Vẽ gánh hàng rong gánh cả Hà Nội, tranh của sinh viên IT được trả gần 200 triệu

Chia sẻ Facebook
28/05/2022 01:18:42

Mang tranh đi thi với hi vọng được học hỏi, Thái Tuấn may mắn giành giải nhất. Bức tranh sau đó được bán đấu giá và thu về 8.000 USD (khoảng 185,6 triệu đồng).

Đặng Thái Tuấn (22 tuổi, Hà Nội, sinh viên năm thứ 4 ngành Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ Thuật Công nghiệp Hà Nội) là tác giả của bức tranh "Hà Nội rong" đã đạt giải nhất trong cuộc thi cuộc thi vẽ minh họa "Hà Nội là…" do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) và Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) tổ chức.


Ý tưởng về gánh hàng rong gánh cả Hà Nội

Chia sẻ về bức tranh của mình, cậu sinh viên IT cho biết cuối tháng 8/2021 cậu biết đến cuộc thi "Hà Nội là…", thời điểm ấy chàng trai trẻ bận rộn với việc học và nhiều dự án cá nhân.

"Bản thân mình lúc đấy cũng không có cảm hứng sáng tác nên chẳng đăng ký", Tuấn nói và cho biết khi chỉ còn hai tuần nữa cuộc thi kết thúc, những dự án cá nhân đã hoàn thành, cậu mới quyết định đăng ký tham gia vẽ. Tuấn gấp rút hoàn thành tác phẩm của mình để kịp nộp lên ban tổ chức.

Đăng ký tham gia, Tuấn cũng khá đau đầu với ý tưởng. Hà Nội là một khái niệm rộng. Đối với Tuấn, Hà Nội có thể là những di tích lịch sử cổ kính, là các quán ăn như bún chả, bún đậu mắm tôm,… cũng có thể là hoạt động của người dân ở Hà Nội, hay đơn giản là cái cột điện chằng chịt dây.

Tuấn nói với cậu nếu dùng một hình ảnh cụ thể để định nghĩa Hà Nội thì thật sự không có. Chàng trai trẻ cho rằng tất cả những thứ nằm trong Hà Nội, dù là một vật nhỏ cho đến những thứ to lớn, hoành tráng đến đâu, luôn có một đặc điểm chung ẩn sâu bên trong là sự giản dị.

Vậy nên cậu chọn những hình ảnh đơn giản, mộc mạc mà đặc trưng nhất của Hà Nội để làm nguồn cảm hứng chính, và hình ảnh gánh hàng rong ra đời. Vì cũng muốn tranh có thêm nhiều hình ảnh khác trong đó, Thái Tuấn áp dụng ý tưởng "gánh cả Hà Nội".

Bức tranh Hà Nội rong của Tuấn được giải nhất cuộc thi "Hà Nội là..."

"Mình lên ý tưởng vẽ một người phụ nữ gánh theo đôi quang gánh, bên trong những chiếc thúng là các di tích, quán ăn, đường xá, là nét văn hóa của người Hà Thành", Tuấn chia sẻ.

Thời điểm cậu sinh viên năm 4 vẽ bức tranh này cũng là lúc Hà Nội đang trong thời gian giãn cách vì Covid-19, Tuấn không thể ra ngoài nhìn ngắm cảnh vật, phố phường Hà Nội để đưa vào tranh. Bằng những ký ức của cậu thanh niên lớn lên tại Hà Nội và sự giúp đỡ từ "Google", Tuấn vẽ những nét đầu tiên về Hà Nội theo tưởng tượng của cậu.

Bắt đầu vẽ Tuấn gặp nhiều khó khăn vì bức tranh sử dụng nhiều chi tiết, các chi tiết đặc trưng của Hà Nội thể hiện trên hai cái thúng, có nhiều hình ảnh di tích lịch sử Tuấn chưa vẽ bao giờ, cậu mất mấy ngày quan sát thật kỹ để vẽ đúng cấu trúc nhất có thể. Lần đầu thực hiện, chàng trai 22 tuổi cũng mất khá nhiều thời gian để sắp xếp bố cục sao cho hợp lý.

