức quản lý, song vị trí những trụ sở này vẫn chưa được tiết lộ. Hồi tháng 8/2021, trên trang web của mình, Binance cũng đã bắt đầu kiểm tra danh tính người dùng để ngăn chặn việc sử dụng sàn giao dịch cho mục đích bất hợp pháp.

Ông Changpeng Zhao

"Chúng tôi thực hiện phương pháp hợp tác trong việc hợp tác với các cơ quan quản lý trên toàn thế giới và coi trọng các nghĩa vụ tuân thủ pháp lý", Jessica Jung, đại diện phát ngôn viên của Binance cho biết. "khi Binance phát triển, quy định và các giao dịch tiền số cũng phát triển và ngược lại".

"Chúng tôi có các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ để đảm bảo rằng dữ liệu chỉ có thể được truy cập cho các mục đích đáp ứng mong muốn của khách hàng, cải thiện hiệu suất hoặc các yêu cầu theo quy định", phát ngôn viên của Binance.US, ông Matthew Miller nói.


“NGÔI SAO NHẠC ROCK”

Theo phân tích của Bloomberg, sàn giao dịch Binance tạo ra ít nhất 20 tỷ USD doanh thu trong năm 2021, gấp 3 lần kỳ vọng của giới quan sát Phố Wall cho Coinbase, công ty tiền mã hóa khác mới IPO với giá trị thị trường đạt 50 tỷ USD. Nếu Binance tiếp tục IPO thành công tại Mỹ, giá trị sàn giao dịch này chắc chắn sẽ giúp Zhao trở nên giàu có. Ông cho biết mình là cổ đông lớn nhất của Binance.

Được mệnh danh là "ngôi sao nhạc rock" trong thế giới tiền số, Zhao có hàng triệu người theo dõi trên Twitter. Người đàn ông 44 ​​tuổi này sinh ra ở Trung Quốc, sau đó chuyển đến Canada cùng cha mẹ khi mới 12 tuổi. Với tấm bằng về khoa học máy tính, ông đầu quân tới làm việc cho một số công ty tài chính, trong đó có cả Bloomberg LP.

Lần đầu tiên Zhao được nghe về Bitcoin là tại một cuộc chơi poker ở thành phố Thượng Hải hồi năm 2013

Theo Bloomberg, lần đầu tiên Zhao được nghe về Bitcoin là tại một cuộc chơi poker ở thành phố Thượng Hải hồi năm 2013. Đồng tiền được “đào” bằng những chiếc máy tính lập trình này thu hút khá đông người hâm mộ, thậm chí cả những người không có thiện cảm với hệ thống tài chính sau cuộc khủng hoảng năm 2008.

Thời gian đầu, giao dịch tiền số khá khó khăn. Có rất ít nền tảng, trong khi giá cả thì liên tục biến động. Ngoài ra, các cuộc tấn công nhằm vào các sàn giao dịch như Mt. Gox cũng làm suy yếu lòng tin các nhà đầu tư.

Khi đó, Zhao bị thu hút bởi ý tưởng về một loại tiền tệ phi tập trung có thể được sử dụng ở bất cứ đâu mà không cần ngân hàng hoặc bộ máy hành chính. "Chúng tôi có thể sử dụng công nghệ đó để tăng cường tự do kiếm tiền cho mọi người trên khắp thế giới", Zhao chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.

Nghĩ là làm, người đàn ông này quyết định bán căn hộ tại Thượng Hải để mua Bitcoin, đồng thời làm việc cho một số công ty khởi nghiệp tiền số. Cùng với một nhóm các lập trình viên khác, Changpeng Zhao cho ra mắt sàn giao dịch Binance vào năm 2017.

Ban đầu, sàn Binance chỉ tập trung vào giao dịch Bitcoin và không cho phép người dùng mua bán tiền số để đổi sang tiền chính thống. Công ty khi đó không cần tài khoản ngân hàng và cũng không cần trụ sở chính.

Để nổi bật so với các đối thủ chỉ sử dụng tiếng Anh, Binance thêm 9 ngôn ngữ khác nhau vào trang web của mình, trên một nền tảng mà đa số các nhà giao dịch đều đồng tình là rất dễ sử dụng.

Tiền số

Trong đợt phát hành đồng tiền số của riêng mình có tên BNB vào tháng 7/2017, Binance huy động được 15 triệu USD. Người dùng đến từ khắp mọi nơi, bao gồm cả những quốc gia có hệ thống tài chính kém phát triển hơn như Nam Phi hay Ấn Độ.


TẦM NGẮM CỦA GIỚI CHỨC

Sự bành trướng quá nhanh trong vòng vỏn vẹn 6 tháng đã khiến Binance lọt vào tầm ngắm của giới chức quản lý. Mùa hè năm 2017, chính phủ Trung Quốc manh nha ban hành lệnh cấm đối với các sàn giao dịch tiền số do lo ngại chúng sẽ được sử dụng để chuyển tiền bất hợp pháp ra khỏi đất nước. Vào năm 2018, cơ quan quản lý tài chính Nhật Bản cũng cảnh báo Binance không nên thực hiện các giao dịch cho người dân nếu không có giấy phép.

Vào năm 2019, Binance bắt đầu cho phép khách hàng giao dịch tiền số đổi lấy tiền thật, đồng thời liên kết sàn giao dịch với hệ thống ngân hàng. Binance còn trả tiền cho những người có tầm ảnh hưởng để tạo video hướng dẫn mọi người cách đầu tư. Một nhóm tiếp cận cộng đồng cũng đã ký hợp đồng với những nhà giao dịch trong ngày tại thị trường Trung Đông và Châu Phi, những người điều hành nhóm nhỏ trên Facebook và một số mạng xã hội khác.

Binance.com sau đó trở nên phổ biến ở Mỹ, song phải chấp nhận chịu sự giám sát chặt hơn từ chính phủ. SEC hồi tháng 4/2019 đã đưa ra bản phác thảo thử nghiệm để xác định xem loại tài sản số nào mới được công nhận. Cuối năm 2020, cơ quan này cũng yêu cầu Binance.US cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động kinh doanh, bao gồm dữ liệu về người đứng đầu kiểm soát ví kỹ thuật số người dùng, nơi lưu trữ tiền số và chi tiết các thỏa thuận của Binance.US và Binance Holdings.

Binance.com đã trở nên phổ biến ở Mỹ, song phải chấp nhận chịu sự giám sát chặt hơn từ chính phủ

Tuy nhiên, bất chấp những rắc rối về quy định, sàn giao dịch tiền số Binance vẫn tiếp tục phát triển. Tính đến tháng 9/2021, giao dịch giao ngay tại Binance.com đã tăng 10% so với tháng trước, qua đó đánh dấu tháng thứ 15 liên tiếp tăng trưởng.

"Chúng tôi muốn các sàn giao dịch khác lớn hơn một chút để chúng tôi có thể chia nhỏ lượng người dùng", Zhao cho biết khi chia sẻ về mục tiêu tăng trưởng của Binance.


Theo: Wall Street Journal

Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.


Vũ Anh

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Chia sẻ Facebook