VCCI: Một số quy định tại Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản làm khó DN

Chia sẻ Facebook
08/05/2023 16:55:55

Góp ý Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản, VCCI cho rằng một số quy định có thể tạo sự phức tạp, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Có cần giấy chứng nhận khi chuyển nhượng?

Tại văn bản góp ý, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét và điều chỉnh lại một số nội dung để đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật về kinh doanh.

Cụ thể , so với các phiên bản trước, phiên bản dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản ngày 5/4/2023 đã có nhiều điều chỉnh để phù hợp với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cùng các văn bản pháp luật khác có liên quan. Tuy vậy, một số quy định vẫn cần được xem xét để bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật về kinh doanh.

Phân tích rõ hơn về sự chưa thống nhất này, VCCI cho rằng: Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 53 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phiên bản lấy ý kiến nhân dân thì “đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở thì được chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có Giấy chứng nhận”. Có nghĩa, dự án được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ khi đã có Giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, khoản 4 Điều 41 dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản lại quy định điều kiện khi chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản “chủ đầu tư chuyển nhượng đã có quyết định giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) của dự án, phần dự án chuyển nhượng đối với Nhà nước mà không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng”.

Quy định này được hiểu, khi chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án thì chủ đầu tư chỉ cần hoàn thành các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án mà phần đất đó không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận, có nghĩa, không cần phải có Giấy chứng nhận.

Như vậy, giữa hai dự thảo vẫn đang chưa thống nhất về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án chuyển nhượng.

Về điều kiện của nhà ở, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh, điểm e khoản 3 Điều 15 dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản quy định trường hợp bán, cho thuê mua các phần diện tích sàn xây dựng của công trình xây dựng thì phần diện tích sàn xây dựng được bán, cho thuê mua ngoài việc đáp ứng điều kiện: “công trình xây dựng phải được xây dựng trên đất có hình thức sử dụng đất được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê”.

VCCI đề nghị rà soát quy định này với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để thống nhất về hình thức trả tiền thuê đất một lần hay hàng năm, bởi vì dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang có sự điều chỉnh về các trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm và trả tiền một lần.

Một trong những mục tiêu quan trọng khi xây dựng Dự thảo là thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh. Mục tiêu này là phù hợp với những nỗ lực trong thời gian gần đây của Nhà nước khi tiến hành mạnh mẽ các hoạt động cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, khai thông các hoạt động đầu tư kinh doanh.

Tuy vậy, rà soát toàn bộ Dự thảo, VCCI cho rằng vẫn còn một số quy định chưa thể hiện được tinh thần cải cách thủ tục hành chính, thậm chí còn làm hoạt động kinh doanh kém thuận lợi hơn vì phải thực hiện thêm nhiều thủ tục.


Thứ nhất, các thủ tục trước khi thực hiện các giao dịch bất động sản.

Dự thảo đang thiết kế quy định theo hướng trước khi thực hiện các giao dịch bất động sản như: Bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai (khoản 2 Điều 25); Ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật theo hình thức phân lô bán nền (khoản 4 Điều 32).

Chủ đầu tư dự án phải gửi văn bản thông báo tới cơ quan có thẩm quyền quản lý kinh doanh bất động sản cấp tỉnh về việc đủ điều kiện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra thực tế và ra văn bản về việc có đáp ứng điều kiện để thực hiện giao dịch hay không.

"Đây được xem là một dạng “giấy phép con” trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và làm cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trở nên phức tạp, khó khăn hơn", VCCI nhận định.

Việc kiểm soát điều kiện nhà ở hình thành trong tương lai hay quyền sử dụng đất có đủ điều kiện để thực hiện giao dịch hay không có thể kiểm soát thông qua hình thức hậu kiểm và chế tài áp dụng nếu chủ đầu tư dự án vi phạm.

Từ đó, VCCI đề nghị bỏ quy định về các thủ tục trước khi thực hiện các giao dịch quy định tại khoản 2 Điều 25, khoản 4 Điều 32 Dự thảo.


Thứ hai, các thủ tục liên quan đến hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ bất động sản.

Theo quy định tại Điều 71, Điều 73 Dự thảo, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ tư vấn bất động sản, kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản ngoài việc phải thành lập doanh nghiệp không phải đáp ứng bất kì điều kiện nào khác. Trước khi hoạt động kinh doanh, các chủ thể này phải gửi thông tin về doanh nghiệp đến Sở Xây dựng địa phương nơi thành lập doanh nghiệp để được đăng tải thông tin lên cổng thông tin của Sở Xây dựng đó.

