VCCI: Đề xuất mới về hành vi bị cấm trong bán hàng đa cấp không khả thi

Chia sẻ Facebook
24/11/2023 03:54:18

Đó là khẳng định của VCCI khi góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trách nhiệm của ban quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ, khu thương mại

Điều 5 Dự thảo quy định trách nhiệm của ban quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ, khu thương mại, trong đó các quy định hướng đến các ban quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ, khu thương mại trở thành đơn vị có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng trong khu vực quản lý.

Quy định này cần xem xét ở các điểm như tính khả thi: Năng lực của doanh nghiệp vận hành chợ, khu thương mại thực sự khó đáp ứng việc các yêu cầu này, chẳng hạn như doanh nghiệp khó có thể thực hiện giải quyết tranh chấp (phán xử) giữa thương nhân với cá nhân, và hoà giải tranh chấp cần nhân sự có chuyên môn và được đào tạo bài bản về hoà giải. Hoặc doanh nghiệp cũng không có đủ thẩm quyền và năng lực để xác định chất lượng sản phẩm hàng hoá (hiện nay đang thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước). Việc duy trì các điều kiện này sẽ tạo ra gánh nặng chi phí lớn cho các doanh nghiệp.

Tính cần thiết: pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng đã quy định nhiều cách thức bảo vệ người tiêu dùng và trách nhiệm của người tiêu dùng. Việc tạo ra thêm một “lớp” bảo vệ nữa có thể không thực sự cần thiết và có hiệu quả như các cách thức đang hoạt động. Hơn nữa, trong trường hợp các khu thương mại (suy đoán là siêu thị, trung tâm thương mại), các doanh nghiệp hoạt động trong các gian hàng tại khu này đều là các doanh nghiệp có thương hiệu, có cơ chế giải quyết khiếu nại với người tiêu dùng (ngay tại cửa hàng và thông qua phương thức khác) rất hiệu quả, do đó không cần thiết phải có sự can thiệp của doanh nghiệp vận hành khu.

Không phù hợp: Điều 5.6 Dự thảo quy định doanh nghiệp định kỳ 06 tháng phối hợp với cơ quan chức năng để kiểm soát hàng hoá trong phạm vi quản lý. Quy định này là không phù hợp vì việc thanh, kiểm tra với doanh nghiệp cần được giới hạn và chỉ thực hiện theo quy định pháp luật về thanh, kiểm tra, cụ thể chỉ diễn ra không quá 01 lần/năm theo Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng năm 2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại các quy định này, loại bỏ các trách nhiệm không phù hợp.

Nghĩa vụ báo cáo của nền tảng số trung gian

Mẫu 10 Dự thảo quy định các nội dung cần báo cáo của nền tảng số trung gian. Tuy nhiên, Dự thảo đang đặt ra một số lượng lớn yêu cầu báo cáo, đặc biệt rất nhiều yêu cầu cung cấp danh sách hay danh sách chi tiết (ví dụ: tiêu chí xác định ưu tiên hiển thị sản phẩm hàng hóa, danh sách nội dung quảng cáo, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng…).

Điều này là không khả thi, tạo gánh nặng vận hành cho doanh nghiệp và không rõ mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng.

Chẳng hạn số lượng người dùng, số sản phẩm, hàng hóa và số lượng giao dịch trên nền tảng thường rất lớn. Các tiêu chí ưu tiên hiển thị sản phẩm sẽ được công bố rõ ràng tại các chương trình cụ thể, có thể được điều chỉnh khác nhau với mỗi chương trình để đảm bảo tính hấp dẫn với người dùng.

Việc cung cấp thông tin về thương nhân trên nền tảng khi có yêu cầu từ người tiêu dùng; danh sách tiếp nhận, giải quyết yêu cầu, khiếu nại từ người tiêu dùng: Trong trường hợp có khiếu nại xảy ra, nếu nền tảng, người bán và người tiêu dùng giải quyết được với nhau một cách hợp lý thì việc báo cáo cho cơ quan quản lý là không cần thiết. Với những trường hợp người tiêu dùng không hài lòng với cách giải quyết của nền tảng, họ sẽ gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng theo quy định của Luật. Việc yêu cầu nền tảng báo cáo tới cơ quan quản lý những trường hợp như vậy không phục vụ mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Mẫu 10 còn yêu cầu doanh nghiệp xây dựng các danh sách chi tiết về số lượng, nội dung vi phạm của phản hồi, kết quả và thời điểm xử lý; danh sách hoạt động quảng cáo, nội dung và cách thức cung cấp; thời điểm, nội dung, kết quả hiển thị đánh giá ưu tiên của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (gửi kèm link); danh sách hình thức xử lý và số lượng thương nhân bị xử lý…

