Về thói ăn nết ở – Sơn Nam

Chia sẻ Facebook
16/03/2023 02:17:37

“Phủ Gia Định, phủ Gia Định nhà đủ người no chốn chốn. Xứ Sài Gòn, xứ Sài Gòn, ở ăn vui thú nơi nơi. Đông đảo thay phường Mỹ Hội.


“Cỏ Nai Rịa, Cá Rí Rang” có nghĩa gạo Đồng Nai, Bà Rịa và cá Phan Rí, Phan Rang là ngon. “Gao Cần Đước, nước Đồng Nai” ca ngợi sức dồi dào. Vùng Cần Đước (huyện Phước Lộc, phủ Tân Bình xưa) mãi đến nay còn nổi danh với giống lúa thơm,(1) nước sông Đồng Nai theo Trịnh Hoài Đức ngọt và tốt nhất ở toàn Nam Bộ, dùng gội đầu hay pha trà thì không đâu sánh bằng. Gò Công thời trước trực thuộc vào tỉnh Gia Định (huyện Tân Hóa) cũng như vùng Tân An (huyện Cửu An). Nói rằng xưa kia gạo Gia Định dư ăn, bán ra miền Trung, ra nước ngoài tức là nói đến mức sản xuất của những vùng nói trên. Về trầu cau thì có 18 thôn Vườn Trầu. Gò Vấp cung cấp thêm thuốc hút. “Hết gạo đã có Đồng Nai, hết củi đã có Tân Sài chở vô”. Củi Tân Sài ở vạn Sài Tân, rừng Sác.


Về phía đồng bằng sông Cửu Long, ghe buôn qua sở thuế Bến Lức (phiên âm là Lật Giang), ngược lên Thủ Dầu Một qua sở thuế Thị Nghè. Hai sở này đạt con số thâu vào bậc nhất nhì của Nam Kỳ Lục Tỉnh. Năm 1873, mỗi sở đem lại 16.300 và 13.000 quan. Nhờ đường thủy Bến Lức mà hàng hóa Sài Gòn trao đổi đến tận Cam- pu- chia qua chợ Cái Bè “phố xá trù mật” , nhiều nhà làm nghề thợ nhuộm, nhà giàu hay trữ cau đem bán cho thương nhân Sài Gòn, và làm ghe thuyền đi bán ở Cao Miên. Chợ Sa Đéc cũng trên Tiền giang “bán đủ hàng hóa khí dụng ở Nam, Bắc chở xuống” (GĐTTC). “Gia Định nhất thóc nhì cau, dân địa phương thường bỏ không thu, cau già lấy hột bán cho người Tàu” (Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục). Vào thời ấy muốn dự trữ thì để cho cau chín cây rụng xuống còn nguyên vỏ, gọi cau tầm vung, cung ứng cho thị trường Cam-pu-chia. Lại còn qua tay người Tàu bán cho vài nước ở Đông Nam châu Á thích ăn trầu, hoặc người Bồ Đào Nha mua đem về châu Âu, lấy chất chát để nhuộm màu tơ vải. Sản xuất cau nhiều nhất là vùng Mỹ Tho.


Ghe thuyền đều theo thể lệ ghi vào sổ bộ, vẽ chữ trước mũi để hạn chế trường hợp trộm cắp. Lại có quy định đi bên phải, gọi là bát (nói trại là hoát) từ Nguyễn Cư Trinh nhận chức tham mưu. Gặp bất trắc, nếu muốn yêu cầu ghe thuyền ngược chiều với mình đi bên trái, đề phòng đụng chạm thì hô là cạy. Xảy ra đụng chạm thì cứ theo luật đi bên phải mà xử. Cũng như ghe đi nước xuôi, chở nhẹ đụng nhằm ghe đi nước ngược, chở nặng hơn thì chịu lỗ.(2) Một thương gia người Mỹ tên là Rôn-quay (John White) từng viếng Bến Nghé vào năm 1919 thấy “nhiều chiếc đò nhỏ do đàn bà chèo lái, lượn qua lượn lại coi khá ngoạn mục, họ ăn mặc rất thanh nhã làm cho tôi ngạc nhiên”. Vào Đồng Nai, Cửu Long, sáng tạo kỹ thuật chèo chống để ứng phó tùy nước ngược nước xuôi, ở sông to hoặc rạch nhỏ, nơi nước cạn nước sâu, khi gió xuôi gió ngược. Sông rạch nhiều, việc giao lưu từ thôn xóm đến huyện tỉnh và Sài Gòn không quá khó khăn. Sông to thì không có ghềnh, có thác. Nước xuôi thì đi thong thả, chèo mái dài; nước ngược chảy xiết, chèo mái cuốc (chặt xuống nhanh, gọn như cuốc đất). Ở nơi nước xoáy thì nạy hoặc kéo, đứng sát cột chèo mà xoay tròn, mái chèo thọc đứng thẳng xuống nước (tiếng bình dân gọi là chèo, kéo). Chèo mái một là bỏ xuống dở lên, từng động tác, không rà là giữ mái chèo, không đưa lên khỏi mặt nước. Gác chèo, lột chèo ngụ lại dừng lại, nghỉ luôn và cập bến; hoặc thuận gió chỉ dùng buồm. “Người chèo chống chưa hẳn vui sướng”. “Chồng chèo thì vợ cũng chèo, hai đàng đã nghèo lại đụng lấy nhau”. “Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi, buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê” .

