Vệ sinh mũi đúng cách để phòng tránh COVID-19
Trong cơ thể con người, tai mũi họng được coi là cửa ngõ quan trọng để chốt chặn sự xâm nhập của vi khuẩn, virus và nấm.
90% virus SARS-CoV-2 nằm trong mũi của bệnh nhân, sau đó tiếp tục xâm nhập vào phổi, đây là con số công bố của nhiều nghiên cứu trên thế giới. Vì vậy, những thao tác vệ sinh mũi đơn giản, nhưng có thể đem lại nhiều hiệu quả trong việc phòng chống COVID-19 và những bệnh đường hô hấp khác.
PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào - Giảng viên cao cấp Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: Với những người có hệ thống mũi xoang họng hoàn toàn bình thường, sẽ dùng nước muối 9/1.000 có bán sẵn trên thị trường hoặc có thể tự pha loãng. Để vệ sinh mũi, cho nước muối vào một lọ nhỏ và nhỏ mỗi bên mũi khoảng 5, 6 giọt, sau đó hít lên nhẹ nhàng và khạc ra ngoài.
Với những người có tiền sử viêm mũi xoang hoặc viêm mũi xoang mãn tính, dùng nước muối pha nhỏ mỗi bên 10 - 15 giọt, lặp đi lặp lại khoảng 5 lần để làm sạch mũi. Có thể dùng các loại nước với nồng độ nhất định được bán trên thị thường để xịt hoặc nhỏ theo hướng dẫn trên lọ. Nếu khi sử dụng 3 - 5 ngày mà tình trạng kích thích của mũi tăng lên thì nên gặp các bác sĩ chuyên tai mũi họng".
Theo các bác sĩ, sai lầm thường gặp nhất trong vấn đề vệ sinh mũi đó là nhầm tưởng dùng xilanh bơm càng mạnh hoặc dùng dung dịch càng nóng thì vệ sinh mũi càng đem lại hiệu quả.
PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào cho biết thêm: "Không nên bơm rửa sẽ làm trôi mất lớp nhầy bảo vệ niêm mạc mũi, đồng thời sự chênh lệch nhiệt độ giữa nước muối pha với nhiệt độ bình thường của niêm mạc mũi sẽ làm cho niêm mạc mũi bị kích thích thêm".
Bên cạnh nhỏ mũi thì việc vệ sinh có thể bằng cách xông với các bước làm nóng dung dịch, dùng giấy bìa cứng tạo phễu, để mũi cách phễu 40cm và hít nhẹ nhàng. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, thời gian xông là một yếu tố cần lưu ý.
PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào lưu ý: "Chúng ta có thể xông nước muối hoặc các thuốc kháng sinh, kháng viêm, tuy nhiên cần có chỉ định của bác sĩ. Thời gian xông an toàn là dưới 7 ngày, mỗi lần xông là 5 - 10 phút. Nếu có bất kỳ biểu hiện bất thường sau khi xông hoặc đang xông mà xuất hiện cảm giác mệt mỏi, nhịp tim đập nhanh hơn thì lập tức phải dừng phương pháp xông lại. Sau 30 phút, nếu triệu chứng tăng nặng thì cần đến bệnh viện để được đánh giá cụ thể".