Theo quy định tại Dự thảo, các ngành nghề này không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, là một ngành nghề kinh doanh thông thường khác. Với tính chất này thì yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện thông báo tới cơ quan quản lý trước khi hoạt động dường như không cần thiết và tạo thêm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Nếu cơ quan quản lý nhà nước muốn biết thông tin về các doanh nghiệp này có thể lấy thông tin từ cơ quan đăng ký kinh doanh.

Để tạo thuận lợi về thủ tục hành chính, VCCI đề nghị bỏ quy định doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục thông báo trước khi hoạt động kinh doanh quy định tại Điều 71, Điều 73 Dự thảo.


Thứ ba, thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản trong trường hợp bên nhận chuyển nhượng là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.


Khoản 3 Điều 43 Dự thảo quy định, trường hợp bên nhận chuyển nhượng là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thì sau khi có quyết định cho phép chuyển nhượng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các bên đã ký hợp đồng chuyển nhượng, thủ tục sẽ thực hiện như sau: i) bên chuyển nhượng thực hiện thủ tục trả lại đất cho Nhà nước; ii) bên nhận chuyển nhượng sau khi được công nhận là chủ đầu tư dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Việc thiết kế nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục theo hướng: bên chuyển nhượng trả lại đất rồi Nhà nước giao đất cho bên nhận chuyển nhượng sau khi được công nhận là chủ đầu tư dự án, sẽ làm phức tạp thêm thủ tục và kéo dài thời gian thực hiện hoạt động chuyển nhượng. Việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng có nghĩa các yếu tố, điều kiện của bên nhận chuyển nhượng đã được thẩm định. Do đó, thiết kế thủ tục thành hai bước như Dự thảo dường như là quá mức cần thiết.

VCCI đề nghị cân nhắc thiết kế thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản trong trường hợp bên nhận chuyển nhượng là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tương tự như các trường hợp chuyển nhượng của tổ chức kinh tế có vốn trong nước.

Các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch môi giới bất động sản

Luật Kinh doanh bất động sản 2006 yêu cầu “Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản”. Tuy nhiên, quy định này đã được bỏ tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014 bởi vì “tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cũng như tạo điều kiện thuận lợi, giảm thiểu các thủ tục hành chính cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia thị trường”. Bãi bỏ quy định này “nhằm phù hợp với bối cảnh “trầm lắng” của thị trường bất động sản” tại thời điểm xây dựng Luật 2014.

Hiện tại, Dự thảo khôi phục lại yêu cầu một số các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn môi giới bất động sản tại Điều 57. Các doanh nghiệp cho rằng, việc yêu cầu các giao dịch bất động sản phải thực hiện qua sàn có thể sẽ khiến những vướng mắc cũ quay trở lại, tạo thêm về thủ tục cho các bên trong giao dịch, từ đó ảnh hưởng đến lượng giao dịch về bất động sản trên thị trường.

Mặc dù, các giao dịch bất động sản trên sàn sẽ tạo nên sự minh bạch về thông tin, giúp nhà nước quản lý được thông tin về thị trường bất động sản, tuy nhiên quy định này đã từng bị đặt vấn đề về tính khả thi và buộc phải sửa đổi sau một thời gian áp dụng.

Một số doanh nghiệp, đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành, trao quyền quyết định việc giao dịch bất động sản cho nhà đầu tư, điều này tạo ra cơ chế thông thoáng cho hoạt động kinh doanh bất động sản.

Cũng theo VCCI, tại khoản 5 Điều 61 Dự thảo quy định, “người đại diện pháp luật của Sàn giao dịch bất động sản xác nhận các giao dịch bất động sản thực hiện thông qua sàn theo quy định của Luật này”. Giấy xác nhận này là cơ sở để các chủ thể tham gia giao dịch kê khai nộp thuế cho nhà nước, đăng ký biến động, sang tên quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất.

VCCI đề nghị rà soát lại quy định này với Dự thảo Luật Đất đai, pháp luật về công chứng để đảm bảo thống nhất. Bởi vì hiện này, pháp luật về đất đai đang quy định về đăng ký quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không căn cứ vào giấy xác nhận giao dịch qua sàn. Pháp luật về công chứng quy định về việc công chứng các hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất và đây được xem là các tài liệu quan trọng để thực hiện các bước tiếp theo như nộp thuế, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.


Tuệ Minh

Chia sẻ Facebook