Nhiều kiểu ghe thuyền được cải biến. Ghe cửa của đồng bằng sông Cửu Long, nhỏ, mũi nhọn, chạy buồm vững vàng ra cửa sông rồi men theo bờ biển. Ghe bản lồng, còn gọi ghe lồng, có mui, trong hầm ngăn ra từng ô nhỏ để phân chia các mặt hàng. Ghe hàng bổ là kiểu bản lồng nhỏ, chở hàng hóa nội địa. Ghe cui thô sơ, bằng mũi, bằng lái dùng chở củi, chở lá lợp nhà. Ghe giản, loại ghe lớn, hai bên hông đâm cánh cho cao, để chở thêm hàng hóa. Lại còn ghe lườn (độc mộc) mua dễ dàng với giá rẻ từ Cam-pu-chia; thêm hai be, gọi là ghe be, ghe chải (chở lúa); ghe cá, chở cá từ đồng bằng lên Sài Gòn dành cho lái rỗi, còn gọi ghe rỗi. Người giàu sang đi ghe diệu, chạm trổ mũi lái, và ở kèo mui, lắm khi sơn son thiếp vàng, bên trong lót ván trơn bóng với chỗ nấu nướng pha trà và đủ tiện nghi để hút á phiện; cai tổng, tri phủ, tri huyện dùng ghe hầu, sang trọng hơn, có lính chèo. Trong các loại xuồng, ta chú ý xuồng câu tôm nhỏ bé, bánh lái cặp bên hông xuồng, mui là hai cái miếng cà rèm có thể xếp lại; đêm đêm ông thợ câu thả mồi, ngồi bên hông đèn dầu cá, thổi ống tiêu trên sông.

Ghe bè đóng bằng cây theo kiểu xà lan, trong toàn thân chứa toàn hàng hóa, có mui bao phủ, người chèo chống đi tới lui trên mui. Đây là ghe chuyên chở to, để mua bán lên Cam-pu-chia, ngày xưa thường tập trung ở điểm trở thành tên rạch, tên đất: Cái Bè (nay tỉnh Tiền Giang).

Về phong tục, như đã nói, cơ bản là thống nhất với toàn quốc vì mô phỏng theo sinh hoạt của người từ Thanh Hóa, từ Quảng Nam vào. Xin đơn cử một trong nhiều thí dụ: Tu bổ mồ mả tổ tiên (gọi giẩy mả) vào cuối tháng chạp chớ không đợi tiết Thanh Minh tháng ba như người Trung Hoa, Gia Định Thành Thông Chí và Đại Nam Nhất Thống Chí ghi vài nét về Bến Nghé – Gia Định, xin trích dẫn và phát triển như sau:


– Tại huyện Phước Lộc và huyện Thuận An, “Trong mười nhà có chín nhà làm nghề nông, chỉ có một nhà buôn bán nên phong tục chất phác như thời xưa”. Phước Lộc, Thuận An là Cần Giuộc, Cần Đước và Long An ngày nay. “Nông phu chỉ siêng năng khi khởi công gieo cấy, xong thì ít hay bón xới, cứ để tùy theo thiên thời đặng mất mà thôi”.


Chế độ điền chủ là sản xuất nhỏ; sức kéo của trâu, sức cày cấy của người bị hạn chế. Nông dân không hăng hái canh tác vì lúa gạo vào tay điền chủ, làm cho lắm cũng trắng tay, “khỉ hoàn cốt khỉ” . Công lao khẩn hoang, mồ hôi nước mắt rốt cuộc là lưng trần đi chân đất.


“Bách công kỹ nghệ thô sơ, những đồ dùng tuy vụn mà bền chắc, hay đồ dùng ngoại hóa” . Chúa Nguyễn phổ biến nếp sống xa hoa cho giới quan lại, điền chủ. Phủ Biên tạp lục chép: Từ quan nhỏ đến quan to, nhà cửa chạm trổ, tường xây bằng gạch đá, trướng vóc màn the, đồ dùng toàn bằng đồng, bằng sứ, yên ngựa dây cương đều nạm vàng, nạm bạc, áo quần là lượt, nệm hoa chiếu may, lấy phú quí phong lưu để khoe khoang lẫn nhau. Ở nơi thuận lợi như Bến Nghé, mua sắm đồ dùng từ nước ngoài là việc dễ, với giá không cao lắm, lại thỏa mãn óc tò mò. Bọn mại bản người Hoa sẵn sàng lo hối lộ cho giới quan lại.


“Nơi chợ Bình An, gọi là chỗ ở trộm cắp”. Chợ Bình An ở khu vực Ba Cụm, giữa Chợ Lớn và Bến Lức trên đường thủy đi về Vàm Cỏ Đông rồi đồng bằng sông Cửu Long. Bọn trộm cắp ở sông rạch gọi là “bối” , chuyên nghề lấy của giữa ban ngày, ghe thuyền qua lại không đề phòng thì mất quần áo, tiền bạc, hàng hóa. Khắp Lục Tỉnh ai cũng nghe danh và sợ “bối Ba Cụm” . Ba Cụm là tên đất, ba cụm dây, ba cây da to mọc gần nhau.


