VDSC: Hơn 80% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh
VietTimes – CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã nhận định như vậy trong báo cáo vĩ mô tháng 6/2023 với tiêu đề “Kinh tế quý 2/2023 vẫn tăng thấp”.
Theo VDSC, khảo sát mới nhất của ban Nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) tại 9.556 doanh nghiệp cho thấy, có đến 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm; 83,7% doanh nghiệp đánh giá bức tranh kinh tế tiêu cực.
Điểm tích cực trong tháng 5/2023 là doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ duy trì tăng trưởng ở mức 11,5% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hoá phục hồi so với mức tăng 9,7% của tháng trước.
Tuy nhiên, VDSC nhận thấy ngành bán lẻ vẫn có một số khó khăn như hiệu ứng mức nền thấp đang dần phai nhạt và tăng trưởng của lĩnh vực du lịch, lưu trú ăn uống đang giảm tốc; tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hoá, dịch vụ cũng đang giảm tốc ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, doanh số bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 12,6% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ yếu tố giá, chỉ số này tăng trưởng 8,4% so với cùng kỳ, tăng nhẹ so với mức tăng 8,3% của 4 tháng đầu năm 2023.
Báo cáo của VDSC cho biết thêm, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 5/2023 dù có cải thiện so với tháng trước nhưng vẫn trong vùng “ không tăng trưởng ” so với cùng kỳ.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2% so với cùng kỳ, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo giảm 2,5% so với cùng kỳ.
Một số ngành ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ đáng chú ý gồm chế biến thực phẩm (+3,8%), than cốc và dầu mỏ (+12,7%), cao su (+6,3%)... Những ngành sụt giảm mạnh kể đến như may mặc (-8,3%), xe có động cơ (-10,1%), điện tử (-5,1%)…
Ở khía cạnh sản lượng, mặt hàng điện thoại di động giảm mạnh trong tháng 5/2023 với mức giảm 24,9%, ô tô giảm 32,6%, may mặc giảm 6,7%.
Đối với lĩnh vực sản xuất, VDSC đánh giá bức tranh ngắn và trung hạn của lĩnh vực này không lạc quan khi chỉ số quản lý thu mua (PMI) đã giảm xuống 45,3 điểm trong tháng 5/2023 – mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này được thống kê (không tính giai đoạn bị ảnh hưởng bởi Covid-19).
Cùng với đó, hoạt động nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng âm trong tháng 5/2023 với mức giảm khoảng 18,4% so với cùng kỳ, cao hơn mức giảm của tháng trước.
GDP quý 2/2023 dự kiến tiếp tục tăng trưởng chậm
Cũng trong báo cáo này, VDSC cho biết, tổng sản phẩm trong nước ( GDP ) quý 2/2023 của Việt Nam ước tính chỉ tương đương hoặc cao hơn một chút so với mức tăng của quý 1 (khoảng 3,0-3,5%).
Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hoá, lưu trú, ăn uống chiếm khoảng 11-12% GDP tiếp tục là bệ đỡ cho tăng trưởng, với mức tăng trưởng tương đương quý 1/2023, khoảng 11-12% so với cùng kỳ.
Lĩnh vực công nghiệp nhiều khả năng sẽ không tăng trưởng; lĩnh vực xây dựng có thể khởi sắc hơn quý 1 nhờ tăng trưởng trong giải ngân vốn đầu tư công .
Theo VDSC, tốc độ tăng vốn đầu tư so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023 ước đạt 30%, điều này sẽ phần nào giúp bù đắp sự sụt giảm trong lĩnh vực xây dựng bị ảnh hưởng bởi lĩnh vực bất động sản.
Với diễn biến kinh tế tăng trưởng thấp kéo dài suốt nửa đầu năm, VDSC dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 ở mức 5% sẽ rất khó để đạt được./.