VCCI: Nên bỏ quy định về thủ tục thành lập, mở rộng khu CNTT tập trung

Chia sẻ Facebook
30/01/2024 07:00:39

VCCI đề nghị bỏ quy định về thủ tục thành lập, mở rộng khu CNTT tập trung, và tích hợp các tiêu chí, điều kiện vào thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản trả lời Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung.

Thành lập, mở rộng khu CNTT tập trung

Điều 15.1 Dự thảo quy định Quyết định của Thủ tướng thành lập, mở rộng Khu CNTT tập trung đồng thời là Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Quy định này dường như chưa phù hợp ở các điểm sau: Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là thủ tục riêng rẽ, bắt buộc phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư bao gồm các nội dung về thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục; Thủ tục thành lập, mở rộng khu CNTT tập trung dường như không cần thiết, có tính chất trùng lặp với các bước khác: thủ tục thành lập, mở rộng khu CNTT tập trung có tính chất giống với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư vì đều là hoạt động chấp thuận về chủ trương thực hiện dự án; Việc xác định sự cần thiết của khu CNTT tập trung đã được thực hiện khi xây dựng quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh (và nếu chưa có thì sẽ có thủ tục điều chỉnh quy hoạch).

Ngoài ra, đối chiếu với Nghị định 35/2022/NĐ-CP về khu công nghiệp, khu kinh tế, Nghị định 35/2022/NĐ-CP chỉ quy định 2 bước: (1) có trong quy hoạch; (2) thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Nghị định 35/2022/NĐ-CP chỉ bổ sung thêm các tiêu chí, điều kiện cần xem xét khi thực hiện chủ trương đầu tư, tương tự như các điều kiện trong thủ tục thành lập, mở rộng khu CNTT tập trung tại Dự thảo.

Đầu tư hạ tầng thứ cấp bằng nguồn vốn tư nhân

Điều 15.4 Dự thảo quy định UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không qua đấu giá, đấu thầu với dự án đầu tư hạ tầng thứ cấp bằng nguồn vốn tư nhân.

Quy định này chưa phù hợp, chẳng hạn trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư cùng muốn tham gia đầu tư sẽ không áp dụng được quy định này.

Ngoài ra, Luật Đầu tư cũng quy định cụ thể các hình thức lựa chọn nhà đầu tư (Điều 29). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi lại quy định này, cân nhắc áp dụng dẫn chiếu Luật Đầu tư.

Đầu tư hạ tầng khu CNTT bằng nguồn vốn tư nhân

Điều 15.5 Dự thảo quy định việc việc xây dựng khu khu CNTT bằng vốn tư nhân thực hiện theo Điều 29.1 Luật Đầu tư. Luật Đất đai đã quy định khu CNTT tập trung là một trong các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, và do đó có thể áp dụng quy định về đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định về đấu thầu sẽ gặp khó khăn nếu quy định như Dự thảo.

Điều 29.1.b Luật Đầu tư cho phép áp dụng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu; Điều 2.3 Luật Đấu thầu lại chia ra hai trường hợp áp dụng: (i) theo pháp luật đấu đai; (ii) theo pháp luật chuyên ngành; Luật Đất đai quy định áp dụng trong hai trường hợp: (i) khu đô thi, khu dân cư nông thôn tập trung; (ii) theo pháp luật chuyên ngành.

Như vậy, quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong Luật Đấu thầu và Luật Đất đai lại đang giao cho pháp luật chuyên ngành quy định trường hợp áp dụng. Khi đó, để có thể áp dụng các quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Dự thảo cần bổ sung quy định cụ thể cho phép đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu CNTT tập trung. Việc bổ sung quy định này đảm bảo nhiều phương thức lựa chọn nhà đầu tư cho dự án, phù hợp với các trường hợp khác nhau. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cụ thể theo hướng dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu CNTT bằng nguồn vốn tư nhân được áp dụng quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Điều 18 Dự thảo quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu CNTT tập trung. Quy định này chồng chéo và chưa phù hợp với quy định về cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Luật Đầu tư. Theo đó, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chỉ áp dụng với dự án của nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài; nhà đầu tư trong nước sẽ được thực hiện dự án sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư (Điều 37 Luật Đầu tư). Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo Luật Đầu tư cũng rất đơn giản do các nội dung quan trọng về năng lực nhà đầu tư, dự án đầu tư đã được đánh giá trong chủ trương chấp thuận nhà đầu tư. Các nội dung về hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong Dự thảo tương tự với thành phần hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư tại Điều 33 Luật Đầu tư là chồng chéo về mặt thủ tục và nội dung. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

Đầu tư dự án vào khu CNTT tập trung

Điều 20.4 Dự thảo quy định dự án đầu tư vào khu có sử dụng đất phải thực hiện chủ trương chấp thuận đầu tư. Quy định này là chưa phù hợp trong trường hợp các khu CNTT tập trung do doanh nghiệp đầu tư hạ tầng. Trong trường hợp này, các nhà đầu tư thứ cấp sẽ thuê đất từ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng mà không phải thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng trên.

Điều 21 Dự thảo quy định các tiêu chí công nhận khu CNTT bao gồm: (i) các hoạt động trong khu; (ii) lao động chuyên môn; (iii) diện tích tối thiểu; và (iv) phân khu chức năng. Tuy nhiên, Điều 23 Dự thảo lại quy định hồ sơ phải có các nội dung như báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư, báo cáo tài chính, báo cáo đánh giá tác động kinh tế – xã hội và môi trường, bản mô tả phương hướng phát triển. Các yêu cầu về hồ sơ như vậy là không phù hợp với Điều 21 và có nhiều tiêu chí khó định lượng, xác định cụ thể, không rõ như thế nào là đạt và không đạt. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi làm rõ các nội dung này. Nếu không làm rõ, đề nghị bỏ các thành phần hồ sơ này.

Điều 33 Dự thảo quy định quyền hạn của đơn vị quản lý với một số chức năng như quản lý hoạt động trong khu, xúc tiến và thu hút đầu tư… Các quyền hạn này còn tương đối đơn giản. Các doanh nghiệp khi đầu tư vào khu tập trung có mong muốn được giảm thiểu thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính khi có thể thực hiện thủ tục với một đầu mối nhất định, chính là đơn vị quản lý khu. Quy định tại Dự thảo sẽ không giải quyết được nhu cầu này của doanh nghiệp, giảm tính hiệu quả, hấp dẫn của khu CNTT tập trung. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu bổ sung quyền hạn của đơn vị này, trong đó trao nhiều quyền hoặc cho phép nhận phân cấp/ uỷ quyền từ các bộ, UBND tỉnh về các thủ tục hành chính trong khu, tương tự như quy định về ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế tại NĐ 35/2022/NĐ-CP.


Tuệ Minh

Chia sẻ Facebook