“Nhiều người thông tiếng nói người Phước Kiến, Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam, Tây Dương, Xiêm La”. Trịnh Hoài Đức chú thích: các nước phương Tây như Phú lang sa (Pháp), Hồng mao (Anh), Mã Cao (Bồ Đào Nha) đều gọi là Tây dương.


“Nhà ngoại thương đều là người ngoại quốc đến, người bản xứ chỉ biết mua bán nhỏ, đem chỗ nhiều đến chỗ ít để kiếm lợi đủ tiêu xài hằng ngày mà thôi”. Đời nhà Nguyễn, việc ngoại thương đều do triều đình nắm tất cả, sau lưng vua quan là phú thương, mại bản. Đồng bào chỉ còn mua bán lẻ làm bạn hàng.


“Tạc chuông khí tiết, trọng nghĩa khinh tài, sĩ phu ham đọc sách cốt yếu hiểu rõ đạo lý mà lại vụng về văn từ”. Ngày xưa tìm một thầy đồ giỏi như Võ Trường Toản là khó, phần lớn là thầy đồ từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An đến, trình độ không đồng đều. Người khá giả thường cho con đi học xa tận Huế. Khí tiết của sĩ phu phát huy rõ rệt khi có ngoại xâm: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông, Hồ Huân Nghiệp.


“Dân thành thị thì du đãng” (ĐNNTC), Trịnh Hoài Đức nêu thêm chi tiết: “quen nghề thương mãi, nhiều người ở chợ búa, ở dưới thuyền gọi dân giang hồ, có lữ khách tụ hiệp gọi là dân tứ chánh (chiếng): Chánh, nghĩa là người chánh gốc ở bốn phương bềnh bồng đến tụ hội tại thành một chỗ vậy” .(3)

Người viết sử thời phong kiến có thói xem lớp nghèo thành thị thất học là thiếu lễ giáo, không đáng tin cậy, là tiểu nhân. Xét lại cho kỹ, ta thấy dân nghèo ở Bến Nghé cũng như ở chợ làng, chợ huyện thời ấy là lớp người bán sức lao động, vác lúa, chèo ghe mướn, mua bán nhỏ lấy công làm lời. Họ không có vốn hoặc vốn rất ít, sống không cần ngày mai vì còn sức lực, còn bà con bạn bè giúp đỡ là còn kiếm được cơm cháo. Trong một xã hội không có một tổ chức cứu tế, người nghèo chỉ biết nương tựa vào tình nghĩa bạn bè. Ăn uống, xài tiền rộng rãi với bạn bè để khi nguy nan thì được cứu giúp trở lại. Chưa nói đến hoàn cảnh phức tạp với nạn cờ bạc, mãi dâm, buôn lậu mà bọn cầm đầu có thế lực và tiền bạc để lôi cuốn tay sai. Giành bến đò, bến thuyền, bến chợ là muôn ngàn cơ hội để mua chuộc lớp nghèo thành thị gồm đa số không có ruộng đất đổ xô về. Bấy giờ, dân số đứng tên chính thức trong bộ đinh không cần nhiều; chừng 30 người hoặc ít hơn, nếu chịu trách nhiệm đóng thuế với quan trên thì làng được nhìn nhận ngay. Dân đứng tên trong bộ ở làng chỉ gồm điền chủ lớn nhỏ, trung nông, thương gia. Tá điền và lớp nghèo thành thị có quyền không ghi tên vào sổ bộ, sống theo quy chế dân ngoại, dân lậu tùy thích. Nhưng đã là dân lậu thì họ không được vào ban hương chức hội tề, không được dự tiệc đình làng, không được kiện cáo bất cứ ai khi bị áp bức. Và nếu bị tố cáo dầu là oan ức thì họ xem như là có lỗi. Họ sống bồng bềnh, rày đây mai đó, làm ruộng, làm mướn, thay đổi nơi cư trú. Có thể họ không biết tiết kiệm, không tích cực góp vốn làm ăn nhưng trong tình hình kinh tế dễ dãi ở Nam Bộ lúc bấy giờ họ còn nhiều chỗ dung thân, với câu nói nửa đùa nửa thật: trời sanh người, người nào cũng có lộc, không ít thì nhiều; đất sanh cỏ, cỏ nào cũng có rễ, không ăn sâu thì cũng ăn cạn vào đất mà mọc lên (Thiên sanh nhơn hà nhơn vô lộc, địa sanh thảo hà thảo vô căn).


