Vé máy bay tăng phi mã, quá tải trên trời dưới đất, ai cũng 'mệt cầm canh'
Giá vé máy bay dịp hè đang tăng phi mã, nhiều hành khách mua giờ bay sáng sớm hoặc đêm muộn việc đi lại khó khăn hơn nhưng cũng không có giá rẻ.
Theo ông Nguyễn Nam Tiến, phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM), công suất khai thác vốn đã quá tải, thời gian gần đây tần suất bay tăng và lượng khách đi lại vào khung giờ cao điểm rất đông, dẫn đến tình trạng chậm, hủy chuyến.
Không còn giá vé bay rẻ
Chị Thu Yến (quê Đà Nẵng) cho biết đã phải chi tới 6,7 triệu đồng cho 2 vé máy bay khứ hồi từ Đà Nẵng - TP.HCM, khởi hành ngày 4-7 và trở về ngày 9-7, dù vé chiều đi và chiều về đều vào khung giờ sáng sớm (6h) nên chị phải đến sân bay trước 2 tiếng. "Đi từ tờ mờ sáng, tưởng giá vé rẻ hơn nhưng ai ngờ giá cao như Tết. 2 vé khứ hồi giá 6,7 triệu đồng, không thể tin nổi" - chị Yến nói.
Khảo sát trên website của các hãng bay nội địa, các chặng bay đến điểm du lịch giai đoạn từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8-2022, giá vé tăng mạnh, hầu như không còn giá rẻ như các hãng quảng cáo. Trong đó, chặng bay trục Hà Nội - TP.HCM đều tăng từ 20 - 30% so với tháng trước, trên 2,3 - 4 triệu đồng/vé.
Đường bay Hà Nội - Phú Quốc, ngay cả bay lúc 21h giá vẫn neo ở mức khá cao, với Vietjet là 1,9 triệu đồng/vé, Vietnam Airlines và Bamboo Airways từ 2 - 3,5 triệu đồng/vé. Đây là mức giá cho hành trình một chiều. Nếu chọn lựa hành trình khứ hồi, cả chiều đi và chiều về, giá vé ít nhất là 4 - 5 triệu đồng/vé. Với hành trình bay từ TP.HCM ra Đà Nẵng, giá vé rẻ nhất cũng trên 1,3 triệu đồng/vé, thay vì 700.000 - 1 triệu đồng/vé như trước.
Quá tải từ trên trời, dưới đất
Ông Nguyễn Minh Tuấn - phó giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam - cho biết hành khách đi lại dịp hè đang tăng mạnh, trung bình 650-800 chuyến bay mỗi ngày, sản lượng khách 110.000 - 120.000 khách/ngày. Đây là tín hiệu phục hồi tích cực nhưng đặt ra áp lực rất lớn về quản lý vận hành tại sân bay nhộn nhịp nhất cả nước này.
Tuy nhiên, tần suất bay và sản lượng khách tăng xấp xỉ gần bằng mùa Tết nhưng tập trung chủ yếu ở ga quốc nội, còn ga quốc tế vẫn thông thoáng. Với hạ tầng chật hẹp tại ga quốc nội, khách đi lại đông dẫn đến tình trạng quá tải từ trên trời, dưới đất.
Theo ghi nhận, nhiều khách không có đủ ghế ngồi, phải nằm vạ vật ở sàn nhà ga quốc nội. Không chỉ ùn tắc cục bộ ở khu vực làm thủ tục, khu vực soi chiếu, do mật độ khai thác bay với tần suất cất/hạ cánh cao, tình trạng lưu thông ở sân bay, các đường băng và trên trời cũng ùn, nghẽn.
Anh Nguyễn Ngọc Quỳnh - hành khách trên chuyến bay VJ624 - cho biết khi máy bay hạ cánh ở sân đỗ Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, hàng trăm hành khách phải chờ 30-40 phút mới có xe thang tới đón, chưa kể vào quầy băng chuyền nhận hành lý của chuyến bay trên khá lâu.
"Tính thời gian từ khi máy bay đáp xuống đường băng đến khi ra khỏi nhà ga, tôi phải loay hoay hơn 1 tiếng. Quá lâu, sân bay quá tải thật sự" - anh Quỳnh nói.
Vietnam Airlines kiến nghị các bộ cáo báo cấp thẩm quyền giảm 100% thuế môi trường, tăng giá trần vé máy bay nội địa từ 7-2022, nghiên cứu phương án bỏ quy định giá trần và cho phép hãng được phụ thu nhiên liệu trên các chặng bay nội địa.