VCCI: Tình trạng “du di” kết quả đánh giá khiến hàng hoá khó xuất khẩu

Chia sẻ Facebook
25/11/2023 02:30:00

Theo VCCI, tình trạng cố tình “du di” để có kết quả đánh giá tốt hơn theo yêu cầu của khách hàng dẫn đến nhiều tác động tiêu cực như hàng hoá khó xuất khẩu hơn.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời công văn của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề nghị góp ý Hồ sơ Dự án xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (sau đây gọi tắt là Dự thảo).

Bảo đảm mức độ tin cậy của dịch vụ đánh giá sự phù hợp

Theo VCCI, các dịch vụ đánh giá sự phù hợp (như giám định, chứng nhận…) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế. Về lý thuyết, dịch vụ này giúp khắc phục một trong những khuyết tật của thị trường là chênh lệch thông tin giữa người mua và người bán, từ đó giúp cho các giao dịch trong nền kinh tế diễn ra thuận lợi hơn.

Chủ trương xã hội hoá, tăng tính cạnh tranh trên thị trường dịch vụ đánh giá sự phù hợp trong thời gian qua đã mang lại nhiều tác động tích cực như thời gian phục vụ được rút ngắn, chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng tăng, chi phí giảm… Tuy nhiên, do nhu cầu cạnh tranh để thu hút khách hàng, không ít trường hợp đơn vị cung cấp dịch vụ đã đáp ứng cả nhu cầu của khách hàng về việc có kết quả đánh giá không trung thực.

Trong thời gian qua, theo phản ánh của một số doanh nghiệp với VCCI thì mức độ tin cậy của một số đơn vị đánh giá sự phù hợp của Việt Nam chưa cao. Tình trạng cố tình “du di” để có kết quả đánh giá tốt hơn theo yêu cầu của khách hàng vẫn còn diễn ra ở một số nơi. Điều này khiến cho các kết quả giám định, chứng nhận này bị người tiêu dùng trong nước và nước ngoài nghi ngờ, dẫn đến nhiều tác động tiêu cực như hàng hoá của Việt Nam khó xuất khẩu hơn, các doanh nghiệp trung thực không thể cạnh tranh được với các đối thủ gian dối.

Do đó, chính sách của Nhà nước đối với dịch vụ này cần đáp ứng hai mục tiêu. Một mặt, Nhà nước nên tiếp tục mở rộng xã hội hoá, tăng cường cạnh tranh trên thị trường bằng cách loại bỏ hoặc hạ thấp các điều kiện gia nhập thị trường, chỉ định nhiều hơn các đơn vị có đủ năng lực cung cấp dịch vụ, không can thiệp vào giá dịch vụ. Mặt khác, Nhà nước cũng cần kiểm soát kỹ tính trung thực, khách quan của các kết quả đánh giá để các kết quả này được xã hội tin tưởng. Nói cách khác, cần làm sao để các tổ chức đánh giá sự phù hợp tăng cường cạnh tranh với nhau về giá cả, chất lượng dịch vụ nhưng không được cạnh tranh bằng cách “du di” kết quả đánh giá theo nhu cầu của khách hàng.

Về quản lý dịch vụ này, các quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật theo VCCI nên được sửa đổi theo hướng tiếp tục giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với dịch vụ này, như các yêu cầu về máy móc, thiết bị, số lượng, kinh nghiệm của nhân sự.

Tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính để cung cấp dịch vụ theo hướng doanh nghiệp tự khai báo, tự chịu trách nhiệm khi cung cấp dịch vụ mới, tương tự như đã quy định trong lĩnh vực đo lường.

Bổ sung thêm quy định cấm các cơ quan nhà nước từ chối chỉ định đơn vị đánh giá sự phù hợp đủ năng lực. Bổ sung thêm quy định cấm về việc cố tình làm sai lệch kết quả đánh giá sự phù hợp.

Bổ sung thêm quy định về hậu kiểm các kết quả đánh giá sự phù hợp. Ví dụ, cơ quan nhà nước sẽ lựa chọn ngẫu nhiên một số kết quả đánh giá sự phù hợp của các đơn vị cung cấp dịch vụ (có thể áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro để xác định tần suất) và tiến hành kiểm tra lại. Nếu kết quả cho thấy có sai sót quá mức cho phép thì tuỳ mức độ có chế tài phù hợp đối với đơn vị đó.

Chồng chéo giữa dịch vụ đánh giá sự phù hợp và dịch vụ giám định thương mại

Cũng theo VCCI, hiện nay, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm định, giám định hàng hoá (đặc biệt là hàng hoá xuất khẩu), họ đang phải cùng lúc xin hai giấy phép cho hoạt động này, một là giấy phép để cung cấp dịch vụ đánh giá sự phù hợp do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, và hai là giấy phép cung cấp dịch vụ giám định thương mại do Bộ Công Thương quản lý theo Luật Thương mại.