Nên kể thêm người Chăm, người Lào, người dân tộc ở Cao Nguyên, rừng Biên Hòa đến đồng bằng và thành thị, đời các chúa Nguyễn. Từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn nhiều người giàu có đã vào Nam khẩn hoang đã trở thành điền chủ, họ “mua người” làm công, làm tôi tớ sai khiến hầu hạ. Tôi tớ có thể cưới hỏi nhau, sanh con cái, lập nhà cửa riêng. Ở Bến Nghé có xóm Lá (nay đầu đường Yersin, mé rạch) nơi khá đông người nói trên tập hợp, sống với nghề đốn lá dừa lợp nhà đem về dự trữ, bán lại. Nơi đời sống dễ dãi, chủ nhà thường cho đám tôi tớ được tự do khi họ phục dịch quá lâu, hoặc bị bệnh, già yếu. Hoặc đám người bị bóc lột này trốn đi chủ nhà không màng đến chuyện truy nã.(4)


Trước khi đánh chiếm Trung Bộ, Nguyễn Ánh cố nắm vững tình thế ở Gia Định nên ra lệnh triệu tập số dân lưu tán vì giặc giã cùng là quan binh của Tây Sơn còn lẫn lộn trong làng mạc, buộc phải ghi tên vào sổ bộ, cho phép họ làm ruộng theo sinh hoạt bình thường. Quan binh thất lạc của Tây Sơn còn rải rác ở mức độ đáng kể. Nếu chịu ghi vào bộ sổ thì tinh thần họ chưa chắc hướng về Nguyễn Ánh, ủng hộ chế độ mới. Mặc dầu nhà Nguyễn sau này ổn định tình thế, trong nhân dân luôn có mầm mống bất hợp tác. Tổng trấn Lê Văn Duyệt với lối cai trị hà khắc, tiền trảm hậu tấu đã không trấn áp nổi những người “cứng đầu” , phải chăng vì ảnh hưởng của Tây Sơn còn sót lại, công khai hoặc kín đáo? Khi Lê Văn Khôi theo Lê Văn Duyệt, chống vua Minh Mạng – dấy binh đàn áp mạnh mẽ lại có thêm bao nhiêu người ở khắp Nam Bộ oán hận chính sách trả thù tàn bạo. Ai dính vào cuộc khởi loạn thì bị giết, ai có thái độ cảm tình, ai có con cháu bị tình nghi thì bị hạch hỏi, tù đày, tống tiền. Ta không quên phần lớn quân sĩ theo Lê Văn Khôi vốn là tù phạm từ Thanh Hóa, Nghệ An bị đày vào Nam rồi được Lê Văn Duyệt dung túng, tội phạm của họ xưa kia oan có, ưng có.


“Chuộng khí tiết, trọng nghĩa khinh tài” mà Đại Nam Nhất Thống Chí ghi nhận là đức tính phổ biến ở đa số nhân dân chớ không riêng gì trong giới sĩ phu. Chứng minh cho điều ấy là thái độ của toàn dân khi đối phó với thực dân Pháp. Tờ bẩm của Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Đức Tánh cho biết: cuối năm 1863, lúa gạo lên giá quá cao dân chúng quá đói khổ, bọn Pháp lấy bánh mì cũ trong kho đem phát cho các thôn xã, bắt buộc dân phải nhận lãnh. Nhưng khi bọn tay sai của giặc vừa bước ra đi thì mọi người “quăng bỏ bánh mì xuống sông hoặc là cho heo cho chó chớ không thèm ăn” .(5)


Cũng theo tài liệu trên, khi Trương Định đứng lên mộ nghĩa, dân các xã đều cổ vũ hoan nghênh, họ liền báo cáo với nhau, quyên cúng tiền bạc, lúa gạo để giúp quân nhu, hoặc quyên đồng sắt, chất nổ để giúp quân khí, người già trẻ con ở coi nhà, bao nhiêu trai tráng đều ra ứng mộ, họ muốn mau mau giết hết quân Tây để cho hả giận. Việc thực dân Pháp áp bức bên Cam-pu-chia được nhắc đến, gây xúc động: bọn Pháp bày ra nhiều thứ thuế, “các thứ thu được nhiều lợi trong nước đều bị người Tây chiếm hết, đến tượng Phật trong chùa chiền chúng cũng lột lấy vàng. Ngày thường, chúng đến cung điện nhà vua mà ép cả vợ con, nàng hầu đi coi hí kịch, nàng hầu nào đẹp, mà vừa mắt thì chúng cưỡng bức đem xuống tàu hoặc đưa vào trại cưỡng hiếp”. Tờ bẩm của Phạm Tiến cho biết: khi Phan Thanh Giản vào Sài Gòn ký hiệp ước cắt ba tỉnh miền Đông rồi ra lệnh không cho nghĩa quân hoạt động ở vùng bị cắt thì “sĩ phu các hạt gào khóc như mưa” . Tờ bẩm nói trên cũng ghi lại cuộc đánh giá của nghĩa quân lúc giặc bắt dân đào kênh vành đai ở Sài Gòn. Bài phú Gia Định thất thủ hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây, hịch Trương Định cùng với bao nhiêu thi phú, ca dao đã bộc lộ tinh thần người Bến Nghé và Nam Kỳ Lục Tỉnh “xanh vỏ, đỏ lòng” , trái dưa hấu vỏ xanh, ruột đỏ là hình tượng thường dùng để bỡn cợt thân mật ca ngợi người Gia Định thích đội khăn be màu xanh và dùng dây thắt lưng màu đỏ. Màu đỏ được ưa chuộng qua câu hát: “Ai mà thấu được lòng ta. Ta cho một vóc hồ – la nhuộm điều”.


