VCS đặt mục tiêu 2023 đi lùi, muốn hủy phương án mua lại 4.8 triệu cp quỹ
CTCP Chứng khoán VIX (HOSE: VIX) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, dự kiến tổ chức ngày 15/04, tại Hà Nội. Một nội dung quan trọng là phát hành cổ...
VCS đặt mục tiêu 2023 đi lùi, muốn hủy phương án mua lại 4.8 triệu cp quỹ
CTCP Vicostone ( HNX : VCS ) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, dự kiến tổ chức ngày 12/04, tại Hà Nội. Nổi bật là việc dự trình cổ đông thông qua hai kịch bản kinh doanh 2023 cũng như hủy phương án mua lại 4.8 triệu cp quỹ…
Trước đó, phương án mua lại 4.8 triệu cp quỹ đã được ĐHĐCĐ bất thường 2022 thông qua vào ngày 29/12/2022. Thời gian giao dịch dự kiến trong quý 1/2023. Mục đích mua lại cổ phiếu là để bảo vệ lợi ích của cổ đông và nhà đầu tư trước tình hình thị trường chứng khoán có nhiều diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá lại thị trường và định hướng, kế hoạch cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trong năm 2023, VCS nhận thấy tình hình kinh tế có thể tiếp tục biến động, và điều này sẽ gây ảnh hưởng đến các thị trường chính của VCS khi doanh nghiệp có doanh thu phần lớn đến từ thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, Công ty có kế hoạch đầu tư các dự án nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và dài hạn. Năm 2023, HĐQT sẽ trình cổ đông thông qua chủ trương chuyển nhượng dự án về nhà máy hóa chất.
Tại thời điểm HĐQT trình ĐHĐCĐ bất thường 2022 thông qua phương án mua lại cổ phiếu quỹ, giá cổ phiếu VCS liên tục giảm, có thời điểm dưới 35,000 đồng/cp. Tuy nhiên, sau những đợt sụt giảm mạnh, TTCK Việt Nam nói chung cũng như cổ phiếu VCS nói riêng đã bắt đầu có một số dấu hiệu ổn định.
Vì vậy, nhằm đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trước diễn biến phức tạp của nền kinh tế cũng như đầu tư dài hạn cho các dự án trọng điểm, đảm bảo cho chiến lược phát triển bền vững, HĐQT trình ĐHĐCĐ thông qua hủy phương án mua lại 4.8 triệu cp quỹ.
Hai kịch bản kinh doanh với lợi nhuận đều đi lùi
Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, VCS dự kiến trình cổ đông hai kịch bản kinh doanh chính.
Kịch bản thứ nhất, Công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 5,891 tỷ đồng, lãi trước thuế đạt 1,325 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 4% và giảm gần 4% so với thực hiện năm 2022.
Kịch bản thứ hai, trong điều kiện các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội tác động theo chiều hướng không thuận lợi với hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, doanh thu thuần và lãi trước thuế dự kiến đạt 4,713 tỷ đồng và 1,060 tỷ đồng, giảm lần lượt gần 17% và 23% so với năm trước.
Nhìn lại tình hình sản xuất kinh doanh năm 2022, HĐQT cho rằng Công ty phải chịu tác động mạnh từ các yếu tố kinh tế vĩ mô toàn cầu như: lạm phát cao tại nhiều quốc gia, xung đột Nga-Ukraine, chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc, khủng hoảng logistics từ cuối năm 2021… do Vicostone có doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu.
Dù phần lớn các yếu tố trên đã được Công ty dự tính và đưa vào danh mục rủi ro năm 2022 khi lập kế hoạch và cũng đã được nêu ra tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 nhưng sự biến động khó lường của thị trường vẫn tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh tại các thị trường trọng điểm trong năm 2022.
Do đó, doanh thu thuần 2022 của VCS đạt hơn 5,660 tỷ đồng và lãi trước thuế hơn 1,377 tỷ đồng, giảm lần lượt 20% và 34% so với năm 2021. Kết quả này chỉ giúp Công ty thực hiện hơn 64% kế hoạch doanh thu và 52% mục tiêu lợi nhuận năm.
Với kết quả đạt được, Công ty đã thực hiện 2 đợt chi trả cổ tức 2022 bằng tiền mặt với tổng tỷ lệ 60% (6,000 đồng/cp), tương ứng số tiền đã chi 960 tỷ đồng, thời gian thực hiện là tháng 6 và tháng 12/2022.
Đến ngày 31/12/2022, VCS còn gần 2,818 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Tuy nhiên, Công ty hiện đang bỏ ngỏ kế hoạch chi cổ tức năm 2023.
Muốn nhận chuyển nhượng nhà máy hoá chất từ công ty mẹ - Phenikaa
Vicostone cũng công bố tờ trình cổ đông thông qua chủ trương nhận chuyển nhượng dự án “Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nhựa Polyester không có khả năng chịu bức xạ UV và bền thời tiết, ứng dụng trong sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh và vật liệu compozit khác”.
Bên chuyển nhượng là CTCP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) - công ty mẹ của Vicostone. Giá trị chuyển nhượng căn cứ vào định giá của đơn vị định giá độc lập.
VCS cho biết việc nhận chuyển nhượng này sẽ giúp Công ty chủ động về nguồn nguyên vật liệu sản xuất, tăng nguồn thu cho Công ty từ hoạt động kinh doanh hoá chất.
Theo công bố, dự án đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 và được ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc chấp thuận kết quả nghiệm thu đưa vào hoạt động. VCS cho biết dự án đã đi vào khai thác và vận hành ổn định.
Sản lượng sản xuất của dự án năm 2021 và 2022 lần lượt là 18,773 tấn và 15,600 tấn. Công suất thực tế có thể đạt 24,000 tấn nhựa Polyester/năm.
Ngoài ra, HĐQT sẽ trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT của bà Nguyễn Diệu Thuý Ngọc, và thông qua danh sách ứng viên bầu thay thế vào HĐQT là ông Phạm Trí Dũng (sinh năm 1971), hiện đang giữ chức Tổng Giám đốc Công ty.
Thế Mạnh