"Vì phải vẽ với hình ảnh khá rộng và dài nên việc tìm một góc nhìn hợp lý tương đối khó. Mình cũng vẽ ra một vài phương án khác nhau, và cuối cùng mình đã chọn được góc nhìn từ dưới lên", Tuấn cho biết.

Tuấn giới thiệu về bức tranh của mình cho khách đến xem triển lãm.

Dù gặp nhiều khó khăn trong lúc vẽ, nhưng Tuấn cho biết nhờ có năng khiếu và đam mê vẽ từ nhỏ, cậu nhanh chóng hoàn thành được bức tranh kịp ngày dự thi.

Thái Tuấn chia sẻ, vẽ là đam mê từ nhỏ của cậu, trước đây cậu thường vẽ lại những nhân vật hoạt hình mà mình yêu thích. Lớn dần các bức tranh vẽ của cậu không còn là chiếc ô tô, con vật, hay cây cỏ, Tuấn đã có thể vẽ những bức tranh lớn nhiều màu sắc cảnh vật.

Năm đầu đại học, Tuấn đã xin đi làm thiết kế đồ hoạ cho một số công ty startup nhỏ để kiếm thêm thu nhập. Khi có tiền, Tuấn sắm được chiếc iPad mới, bắt đầu học vẽ Digital.

Qua thời gian luyện tập, cuối cùng bức tranh cậu sinh viên IT thấy tử tế nhất cũng ra đời – bức "Bánh chưng". "Mình cũng đăng thử lên một group về thiết kế, và không ngờ được mọi người ủng hộ khá nhiều", từ đấy Thái Tuấn bắt đầu với công việc vẽ tranh Digital (vẽ tranh bằng máy tính).

Bán tranh ủng hộ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Chàng sinh viên năm tư có niềm yêu thích vẽ tranh từ nhỏ.

"Hà Nội rong" không phải bức tranh đầu tiên Tuấn vẽ bằng Digital nhưng là bức tranh chứa đựng nhiều chi tiết khó, và có những hình ảnh lần đầu cậu thực hiện vẽ.

Khi bức tranh giành được giải nhất cuộc thi, Thái Tuấn khá vui mừng vì công sức bao đêm thức trắng của mình được đền đáp.

Bức tranh sau đó được mang đi đấu giá với giá khởi điểm là 3.000 USD. Tuấn nói khi được mời tham gia sự kiện đấu giá tranh, cậu không kỳ vọng quá vào việc tranh bán được nhiều tiền. Sau khi thấy mức giá khởi điểm là 3.000 USD, cậu ngỡ ngàng và càng kinh ngạc hơn khi số tiền đấu giá thành công 8.000 USD.

"Mình cũng từng vẽ tranh bán, nhưng mức giá này nó gấp mấy chục lần những bức tranh trước đó", Tuấn vui mừng nói.

Sau khi bức tranh được bán, cậu trích một nửa số tiền để ủng hộ các trẻ em nghèo bị ảnh hưởng dịch Covid-19 thời điểm đó. Nửa còn lại cậu phục vụ cho việc vẽ những bức tranh tiếp theo về Hà Nội để quảng bá với bạn bè quốc tế về nét đẹp của Thủ đô, của Việt Nam.

Tuấn đang ấp ủ một số dự án tranh vẽ giới thiệu Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Hiện tại ngoài việc học, Thái Tuấn đang hợp tác với một số hãng/trang về sản phẩm nghệ thuật, thời trang,… Trong tương lai để tăng trải nghiệm vẽ, Tuấn muốn thử nghiệm vài cách vẽ mới cho tranh của mình.

Cùng với đó, chàng trai 22 tuổi sẽ thực hiện một số dự án cá nhân giới thiệu văn hóa và con người Việt Nam đến cho bạn bè quốc tế thông qua những bức tranh. Tuấn cũng mong muốn những bức tranh của mình được đem đi đấu giá để có thể giúp đỡ cho các dự án vì cộng đồng.


Theo Nguyễn Ngoan

Tổ Quốc

Chia sẻ Facebook