Sinh hoạt của Bến Nghé thời xưa luôn luôn rộn rịp, với vườn tược ở ngoại thành, chợ phố ở vùng cao hoặc mé sông. Vài tư liệu của người Pháp hoặc người Âu đã vô tình hay cố ý bôi bác những thành tựu của ta. Có tác giả muốn ca ngợi công trình khai hóa của thực dân nên mô tả Bến Nghé thời xưa là chợ sình lầy; không trật tự, đến những chòm cây xanh mướt mãn năm cũng là “màu xanh dơ dáy”. So sánh Bến Nghé ở nước nông nghiệp lạc hậu với bến cảng ở các nước châu Âu đã kỹ nghệ hóa là không đúng chỗ. Hơn nữa khi Pháp đánh chiếm, hầu hết đồng bào ta ra đi, nhiều nhà bị giặc đốt hoặc do đồng bào tự nguyện đốt. Ở xứ nhiệt đới, côn trùng sinh sôi nảy nở nhanh chóng với hai mùa mưa nắng; hễ nhà cửa không tu bổ, vườn tược không săn sóc trong đôi năm thì cây cỏ mọc um tùm trong nền nhà, nói chi đến đường sá, cầu kỳ hư nát, rạch nhỏ cạn dần với phù sa, rác rến và cỏ dại trăm thứ vừa sống vừa chết trên bãi bùn. Khu vực nay là đường Lý Thái Tổ, Điện Biên Phủ, Ba tháng Hai, từ góc đường Cách mạng tháng Tám bị thực dân chê bai, đặt tên cánh đồng mồ mả (Plaine des Tombeaux) vì xấu xí, vắng vẻ. Chúng quên rằng đồng bào ta rất quý trọng mồ mả của người thân, dám xài tiền để dựng bia, sơn phết. Chẳng qua khi giặc đến dân tản cư rồi xây thành Phú Thọ nên mồ mả nằm trong vòng cấm địa, không còn ai săn sóc. Tiếp đến, giặc đến cướp đất, chia ra từng khoảnh bán lại cho bọn Pháp lập trại chăn nuôi, trồng cây kỹ nghệ.

Bài phú Cổ Gia Định ghi nhiều nét chấm phá về phủ Gia Định, đặt là phủ do Nguyễn Hữu Cảnh lúc vào Nam làm kinh lược. Xin trích dẫn tùy tiện, không theo trước sau, bỏ bớt nhiều câu:(6)

Suy nghiệm bấy làng Tân Khai. Ngói liền đuôi lân, phố thương khách tòa ngang tòa dọc. Hiên sè cánh én, nhà quan dân hàng vắn hàng dài. Gái nha nhuốc tay vòng tay xuyến. Trai xinh xang chơn hớn chơn hài. Coi ngoài rạch Bà Nghè, dòng trắng hây hây tờ quyến trải. Vào Chợ Quán, ra Bến Nghé, xuống Nhà Bè, lên Đồng Nai. Cái cầu Cao Man thấy làn nguyên cột vắp, ván trai. Dù võng nghênh ngang chợ Điều Khiển. Quan quân rậm rật cầu Khâm Sai. Nhắm kinh mới như chỉ giăng đường đất. Đi Chợ Hôm vừa cập tối mặt trời. Sau nhà quê trồng bắp, trồng khoai. Cứng cỏi bấy thứ đàn bà Gò Vấp. Thanh tao thay ông Hòa thượng chùa Cây Mai. Đồng tập trận rộng thinh thinh. Gò mô súng cao vời vọi… Chợ Cây Vông, cầu Đường, xóm Bột… Lạ lùng xóm Lò Gốm, chân vò vò Bàn Cổ xây trời. Bạn ghe kéo neo hò hố hụi. Khách già rao kẹo ổi ôi ôi. Lũ bảy lũ ba rật rật thấy bạn mai khách trước. Kẻ qua người lại, rần rần nghe lạc ngựa chuông voi. Xóm Hoa nương đua nở, dày dày coi khách bẻ nhụy người. Đồn tiếng năm châu thì đã phải, ghe đen mũi, ghe vàng mũi vào ra coi lòa nước. Người phương Đông qua lại bán buôn, tàu xanh mang, tàu đỏ mang, hàng hóa ngất trời. Chốn thí trường rẩy rẩy nho phong. Nhà quốc học đầy đầy sĩ tử. Nhiều nhà giàu một lạ một lùng, giàu có kẻ đến ngàn đến vạn. Mấy ai khó cho bần cho khó, khó sạch không và đất và dùi”.


