Vệ tinh 32,7 triệu USD của Mỹ mất tích trên đường lên mặt trăng

Chia sẻ Facebook
07/07/2022 07:42:40

NASA cho biết họ đã mất liên lạc với tàu vũ trụ đang thực hiện sứ mệnh kiểm tra quỹ đạo mặt trăng của mình.


NASA cho biết hôm 5/7 rằng họ đã mất liên lạc với một tàu vũ trụ trị giá 32,7 triệu USD. Trước đó con tàu đang trên hành trình hướng tới mặt trăng trong một thử nghiệm kiểm tra quỹ đạo mới.

Sau lần liên lạc đầu thành công và một lần thứ hai vào ngày 4/7, cơ quan vũ trụ Mỹ cho biết họ không thể liên lạc với tàu vũ trụ có tên Capstone này nữa. Người phát ngôn của NASA, Sarah Frazier, cho biết các kỹ sư của họ đang cố gắng tìm ra nguyên nhân gây ra sự cố gián đoạn liên lạc và rất lạc quan rằng họ có thể khắc phục được nó.

Vệ tinh Capstone của NASA


Tàu vũ trụ được phóng từ bán đảo Mahia của New Zealand vào ngày 28/6, đã trải qua gần một tuần trên quỹ đạo Trái đất và đã được khởi động thành công trên hành trình lên mặt trăng, trước khi mất liên lạc, theo Frazier.


Các tuyên bố cho biết sau khi rời quỹ đạo, vệ tinh đã bật các tấm pin mặt trời, hoạt động ổn định và bắt đầu quá trình sạc pin. Các động cơ đẩy của vệ tinh cũng đã sẵn sàng cho nhiệm vụ điều chỉnh quỹ đạo bay đầu tiên của nó. Tuy nhiên, do mất liên lạc với trạm kiểm soát mặt đất, nhiệm vụ điều chỉnh quỹ đạo vệ tinh ban đầu dự kiến bắt đầu vào sáng ngày 5/7 đã phải hoãn lại. NASA cho biết vệ tinh đã được cung cấp đủ nhiên liệu và sẽ không quá muộn để điều chỉnh quỹ đạo của nó trong vài ngày tới.

Capstone là một tàu vũ trụ cỡ nhỏ, chỉ nặng 25 kg.


Nặng 25 kg, Capstone có kích thước bằng một cái lò vi sóng. Theo kế hoạch ban đầu, sau khi rời quỹ đạo trái đất, vệ tinh sẽ du hành lên mặt trăng với sự hỗ trợ của lực hấp dẫn của mặt trời và lực đẩy của chính nó. Trong khoảng 4 tháng, vệ tinh sẽ đến vùng lân cận của mặt trăng và sau đó bay quanh mặt trăng theo quỹ đạo hình elip dài và hẹp. Vị trí gần nhất của quỹ đạo này cách một cực của mặt trăng hơn 1.600 km và điểm cách xa nhất là hơn 70.000 km từ cực bên kia của mặt trăng.

Chuyến bay của Capestone quanh mặt trăng sẽ được sử dụng để kiểm tra độ ổn định của quỹ đạo này và dự kiến kéo dài ít nhất sáu tháng. Thử nghiệm là một phần trong kế hoạch của NASA để xây dựng tiền đồn "Gateway" của mình. Gateway sẽ đóng vai trò như một điểm dừng chân cho các phi hành gia trước khi họ đến và đi từ mặt trăng .

Quỹ đạo mới này có sự cân bằng về lực hấp dẫn của Trái đất và mặt trăng, do đó sẽ cần ít sự điều động và giúp tiết kiệm nhiên liệu hơn, cho phép vệ tinh - hoặc một trạm vũ trụ - kết nối liên tục với Trái đất.

Người phát ngôn của NASA cho biết họ đang cố gắng tìm ra nguyên nhân khiến vệ tinh mất tích và tin rằng cuối cùng sẽ khắc phục được sự cố. Theo dữ liệu liên lạc giữa vệ tinh và trạm mặt đất, các nhân viên kỹ thuật vẫn có thể phán đoán đại khái vị trí và tốc độ bay của vệ tinh.


Tham khảo Phys

Thành phố nghìn năm không trồng nổi 1 cây xanh: Thưởng 1 tỷ cho ai "giải cứu" thành công

Chia sẻ Facebook