Về lý thuyết, hai thuật ngữ dịch vụ giám định thương mại và dịch vụ đánh giá sự phù hợp có nội hàm khác nhau, nhưng phạm vi trùng lặp rất lớn. Trên thực tế thị trường, hầu như không có trường hợp nào khách hàng đi thuê hai đơn vị khác nhau để thực hiện các công việc này.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với Bộ Công Thương để thống nhất quản lý nội dung này nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ. Trong trường hợp cần thiết có thể sửa đổi Luật Thương mại để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật.

Tính tự nguyện của tiêu chuẩn kỹ thuật

Điều 23 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định “Tiêu chuẩn được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện”.

Tuy nhiên, hiện nay, có khá nhiều loại hàng hoá thuộc diện “bắt buộc” phải có tiêu chuẩn kỹ thuật thì mới được lưu thông như vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản, giống thuỷ sản, sản phẩm viễn thám, sản phẩm khí, xăng dầu, mũ bảo hiểm…

Thêm vào đó, Điều 17.1 của Nghị định 119/2017/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 126/2021/NĐ-CP) xử phạt hành vi “không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định trong sản xuất hoặc nhập khẩu”.

Việc đưa ra quy định về việc loại hàng hoá nào bắt buộc phải áp dụng tiêu chuẩn và loại hàng hoá nào có thể tự nguyện áp dụng tiêu chuẩn hiện không có tiêu chí rõ ràng, cũng không có danh mục để doanh nghiệp tiện tra cứu.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng họ bị xử phạt do không biết rõ hàng hoá của mình thuộc diện phải áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật. Thêm vào đó, quy định này khiến nhiều doanh nghiệp thuê dịch vụ “làm tiêu chuẩn cơ sở” một cách đối phó. Các tiêu chuẩn này sau đó không được cung cấp cho người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng cũng không có thông tin để lựa chọn hàng hoá có chất lượng tốt hơn.

Đối với các doanh nghiệp thực sự muốn cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm thì họ sẽ tự nguyện xây dựng tiêu chuẩn cơ sở với các nội dung yêu cầu cao và quảng bá tiêu chuẩn đó đến với khách hàng để khách hàng ưu tiên lựa chọn. Còn các doanh nghiệp thực hiện đối phó thì việc bắt buộc có tiêu chuẩn không mang lại ý nghĩa gì.

Dự thảo bổ sung một thủ tục hành chính mới liên quan đến việc thông báo tiêu chuẩn cơ sở. Theo đó, tổ chức cá nhân công bố tiêu chuẩn cơ sở phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và Chính phủ sẽ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thông báo tiêu chuẩn cơ sở.

Về nguyên tắc, người tiêu dùng (bên mua) là người cần được tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn hàng hoá, dịch vụ do mình mua. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định bảo đảm rằng người mua sẽ tiếp cận được thông tin này.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số quy định sau trong dự thảo:

Thứ nhất, xác định rõ tính tự nguyện của tiêu chuẩn kỹ thuật, tức là chỉ tự nguyện về mặt nội dung, lựa chọn tiêu chuẩn nào hay bao gồm cả sự tự nguyện (hoặc sự bắt buộc) phải có ít nhất một tiêu chuẩn áp dụng.

Thứ hai, trong trường hợp bắt buộc phải có tiêu chuẩn, cần quy định về tiêu chí và thẩm quyền lựa chọn các loại hàng hoá, dịch vụ thuộc diện phải có tiêu chuẩn.

Thứ ba, nếu luật hoá việc bắt buộc phải có tiêu chuẩn thì cần cân nhắc việc ban hành (hoặc tập hợp) các loại hàng hoá, dịch vụ thuộc diện buộc phải có tiêu chuẩn để doanh nghiệp tiện tra cứu và thực thi.

Thứ tư, cân nhắc việc xã hội hoá thủ tục thông báo tiêu chuẩn cơ sở để tránh độc quyền về dịch vụ công. Ví dụ, doanh nghiệp có thể tự thực hiện hoặc uỷ quyền cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện thủ tục này.

Thứ năm, thủ tục thông báo tiêu chuẩn cơ sở cần thay thế thủ tục công bố tiêu chuẩn áp dụng, tức là doanh nghiệp đã thông báo thì không cần công bố.

Thứ sáu, cần cho phép người mua hàng hoá, dịch vụ được tiếp cận với các thông tin về tiêu chuẩn áp dụng để từ đó làm căn cứ đánh giá, lựa chọn sản phẩm có chất lượng tốt hơn.


Tuệ Minh

Chia sẻ Facebook