“Khó sạch không và đất và dùi” : nghèo rớt mùng tơi, không đất cắm dùi, mà dùi cũng không có để cắm. Quan lại phong kiến từ lớn tới nhỏ bức hiếp dân chúng, nhưng đời Minh Mạng tệ đoan này tai hại đến mức nhà Vua phải truyền tịch thu tài sản của phó tổng trấn Gia Định thành là Huỳnh Công Lý rồi đuổi về làm thường dân, tương truyền rằng hắn cậy thế con gái được tuyển vào cung. Chính Minh Mạng nhìn nhận: “Huỳnh Công Lý với tư cách bỉ lậu và thái độ tham tàn, xem thường pháp luật, ăn của đút lót cả vạn quan tiền, bắt dân phải phục dịch cho cá nhân hắn đến vài ngàn người, mọt nước hại dân đến thế là cùng”. (1) Cũng đời Minh Mạng, Thiệu Trị, từ các đồn điền thành lập ở Cam-pu-chia, khá đông người mắc tội quân lưu, tội đồ đã trốn về. Hành động ấy quả là đã chống bọn vua quan nhà Nguyễn. Vợ con được phép đi theo từ lúc họ lãnh án nơi xứ lạ quê người. Đất Gia Định nói chung, Bến Nghé nói riêng đủ điều kiện cho họ lẩn tránh, thay tên đổi họ. Gia Định Thành Thông Chí (phong tục chí) ghi: “Gia Định nhiều thực vật, đất rộng, dân không lo đói rét nên ít dự trữ”. Doãn Uẩn, quê ở Bắc Bộ, vào Gia Định làm quan đời Minh Mạng – Thiệu Trị từng ở Châu Đốc mô tả trong tạp kỷ lược: “Ở đất Gia Định cũng có kẻ nghèo phải đi ăn xin nhưng mỗi tháng đi xin một lần cũng đủ sống, họ thường gom lại nơi đình miếu, mỗi người đều có mùng màn riêng, sống an nhàn vô sự, trộm cắp ít xảy ra, trâu thì chuồng nhốt ngoài đồng. Dân ở đây thích ca múa. (Ta hiểu là thích hát bội.) Sống qua ngày, nghêu ngao không còn thấy hứng thú để cày cấy vì nạn địa tô, nợ vay nặng lời. Thêm lễ vật nộp cho chủ đất vào ngày Tết nào vịt, gà rượu ngon, sáp ong”.

Từ khi đi tiền phong mở đất, người Gia Định mãi khổ cực. Thậm chí, Nguyễn Cư Trinh là quan to của chúa Nguyễn cũng than thở, qua bài tâm sự nhân trận giống tố ở Long Hồ: Thủy đa ngạc ngư, lục xà hổ; Tân điền bất túc tại nhân cầu…

Dưới sông nhiều cá sấu, trên bờ nhiều rắn, nhiều cọp. Đất mới khẩn, lúa thu hoạch không đủ cho bọn quan lại phong kiến vơ vét. Trong khi ấy, cũng theo lời thơ của Nguyễn Cư Trinh: loài tôm và loài đĩa nhờ vào sóng gió mà trèo cao, núp vào rường cột, ám chỉ bọn xu nịnh tham tàn được bề trên tin cậy hơn.

Về giải trí, đồng bào Gia Định thời xưa dùng những hình thức gì?


Ta có thể trả lời là ở Gia Định vẫn theo truyền thống của cả nước, nhưng tùy hoàn cảnh. Thí dụ như môn đua thuyền có cơ phát triển mạnh, nhờ nhiều sông rạch. Ngày Tết trẻ con mặc áo mới, người lớn ăn uống đến mức hoang phí để “xổ xui” và lấy hên. Môn đánh đu bày ra nhiều kiểu đẹp và nhiều kiểu nguy hiểm. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của mô tả đại để:

Đu tiên: Kiểu như cái xe đạp nước khá to, rộng vành, có treo đong đưa chừng sáu chiếc ghế, mỗi ghế một người ngồi. Bánh xe xoay tròn, ai ở phía sát đất thì đạp mạnh lấy trớn cho bánh xe quay không ngừng. Người chơi đu tiên thường mặc quần áo đẹp.

Đu dàn xay hoặc đu ngô: giống như cái cân; đòn của đu tra ngay chính giữa vào cột trụ, hai người ngồi hai đầu đòn ngồi mà nhún, xoay quanh trụ.

Đu bầu: như loại đu mà Hồ Xuân Hương mô tả: bốn mảnh quần hồng bay phất phới. Gọi là bầu vì mỗi bên dùng chừng sáu cây cau, trồng giãn chân ra cho chắc, buộc túm đầu mấy cây cau lại, giống như cái bầu để làm cột.

Đu lộn: giống như đu bầu, dùng cho một người. Người chơi đứng trên bàn đạp, cố sức nhún lấy trớn cho bàn đạp này xoay một vòng tròn. Nguy hiểm nhất là lúc lên cao dộng đầu xuống đất, chân đưa lên trời, dễ tuột rồi té gãy cổ. Không phải cho bàn đu di chuyển nửa vòng, hơn 180 độ, nhưng là quay đủ 360 độ.

Đu rút: trồng hai cây trụ, trên tra cây ngang, bỏ choàng một sợi dây, người chơi đứng trên một mối dây, tay nắm mối dây kia và rút để lên trót cây tra ngang.

