Vẻ đẹp mê đắm dưới đáy biển Hòn Mun - nơi Nha Trang đang dốc sức bảo vệ
Từ tháng 6/2022, tình trạng san hô tại đảo Hòn Mun "chết trắng" khiến nhiều người xót xa, bởi khu vực này vốn có hệ sinh thái vô cùng phong phú và tuyệt đẹp.
Chiều 19/8, tại thành phố Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức họp, nghe báo cáo về kế hoạch phục hồi hệ sinh thái rạn san hô tại đảo Hòn Mun nói riêng, vịnh biển Nha Trang nói chung, sau khi xảy ra hiện tượng san hô chết trắng tại một số khu vực của vịnh.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Sỹ Khánh, Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang cho biết, UBND thành phố đã, đang thực hiện nhiều giải pháp để phục hồi rạn san hô và hệ sinh thái trong vịnh Nha Trang. Trong đó, thành phố phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tiến hành đánh giá sơ bộ hệ sinh thái rạn san hô trong vịnh, đặc biệt là khu vực nhạy cảm Hòn Mun, khu vực Vĩnh Hòa, các khu vực bãi đẻ. Dự kiến trong tháng 9/2022 sẽ có báo cáo kết quả.
Thành phố đã đóng cửa 6/7 điểm lặn trong vịnh Nha Trang, trồng rừng ở một số khu vực phù hợp. Trong tháng 9, thành phố sẽ phối hợp cùng Viện Hải dương học thực hiện giám sát rạn san hô trong vịnh.
Từ tháng 6/2022, sau khi xuất hiện tình trạng san hô tại đảo Hòn Mun "chết trắng", đội công tác liên ngành trên bờ đã tổ chức kiểm tra 24/24 giờ, xử lý các trường hợp xâm hại rạn san hô, khu vực bảo tổn; tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở người dân, du khách chấp hành quy định bảo vệ hệ sinh thái biển.
Thành phố Nha Trang cũng tham mưu cho UBND tỉnh Khánh Hòa kế hoạch phục hồi vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2022 -2030 với 2 nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài. Giải pháp trước mắt chủ yếu liên quan đến việc tạm dừng các hoạt động gây hại đến môi trường và rạn san hô tại khu vực Hòn Mun và các khu vực biển khác trong vịnh Nha Trang; thực hiện đề án phân vùng chức năng khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang và hoạt động liên ngành về giám sát các hoạt động trên vịnh; phục hồi rạn san hô đã bị suy thoái ở khu vực biển Hòn Mun…
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đề nghị các đơn vị thực hiện mạnh mẽ các giải pháp để bảo tồn hệ sinh thái biển. Đối với thành phố Nha Trang, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thành phố cần đưa ra các giải pháp bảo tồn, phục hồi san hô bền vững, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị được giao thực hiện; sớm triển khai phân khu quy hoạch trên biển. Các sở, ban ngành khác có các nghiên cứu khoa học về môi trường, san hô, hệ sinh thái biển đã được nghiệm thu khoa học cần đưa vào thực tiễn. Việc chuyển đổi nghề, sinh kế cho người dân cần được thực hiện theo hướng động viên người dân thực hiện nuôi trồng theo công nghệ cao. Quan trắc môi trường phải được thực hiện thường xuyên…
Trước đó, ngày 21/6, kết luận của Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, do tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của hai cơn bão lớn vào các năm 2019, 2021 và một số nguyên nhân chủ quan do con người khiến san hô tại vịnh Nha Trang bị suy giảm, dẫn đến hệ sinh thái trong vịnh bị biến đổi. Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu thành phố Nha Trang tạm dừng hoạt động ở một số khu vực trong vịnh, nhất là đảo Hòn Mun để bảo vệ các rạn san hô và hệ sinh thái biển; đồng thời, yêu cầu chính quyền bảo vệ nghiêm ngặt khu vực Hòn Mun, phối hợp các chuyên gia, viện nghiên cứu đánh giá đầy đủ thực trạng các rạn san hô ở vịnh, lập kế hoạch phục hồi.
Hy vọng với sự quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, tới đây, hệ sinh thái biển ở Hòn Mun sẽ được bảo vệ tốt hơn và từng bước phục hồi, lấy lại được vẻ đẹp tuyệt vời của tạo hóa.
Cùng VTV News chiêm ngưỡng lại những "kiệt tác" của tạo hóa ở Hòn Mun qua ống kính của nhiếp ảnh gia Phạm Huy Trung - người sở hữu những bức ảnh chụp thiên nhiên Việt Nam đẹp đến ngỡ ngàng.