Các quy định này dự kiến sẽ tạo ra gánh nặng vận hành lớn cho các doanh nghiệp với các báo cáo có thể dài đến hàng trăm trang và vẫn có nguy cơ bị đánh giá là chưa đáp ứng, cần chỉnh sửa.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại Mẫu 10 và các quy định khác trong Dự thảo, loại bỏ bớt các thông tin báo cáo để phù hợp với yêu cầu quản lý và khả năng thực thi của doanh nghiệp.

Hành vi bị cấm trong bán hàng đa cấp

Điều 25.1 Dự thảo quy định các hành vi bị cấm trong bán hàng đa cấp. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc các điểm như cấm “bán hàng cho cá nhân bán hàng đa cấp khi cá nhân bán hàng đa cấp chưa bán hoặc tiêu dùng hết 80% lượng hàng hóa của lần mua gần nhất” tại Điều 25.1.d Dự thảo là không khả thi bởi doanh nghiệp không thể kiểm soát và xác thực được tỷ lệ 80% này, dẫn đến rủi ro vi phạm pháp luật, thậm chí là thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh.

Các khái niệm “vượt quá nhu cầu sử dụng”, “vượt quá khả năng bán hàng” và “khối lượng lớn bất thường” tại Điều 25.1.d là những khái niệm chung chung, khó định lượng, tuỳ thuộc vào cách diễn giải, dẫn đến rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, đồng thời các doanh nghiệp cũng không có cách nào xác định được nhu cầu sử dụng cũng như khả năng bán hàng của các cá nhân bán hàng này.

Điều 26 Dự thảo quy định trách nhiệm của tổ chức bán hàng đa cấp, trong đó quy định trách nhiệm “duy trì tỷ lệ doanh thu từ việc bán hàng hoá cho người tiêu dùng không phải là người tham gia bán hàng đa cấp” và đào tạo cơ bản cho người tham gia trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tham gia.

Các quy định này không được quy định trong Luật, và do đó không nên được coi là quy định chi tiết Điều 45 Luật. Hơn nữa, các quy định này đã được quy định theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP, Nghị định 18/2023/NĐ-CP, và do đó không cần thiết phải nhắc lại các quy định này. "Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các quy định này", VCCI kiến nghị.

Thông báo thu hồi trên phương tiện thông tin đại chúng

Điều 18.1.b Dự thảo quy định doanh nghiệp phải thông báo công khai về thu hồi hàng hoá khuyết tật trên đài phát thanh, đài truyền hình, báo in, báo điện tử ở trung ương và địa phương nơi hàng hoá lưu thông ít nhất 05 số liên tiếp hoặc 05 ngày liên tiếp. Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc yêu cầu doanh nghiệp phải đăng thông báo trên đài/báo ở cả trung ương và địa phương nơi hàng hoá lưu thông sẽ tạo gánh nặng rất lớn về chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt với các sản phẩm được bán trên toàn quốc hoặc có mạng lưới phân phối rộng, chẳng hạn nếu sản phẩm được bán trên toàn quốc thì doanh nghiệp sẽ cần đăng trên 64 tờ báo (mỗi địa phương) ở 5 số liên tục. Hơn nữa, hiện nay, việc thông báo thu hồi hiện nay có thể thực hiện qua nhiều hình thức khác nhau, thậm chí trực tiếp đến khách hàng hơn như thông báo trực tiếp đến khách hàng (qua số điện thoại, email…); qua ứng dụng…

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng thông báo trên đài/báo ở trung ương hoặc địa phương nơi hàng hoá lưu thông.

Điều 19.3 Dự thảo quy định doanh nghiệp thu hồi hàng hoá khuyết tật trên địa bàn 2 tỉnh, thành phố trở lên thì phải báo cáo các cơ quan sau: (Bộ công Thương; cơ quan liên quan ở trung ương; Sở Công Thương; cơ quan liên quan ở địa phương.

Theo VCCI, quy định này là chưa thực sự hợp lý, đặc biệt với các doanh nghiệp bán hàng trên toàn quốc vì số lượng cơ quan phải gửi báo cáo là rất nhiều, tạo ra gánh nặng về chi phí và nhân lực.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định này.


Tuệ Minh

Chia sẻ Facebook