Về hình thức văn nghệ, xin thử tìm vài nét lớn. Bài phú Cổ Gia Định ghi lại:

– Dưới Bến Nghé, hát lẳng lơ, giọng con đò, giọng con rổi. Trên tàu voi, ca khủng khỉnh, tiếng thằng mục, tiếng thằng nài… Dãy thầy bói nhóm bên đàng, thầy gieo tiền hào sách hào đơn, lời kỳ cục quẻ rằng linh quẻ. Bọn quân phường ngồi dưới cội, nghe đổ sứa hồi khoan hồi nhặt, giọng oan ương hơi thiệt tốn hơi…


Tiếng hát con đò Thủ Thiêm, của ghe xuồng bán cá ở sông Bến Nghé. Tiếng ca của người chăn voi, chăn ngựa cho quan lại, cho quân đội. Nhưng ca hát làm sao? Theo giọng điệu nào? Có thể giải đáp đó là câu hát huê tình, câu hò của khách thương hồ. Quân phường là quân giữ thói ăn mày, cố ý lấy của xin được mà cúng cho cha mẹ nó, gọi là không cải nghiệp ông cha. Nậu phường có nghĩa nậu ở dơ, ăn bận rách rưới. Giữa Cầu Kho và Chợ Quán thời chúa Nguyễn có xóm ăn mày. Sứa là đồ nhịp làm bằng hai miếng cây khum khum.(1) Lũ ăn mày vừa hát vừa đánh nhịp để xin tiền khách qua đường. Họ hát bài phường, một điệu trong tuồng hát bội ngày xưa. Trước khi vào bài thì mở đầu bằng lối kêu cơm? “Lạy ông đi qua, lạy bà đi lại, làm doan gặp doan, làm phước gặp phước, bố thí cho kẻ bần nhơn đồng tiền hột gạo, bớ ông bà cha mẹ”.


Trong cuộc tiệc thăng quan, giỗ chạp, cưới hỏi, có lệ gọi vài đào kép không chuyên nghiệp đến để “thài, ru, chặp, rổi” với lời lẽ chúc mừng, mời chầu rượu.

Nhưng hình thức thu hút mọi người vẫn là hát bội. Người khá giả ở phố chợ hoặc ở thôn quê ao ước được rước gánh hát bội về trình diễn trước nhà để mời bạn bè thân thuộc đến xem, kèm theo ăn uống. Lẽ dĩ nhiên người được mời phải đóng góp cho chủ nhà số tiền càng nhiều càng tốt. Rồi hoàn phiên như thế. Các quan to ưa sắm gánh hát riêng. Hãy còn truyền tụng trường hợp của nghệ nhân tài hoa là kép Hứa Văn, nhờ ứng phó giỏi khi hát mà thoát ra những trận đòn của Lê Văn Duyệt nổi danh độc tài và khó tánh, nghe hát sai thì nổi trận lôi đình. Đồng bào mê xem hát, học từng lớp, từng hồi để trình diễn chơi, khi có dịp vui. Thí dụ như hát Bài đờn: Tịch tang tôn, tồn tồn tang, táng tảng tịch tôn tang tồn tồn tang… Lại còn Lý ngừng thoàn, điệu ru con. Hoặc hát khách thằng Bột: Rượu bọt ngon, con gái tốt đẹp, xang xang xang cống xang xê cống cống xang xê.

Dịp cúng đình, dịp Tết, đào kép hát bội thường mặc áo mảng thêu rắn thêu hoa như đóng tuồng để đánh đu tiên; lúc chơi đu họ hát bài phiên nghe nhịp nhàng. Bài phiên là điệu hành binh, giọng hùng hồn bộc lộ khí thế của viên tướng chuẩn bị ra trận, tìm quân thù mà đánh, cỡi ngựa lên núi đuổi cọp dữ mà giết.(9)


Uống rượu say, cao hứng thì trình diễn bài điên, giả điên với điệu bộ: “Kìa ma trêu trước cửa nọ quỷ lộng sau hè! Bớ bây ơi! Bớ bây ơi! Tao sợ lắm, tao sợ lắm… Con đàng lắc lẻo quanh co. Đây đã đến giang đầu. Sao chẳng thấy con đò, đò đưa? Làm cho tôi càng chờ, càng đợi càng trưa buổi đò. Bớ bây ơi, con đò nó nói với tao làm vầy…”.

Phần lớn các điệu nói trên phụ thuộc của hát bội; những điệu của dân gian bổ sung một cách hữu cơ cho sân khấu rồi từ sân khấu trở lại dân gian, cải biên ít nhiều.


