VCCI: Hoạt động khuyến mại nên thực hiện thủ tục thông báo thay vì đăng ký
VCCI góp ý cho Dự thảo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương.
Theo VCCI, Dự thảo tập trung đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa vào hai lĩnh vực hóa chất và xúc tiến thương mại, trong đó sẽ sửa đổi bổ sung Nghị định 38/2014/NĐ-CP về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học và Nghị định 81/2018/NĐ-CP về hoạt động xúc tiến thương mại. Hiện tại, dự thảo các Nghị định này đã được trình Chính phủ trong tháng 11 năm 2023.
Như vậy, các đề xuất trong Dự thảo này về cơ bản là nhắc lại những hoạt động đã thực hiện, nếu có kiến nghị thêm các đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa cũng sẽ khó khả thi, bởi vì các Nghị định để hiện thực hóa phương án đã sắp được ban hành.
Liên quan đến hai Nghị định 38/2014/NĐ-CP và Nghị định 81/2018/NĐ-CP, tại thời điểm Dự thảo lấy ý kiến doanh nghiệp, doanh nghiệp đánh giá cao tinh thần cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính trong các quy định tại Dự thảo so với quy định hiện hành. Các quy định sửa đổi, bổ sung có tính cải cách này cũng phù hợp với các nội dung đề xuất tại Dự thảo.
"Tuy nhiên, bên cạnh những quy định có tính cải cách thì một số quy định tại Dự thảo lại chưa thuận lợi hơn, thậm chí là tạo thêm gánh nặng về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp", VCCI nhận định.
Thứ nhất, đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 38/2014/NĐ-CP.
Về quy trình cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng: So với quy trình cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng tại Dự thảo thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn và phức tạp hơn. Nếu như trình tự thủ tục cấp giấy phép sản xuất hóa chất Bảng tại Nghị định 38/2014/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền chỉ cấp phép dựa trên hồ sơ, thì theo quy định tại Dự thảo, cơ quan quản lý sẽ thành lập đoàn kiểm tra thực tế sau đó mới cấp giấy phép.
Dự thảo vẫn yêu cầu cung cấp các loại tài liệu của cơ quan quản lý nhà nước có thể tra cứu trong hệ thống dữ liệu của cơ quan nhà nước ví dụ như “Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” trong Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng.
Bổ sung thủ tục về thanh sát nội địa: việc bổ sung thủ tục này cần đánh giá lại về tính cần thiết và xem xét về nguy cơ chồng chéo về thanh tra, kiểm tra.
Thứ hai, đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2018/NĐ-CP.
Dự thảo vẫn giữ hoặc thiết kế một số cơ chế quản lý tạo gánh nặng về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Về thủ tục báo cáo kết quả thực hiện chương trình khuyến mại, Nghị định 81/2018/NĐ-CP và Dự thảo đang thiết kế quy định theo hướng sau mỗi hoạt động khuyến mại, thương nhân phải thực hiện thủ tục báo cáo kết quả thực hiện chương trình khuyến mại – tức là hoạt động báo cáo theo vụ việc.
Liên quan đến hoạt động báo cáo này, doanh nghiệp phản ánh có nhiều vướng mắc và tạo ra những gánh nặng về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, cụ thể: có nhiều nguyên nhân khách quan khiến việc trao giải có thể kéo dài hơn dự kiến; hoạt động đối chiếu số liệu, kiểm soát nội bộ bị kéo dài khi chương trình khuyến mại có số lượng giải nhiều; số lượng khách hàng không trao giải thành công hoặc khách hàng vẫn chưa xác nhận việc nhận giải thành công hay chưa do quá trình vận chuyển. Thời gian chờ khách hàng thông báo hoặc xác nhận đã nhận giải thưởng, trao phát quà thành công kéo dài.
Các hoạt động sau chương trình khuyến mại khá nhiều và có nhiều hoạt động phát sinh, vì vậy yêu cầu thời hạn báo cáo 45 ngày là không kịp đối với nhiều doanh nghiệp. Mặt khác, với doanh nghiệp có nhiều hoạt động khuyến mại, việc yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo theo vụ việc sẽ phát sinh rất lớn về chi phí tuân thủ, tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Theo VCCI, hoạt động bảo cáo nên theo năm tài chính thay vì thiết kế theo từng vụ việc.
Về thực hiện thu nộp ngân sách nhà nước, dự thảo bổ sung quy định về thực hiện nộp ngân sách nhà nước, theo đó trong vòng 10 ngày kể từ ngày nộp ngân sách nhà nước, thương nhân có trách nhiệm gửi văn bản báo cáo (theo mẫu) cho cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thu nộp.
Việc yêu cầu thương nhân phải gửi văn bản báo cáo là không cần thiết và tạo gánh nặng về mặt thủ tục hành chính. Nếu cơ quan nhà nước muốn biết thương nhân đã thực hiện việc nộp ngân sách nhà nước hay chưa thì có thể yêu cầu kho bạc nhà nước cung cấp thông tin.
Thủ tục này là không cần thiết và cần phải bỏ.
Về đăng ký hoạt động khuyến mại, Điều 19 Nghị định 81/2018/NĐ-CP thì hoạt động “bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua bán hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố (chương trình khuyến mại mang tính may rủi)” phải thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động khuyến mại và phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận trước khi thực hiện chương trình khuyến mại. Thủ tục này có tính chất như hoạt động cấp phép.
Tuy nhiên, Nghị định 81/2018/NĐ-CP không quy định rõ tiêu chí để cấp phép vì vậy, mục tiêu quản lý của quy định này đang chưa thực sự rõ ràng. Mặt khác, nội dung đăng ký thực hiện khuyến mại có nội dung tương tự như nội dung thông báo thực hiện khuyến mại. Nếu nhà nước chỉ muốn biết thông tin của hoạt động khuyến mại này thì yêu cầu thương nhân thực hiện thủ tục thông báo khuyến mại là phù hợp.
Do vậy, hoạt động khuyến mại theo quy định tại Điều 13 Nghị định 81/2018/NĐ-CP nên thực hiện thủ tục thông báo thay vì thủ tục đăng ký.
Tuệ Minh