Ca dao thời xưa cũng vì đó mà lắm khi đượm phong vị của hát bội. Thí dụ như “Cả tiếng kêu người nghĩa của mình”. “Nầy bớ anh Hai ơi, đi đâu đi vội…” . Hoặc nhái lại tiếng trống của người cầm chầu. “Thùng thùng, cắc cắc, chim đậu không bắt lại chờ chim bay…” . Đến như lúc ma chay, việc động quan là một lớp hát bội ngắn với nội dung rất khỏe. Người “nhưng quan” (kiểu như là hát bội) diễn lại sự tích xưa, giống như tích anh chàng Lía (Văn Doan). Đại khái, tên cướp nọ sống ngoài vòng pháp luật, đang ngồi trên núi chợt nghe bọn lâu la báo tin là mẹ ruột đã chết, trong xóm thuộc vùng kiểm soát của bọn cường hào. Anh ta khóc lớn rồi hành động bằng mọi giá, phải đánh cắp cái quan tài mẹ, ban đêm, đem nhanh về núi để có thể săn sóc phần mộ… Công việc không dễ dàng vì bọn cường hào theo dõi, chờ bắt. Bọn lâu la đến do thám anh ta bố trí kế hoạch. Nửa đêm cả bọn xuống núi, được lệnh ngậm thẻ để giữ im lặng, không hở môi. Anh ta cầm đuốc mở đường, chỉ huy cho bọn lâu la xông vào nhà, ăn cắp cái quan tài rồi trở ra nhanh. Đi khỏi xóm một đỗi, anh ta mới bắt đầu than khóc, bọn lâu la hò hét (điệu hò đưa linh) cho đỡ mệt lúc khiêng lên sườn núi. Dọc đường, để chăm sóc cái quan tài không bị xao động, anh ta nhảy lên đứng trên mấy cây đòn khiêng để quan sát, đề phòng bọn cường hào đuổi theo. Bởi vậy, người “nhưng quan” đóng vai tên cướp chịu tang cho mẹ, bịt khăn trắng. Bọn khiêng quan tài (gọi là đạo hò, đạo tỳ) mặc quần áo như bọn lâu la, ngậm cây nhang tượng trưng cho cây thẻ, lạy quan tài. Những hiệu lịnh đều truyền ra theo tiếng gõ sanh (sênh) hoặc động tác của hai ngọn đèn sáp thay cho cây đuốc, tất cả đều ở tư thế khẩn trương bí mật, không gây tiếng động.

Nhân dân ta vốn lạc quan, siêng năng, nhưng tình hình thế giới không phải là phẳng lặng từ lâu.


“Tư bản Pháp càng ngày càng rắp tâm đánh chiếm Việt Nam làm thuộc địa và dùng làm bàn đạp chiếm các nước ở Viễn Đông”. “Đến giữa thế kỷ thứ XIX, nạn xâm lăng của chủ nghĩa tư bản phương Tây đã bao phủ và đè nặng lên đất nước. Tình hình hết sức nguy ngập. Nhưng vua quan nhà Nguyễn vẫn chìm đắm trong cuộc sống xa hoa, hoang phí và tự mãn với những biện pháp đối phó tiêu cực của mình. Triều đình nhà Nguyễn phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về đại họa sắp đến với dân tộc” .(10)


Sơn Nam
Theo “Đất Gia Định – Bến Nghé Xưa – Người Sài Gòn”


Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm


Chú thích :

1. Phủ Biên tạp lục ghi trại ruộng Bà Kén. Đời Tự Đức gọi chợ Kén ở Cần Đước, nay là Rạch Kiến. Có lẽ vì kỵ húy, kén nói ra kiến.

2. Đây là lệ rất khoa học, ra đời khá lâu. Ở Pháp, phải đợi sắc lệnh 4.11.1897 mới có lệ như vậy, cũng theo luật đi bên phải.


3. Trong Đông Dương tạp chí số 98 năm 1961, mục Gương phong tục. Đoàn Huy Bình giải thích: “Triều nhà Lê gọi bốn trấn Sơn Tây, Hải Dương, Sơn Nam, Kinh Bắc là tứ chính. Các người ở bốn trấn ấy đến ở kinh kỳ gọi là tứ chính quần cư. Nghĩa là những người ở cóp với nhau cả. “Trai tứ chính gái giang hồ. Gặp nhau ta nổi cơ đồ cũng nên” nói những kẻ chồng đường vợ sá, gặp nhau nay khá cũng nên.”

4. Đăng tập sang Sử Địa số 3 năm 1966, Sài Gòn từ trang 145.

5. Phủ Biên tạp lục, quyển 6 về Sản Vật, Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa. Tự do xuất bản, Sài Gòn,1960, trang 87.

6. Còn gọi là Gia Định hoài cổ vịnh, tương truyền của Ngô Nhơn Tịnh nhưng tác giả này mất từ năm 1813. Kinh mới đề cặp trong bài thì đào trễ hơn, năm 1819. Rồi An Thông Hà, khai thông ngọn rạch cũ vùng sình lầy, nối đầu đường Tản Đà ngày nay đến đầu đường Phú Định, ăn vào kinh Ruột Ngựa, tức là từ cầu Bà Thuông (Bà Thông) đến rạch Lào như GĐTTC chép. Bài này khuyết danh, soạn ra trước khi Lê Văn Khôi khởi binh, Quy thành còn nguyên vẹn.

7. Minh Mạng chính yếu, quyển 6, Ái dân, năm thứ 3.

8. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, chữ phường, sứa.


9. Gia Định báo số 6, ngày 24- 2- 1870 đăng tin ngày Tết tại chợ Thủ Đức bày cuộc đánh đu tiên “có hát bội mặc áo mãng lên và xít và hát cùng bắt bài phiên nghe rập ràng êm tai lắm”.

10. Lịch sử Việt Nam, tập một, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, trang 381.

Chia sẻ Facebook